Công ty mẹ Shopee đạt kỷ lục doanh thu quý cao chưa từng có, TMĐT dần trở thành cỗ máy chủ lực

Doanh thu của chi nhánh thương mại điện tử Shopee đã tăng 31% lên mức kỷ lục 2,95 tỷ USD vào quý 1.

Ngày hôm qua, tập đoàn Sea có trụ sở tại Singapore, công ty mẹ của nền tảng thương mại điện tử Shopee đã công bố doanh thu hàng quý đạt mức kỷ lục trong ba tháng đầu năm. Có được kết quả này phần lớn nhờ lượng giao dịch thương mại điện tử tăng vọt mặc việc tập đoàn công nghệ này đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với những đối thủ mới tham gia như TikTok thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc.

Cụ thể, Sea đã báo cáo doanh thu của cả tập đoàn đạt 3,73 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2024, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo từng mảng kinh doanh, doanh thu của chi nhánh thương mại điện tử Shopee đã tăng 31% lên mức kỷ lục 2,95 tỷ USD khi tập đoàn này đạt được số lượng đơn đặt hàng hàng quý cao nhất nhờ đầu tư mở rộng vào các tính năng phát trực tiếp và mạng lưới hậu cần.

Nhưng Sea vẫn ghi nhận khoản lỗ ròng 23 triệu USD trong quý, trái ngược với mức lãi ròng 87 triệu USD so với một năm trước đó. Tổng chi phí hoạt động, bao gồm chi phí bán hàng và tiếp thị, tăng 15% lên 1,48 tỷ USD, trong khi tập đoàn cũng phải chịu khoản lỗ đầu tư ngoài hoạt động 111 triệu USD. Công ty không tiết lộ chi tiết về khoản đầu tư.

Tuy nhiên, tính theo quý, khoản lỗ ròng của tập đoàn thương mại điện tử và trò chơi trực tuyến này đã thu hẹp khoảng 80% so với khoản lỗ 111 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 năm 2023.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Forrest Li cho biết trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh hôm thứ ba: "Chúng tôi hiện tự tin hơn nhiều về khả năng vượt qua những cơn gió ngược và thích ứng nhanh chóng với môi trường thay đổi".

Giá cổ phiếu của Sea tăng hơn 5% trong phiên giao dịch sớm ở New York sau khi kết quả kinh doanh được công bố.

CEO Li cho biết vào tháng 8 năm ngoái, công ty "tăng cường" đầu tư vào hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của mình để đáp ứng xu hướng trong ngành là ngày càng có nhiều người mua sắm thông qua phát trực tiếp và video dạng ngắn. Đây là sự đáp trả của công ty trước sự cạnh tranh ngày càng cao với những đối thủ mới hơn như TikTok đang mở rộng mạnh mẽ trong lĩnh vực này ở Đông Nam Á.

Sự cạnh tranh ngày càng gay gắt khi Sea phải vật lộn với tình hình kinh doanh thương mại điện tử đang chậm lại sau khi các hạn chế về đại dịch Covid-19 bị dỡ bỏ hoàn toàn, cùng với môi trường lãi suất cao hơn. Điều này buộc công ty phải nhanh chóng cắt giảm chi phí và tập trung vào lợi nhuận của mình.

Nhưng Sea đã sớm cảnh báo với các nhà đầu tư rằng, các khoản đầu tư cho thương mại điện tử như vậy bao gồm phát trực tiếp và hậu cần sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, có khả năng dẫn đến thua lỗ cho toàn bộ phân khúc và cả tập đoàn trong một số giai đoạn nhất định.

Hôm thứ ba, Sea đã tìm cách đảm bảo với các nhà đầu tư rằng những nỗ lực gần đây đã giúp họ duy trì thị phần trong khi thu hẹp khoản lỗ trong quý.

"Shopee đã trở thành nền tảng thương mại điện tử phát trực tiếp lớn nhất ở Indonesia", Li cho biết, dựa trên số đơn đặt hàng phát trực tiếp trung bình hàng ngày trong quý đầu tiên. "Kết quả của chúng tôi trong quý đầu tiên đã mang lại cho chúng tôi một khởi đầu mạnh mẽ cho năm 2024 và chúng tôi đang đi đúng hướng đã đề ra cho cả năm".

Vào tháng 3, Sea cho biết họ dự kiến Shopee sẽ chuyển biến tích cực vào nửa cuối năm 2024. Công ty dự kiến sẽ đạt lợi nhuận hàng năm thứ hai liên tiếp trong năm nay.

Chủ tịch Chris Feng cho biết trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh: "Trong ngắn hạn, chúng tôi nhận thấy môi trường cạnh tranh ổn định hơn trong vài tháng qua. Chúng tôi sẽ nghiên cứu từng quốc gia… và đánh giá đâu là cách tốt nhất để ứng phó".

Theo: Nikkei

Phương Linh


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật