8 bước giúp doanh nghiệp SME triển khai chiến dịch content marketing thành công
Coffee talk "Content marketing giúp gì cho SME?". Ảnh: Tăng Khánh |
Với sự phát triển của mạng xã hội cùng nhiều nền tảng chia sẻ thông tin khác trong nhiều năm qua, content marketing đã dần trở thành phương pháp hữu ích và được nhiều doanh nghiệp sử dụng để tiếp cận khách hàng. Và, như bất cứ lĩnh vực nào khác, sân chơi càng đông thì người chơi càng cần phải tăng cường đầu tư, về cả nhân lực và vật lực, nhằm tìm ra cách làm sáng tạo để có thể cạnh tranh được và trở nên nổi trội.
Ứng dụng content marketing để tiếp cận khách hàng trong môi trường kinh doanh thời thế giới phẳng - nơi mà người tiêu dùng chỉ bằng một cú nhấp chuột là có thể mua hàng ở khắp mọi nơi trên thế giới - là một thách thức không nhỏ ngay cả với các doanh nghiệp lớn, tập đoàn đa quốc gia. Trong bối cảnh đó, liệu doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), với năng lực hạn chế cả về khả năng tài chính lẫn đội ngũ nhân sự có thể tham gia "sân chơi" này? Câu trả lời, được chuyên gia marketing Lý Thái Bảo - Managing Director của An PR, Project Marketing Director của Brainmark Consulting Group và là giảng viên của Học viện Quốc tế BMG - đưa ra là "Có!".
Tại hội thảo tương tác Coffee talk "Content marketing giúp gì cho SME?" do Báo Doanh Nhân Sài Gòn Online phối hợp cùng Viện Quản lý Kinh doanh Quốc tế (IBM) tổ chức chiều 26/7/2018, ông Lý Thái Bảo đã chia sẻ quy trình 8 bước có thể giúp các doanh nghiệp SME ứng dụng thành công hơn content marketing để phát triển kinh doanh.
1. Đặt mục tiêu
Trước khi lên kế hoạch, SME cần xác định bản thân muốn chiến dịch content marketing này mang lại cho mình những gì? Tuỳ theo tầm nhìn và nguồn lực hiện tại mà SME có thể đề ra mục tiêu dài hạn, trung hạn hay ngắn hạn cho chiến dịch. Một số mục tiêu cho chiến dịch content marketing có thể kể đến như xây dựng thương hiệu, tăng doanh số bán hàng, tăng mức độ nhận diện v.v...
Đặt mục tiêu hợp lý sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức cũng như mang lại tính khả thi cho chiến dịch. Có thể ví tầm quan trọng của đặt mục tiêu giống như việc cài chiếc khuy áo đầu tiên, nếu sai lệch từ đầu, thì mọi thứ tiếp theo đều sẽ đi chệch hướng.
Một mục tiêu được xem là tốt khi đảm bảo tiêu chuẩn S.M.A.R.T: Specific (Cụ thể), Measurable (Đo đạc được), Archievable (Khả thi), Relevant (Thực tế) và Time-bound (Xác định về mặt thời gian).
2. Vẽ chân dung khách hàng mục tiêu
Tiếp theo, SME cần tìm hiểu khách hàng của mình là ai? Họ có những khao khát hay bức bối gì? Quan trọng hơn, doanh nghiệp cần xác định được điểm chung giữa thương hiệu của mình và các khách hàng tiềm năng. Bởi vì, không phải tất cả mọi người có tiền đều có thể trở thành khách hàng và đối tượng mà chiến dịch content marketing của doanh nghiệp hướng tới.
Diễn giả Lý Thái Bảo dẫn lời của "cha đẻ của marketing hiện đại" Philip Kotler: Content marketing là tập hợp các hoạt động sáng tạo và phân phối nội dung có liên quan đến cuộc sống của khách hàng, nhưng cũng đồng thời sở hữu sự liên kết chặt chẽ với thương hiệu". Thế nên, việc tìm ra nội dung liên quan đến khách hàng và đồng thời gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp SME là rất cần thiết.
Nếu không vẽ được chân dung khách hàng, doanh nghiệp SME có thể đưa ra content hướng đến nhiều đối tượng khác nhau. Nếu chỉ có một content để sử dụng cho tất cả, SME sẽ mất rất nhiều cơ hội. Ngược lại, nếu vẽ được chân dung khách hàng, doanh nghiệp sẽ đánh đúng nội dung, tiếp cận vào thời gian hợp lý và hướng đến đúng những người thực sự cần mình.
Với quy mô nhỏ và khả năng tài chính hạn chế, doanh nghiệp SME có thể tiến hành vẽ chân dung khách hàng mục tiêu từ cơ sở dữ liệu hiện tại hoặc có thể thông qua một đơn vị khác hay báo cáo nghiên cứu thị trường nếu như điều kiện tài chính cho phép.
3. Lên ý tưởng và lập kế hoạch
Để đạt hiệu quả tối ưu, doanh nghiệp cần một chủ đề xuyên suốt cho content cũng như lộ trình thực hiện nó. Dĩ nhiên, chủ đề của content phải liên quan đến thương hiệu. Theo chuyên gia, xu hướng của marketing trong thời đại hiện nay là lấy yếu tố con người làm trọng tâm. Do đó, các marketer phải nhân cách hóa thương hiệu, sản phẩm hoặc dịch vụ của họ, để chúng có những tính cách tương tự như con người.
“Chỉ khi bạn nhắm mắt lại và nêu được 3 tính từ miêu tả con người gắn liền với thương hiệu của bạn, bạn mới triển khai chiến dịch marketing được", ông Bảo nói.
Chuyên gia marketing Lý Thái Bảo tại Coffee Talk “Content marketing giúp gì cho SME?”. Ảnh: Tăng Khánh. |
Đây cũng là lúc mà doanh nghiệp lựa chọn định dạng của content (video, infographics, hài kịch, sách v.v...) và tìm kiếm câu chuyện đằng sau nội dung mình muốn truyền tải. Với content marketing truyền thống, nội dung chỉ đi một chiều, từ doanh nghiệp đến khách hàng. Còn trong content marketing hiện đại, sự tương tác nằm ở cả hai phía - doanh nghiệp và khách hàng. Do đó, doanh nghiệp cần thiết phải tạo ra những câu chuyện với nội dung đảm bảo các tiêu chí: Thú vị, có liên quan, hữu ích và nhanh chóng.
Kể chuyện, mặc dù là cách lâu đời nhất, song lại hiệu quả nhất khi tiếp cận với khán giả. Khi bạn kể cho khán giả nghe câu chuyện của mình, họ sẽ tự liên hệ bản thân. Những câu chuyện bạn chia sẻ phải thực tế và dựa trên trải nghiệm của bạn, vì càng có nhiều người liên hệ với bạn thì họ càng tin tưởng bạn nhiều hơn.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần lên lộ trình thực hiện chiến dịch. Cụ thể, lộ trình nêu rõ các chủ đề sẽ được tạo ra và lịch phát hành của chúng, giúp doanh nghiệp giảm áp lực về thời gian. Trong lịch phải quy định rõ ai chịu trách nhiệm biên tập nội dung và thời hạn hoàn thành, thời điểm xuất bản.
4. Sáng tạo content
Bước tiếp theo, doanh nghiệp cần xác định người sáng tạo content và thời điểm hoàn thành nó. Cá nhân này có thể là nhân viên nội bộ hay được thuê ngoài. Đối với doanh nghiệp SME, không nhất thiết phải thuê ngoài để sáng tạo content ngay lập tức. Tuỳ vào đặc thù, tình hình tài chính, quy mô của doanh nghiệp và kế hoạch phát triển ở thời điểm hiện tại mà công ty có đối sách phù hợp.
Ông Bảo tư vấn: Đối với doanh nghiệp SME, nếu người tạo content là nhân viên nội bộ chưa từng có kinh nghiệm, hãy giao nhiệm vụ cho họ tìm hiểu và viết content. Tiếp theo, hãy đặt cho họ KPI kèm theo phần thưởng nếu hoàn thành nhiệm vụ.
5. Phân phối content
Với bước này, doanh nghiệp cần xác định các kênh phân phối content của mình và xem nó có phù hợp với nguồn lực hiện tại của doanh nghiệp hay không. Doanh nghiệp SME có thể sử dụng mô hình O3 (Own - Other - Outer) để lựa chọn kênh phân phối. Trong đó, Own là những kênh mà bản thân doanh nghiệp đang sở hữu (như website công ty, fanpage, blog...), Other là những kênh có thể tìm được (như mạng xã hội liên kết) và Outer là kênh phải trả tiền.
6. Khuếch đại content
Tiếp theo, doanh nghiệp cần lên kế hoạch cho việc làm thế nào sử dụng những tài sản mình sở hữu để tương tác với khách hàng. Tài sản này bao gồm cả các KOL, những trang mạng xã hội, website doanh nghiệp v.v... Bên cạnh đó, về mặt thủ thuật viết content, doanh nghiệp cần lưu ý tối ưu từ khoá với SEO để đảm bảo sự hiện diện cho bài viết trên các công cụ tìm kiếm.
Ông Bảo cho biết, theo khảo sát của Forrester Research, Search Engine Journal và BrightEdge, 93% trải nghiệm online đến từ việc tìm kiếm, 75% người dùng không click sang trang tìm kiếm thứ 2, và có 51% lượt truy cập vào các trang content đến từ tìm kiếm có chủ đích. Thế nên, việc tối ưu hoá công cụ tìm kiếm rất quan trọng với content marketing.
Chuyên gia marketing cũng nhấn mạnh, trong content marketing hiện đại, sự tương tác nằm ở cả doanh nghiệp và khách hàng, do đó các doanh nghiệp SME càng tạo ra được content khiến cho nhiều người phải tranh luận, thì lượng tiếp cận và mức độ thành công của chiến dịch càng lớn.
Một ví dụ điển hình cho việc này là trường hợp của Biti's Hunter. Với video “Đi để trở về 2”, Biti's Hunter đã đánh trúng vào tâm lý dịp đầu năm và tạo nên một cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người có tầm ảnh hưởng (influencer) cũng như KOL về chủ đề nên đi du lịch hay sum họp gia đình vào dịp Tết. Kết quả là, video “Đi để trở về 2” đứng top bảng xếp hạng Youtube Trending tận 18 ngày và chạm 38 triệu lượt views chỉ trong 1 tháng. Nhờ đó, doanh số của Biti's tăng trưởng 250% so với Tết 2017, vượt 60% so với mục tiêu.
7. Đánh giá hiệu quả của kế hoạch
Khi chương trình được tung ra, doanh nghiệp cần rà soát xem các mục tiêu đặt ra được thực hiện đến đâu để đánh giá kết quả và hiệu quả. Ngoài những tiêu chí đánh giá tự xây dựng, công ty nên sử dụng thêm các công cụ đánh giá có sẵn với từng kênh phân phối content để thu được mức độ đánh giá chính xác và toàn diện.
Khi sử dụng các kênh digital marketing, doanh nghiệp SME nên đánh giá hiệu quả của chiến dịch theo thời gian thực và nhanh chóng rút ra biện pháp cải thiện hiệu quả. Công cụ đánh giá hiệu quả có thể kế đến là Google Analytics. Công cụ miễn phí này cho phép doanh nghiệp SME đánh giá được hiệu quả của 1 trang web và những nội dung nào thu hút khách hàng đến trang web đó. Twitter hay Facebook cũng cung cấp một số thông tin của những các follower và fan, ví dụ họ đang sống ở đâu, họ quan tâm đến những nội dung nào…
Trong số các dữ liệu nói trên, quan trọng nhất là thông tin về những content mà khách hàng quan tâm. Chỉ khi nắm chắc thông tin ấy, doanh nghiệp mới có thể tiếp tục cung cấp cho khách hàng content phù hợp, tăng cường được tương tác và phát triển quan hệ lâu dài với họ.
8. Cải thiện Content Marketing
Cuối cùng, sau chiến dịch, doanh nghiệp SME cần tự phân tích và đưa ra những thay đổi cần có cho các chiến dịch sau. Những điều cần cải thiện thông thường sẽ nằm ở: Chủ đề content, cách viết content, kênh phân phối content và phương thức khuếch đại content.
Theo: doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- 5 công cụ content marketing giúp phát triển kinh doanh
- Những điều cần biết về chiến lược marketing trên cơ sở người dùng
- Field marketing - Công cụ gia tăng doanh số bán hàng
- Từ chuyện bán chè đặc sản sang Mỹ đến việc áp dụng nguyên lý 4P trong marketing vào xuất khẩu
- 15 xu hướng digital marketing tiếp tục dẫn đầu trong tương lai
- Mở gian hàng mua bán trực tuyến miễn phí cùng iCheck Scanner
- Nghệ thuật bán đồng hồ của người Thụy Sĩ: “Tầm thường hóa” công nghệ của đối thủ Nhật, biến đồng hồ thành trang sức để bá chủ thế giới
- Chiến dịch marketing kinh điển của Intel: Dán "nhờ" logo lên hàng loạt laptop và trở thành biểu tượng chất lượng của hàng triệu người "mù công nghệ"
- Tâm lý hành vi tiêu dùng của người Việt đang thay đổi chóng mặt, doanh nghiệp nào hiểu rõ 4 xu thế này thì muốn bán hàng cho ai cũng được!
- Muốn tăng doanh số trực tuyến đừng quên kênh điện thoại