8x làm sữa từ các loại hạt, ngũ cốc truyền cảm hứng sống khỏe
Tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Kinh doanh và có việc làm ổn định tại một công ty quảng cáo, Nguyễn Lương Bảo Trâm quyết định nghỉ việc để bắt tay vào xây dựng dự án sữa làm từ những loại hạt sạch, sau 8 năm làm công việc văn phòng.
Trâm thích nấu nướng, nghiên cứu về dinh dưỡng, thực phẩm sạch và muốn thực hiện một dự án cho riêng mình, nhưng dự định còn rất mơ hồ. Bị cuốn vào công việc với nhiều áp lực, Trâm tìm đến khóa thiền để tìm kiếm câu trả lời: mình thực sự muốn điều gì?
“Tôi nhận ra mình khao khát sống trọn vẹn và muốn nhân rộng thói quen ăn uống lành mạnh, tinh thần lạc quan. Đối tượng hướng đến là phụ nữ, vì đồng cảm với những vất vả mà họ phải đối mặt hàng ngày”, 8x chia sẻ. Gom góp 50 triệu từ tiền tiết kiệm, Trâm chọn mô hình kinh doanh sữa nấu từ các loại hạt, ngũ cốc, bởi chúng mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng.
Quy trình nấu gồm các công đoạn ngâm, xay nhuyễn, lọc và nấu. Tuy nhiên, để có hương vị thơm ngon thì nguyên liệu đầu vào cần đảm bảo chất lượng. Trâm nhờ họ hàng, người quen ở các tỉnh thành gửi vào Sài Gòn. “Mình tận dụng nông sản vùng miền Việt Nam, như hạt mè, đậu phộng ở Hà Tĩnh quê chồng, hạt sen lấy từ Huế - quê nội mình, bắp ở Nha Trang”, cô chủ sinh năm 1987 cho biết.
Các loại hạt không có sẵn nguồn như hạnh nhân, óc chó, diêm mạch thì nhập khẩu từ Australia. Để tạo vị ngọt thanh cho sữa, Trâm cũng chọn sử dụng đường phèn Quảng Ngãi hoặc nấu chung với quả chà là.
Hạt muốn ngon và đảm bảo dinh dưỡng cần ngâm trước khi nấu để loại bỏ chất độc. Mỗi loại lại yêu cầu thời gian ngâm khác nhau. Để có được kiến thức này, Trâm đọc thêm sách báo, hỏi thêm những chuyên gia dinh dưỡng, chế biến thực phẩm.
Thành quả ban đầu, 8x tặng người thân, bạn bè uống thử để ghi nhận phản hồi. Chưa biết cân chỉnh tỷ lệ nguyên liệu khiến sữa nấu ra không đồng đều. Sữa hạnh nhân nhạt và loãng, trong khi yến mạch lại quá đặc. Qua nhiều lần làm thử, Trâm mới rút ra cho mình công thức riêng cho 5 loại sữa: hạnh nhân, bắp, hạt sen, yến mạch, gạo lứt. Về sau, 8x thử kết hợp 2, 3 loại nguyên liệu với nhau tạo thành dòng sữa mới như sữa gạo lứt - hạt sen, diêm mạch - hạt kê, óc chó - đậu đen.
Nhờ vào kinh nghiệm trong ngành marketing, Trâm chỉ mất hơn 2 tháng để xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu, logo, bao bì đóng gói. Năm 2015, sữa hạt mang tên M.House ra đời, chủ yếu qua hình thức bán online với 9 loại sản phẩm, có mức giá 20.000-26.000 đồng mỗi chai 300ml, nhưng không được thị trường ưa chuộng. “Mọi người quan niệm sữa hạt chỉ dành cho trẻ em ăn dặm, khẩu vị cũng chưa phù hợp lắm với những người đã quen uống ngọt, nên mình phải mất thêm một thời gian để tiếp cận khách hàng”.
CEO trẻ tuổi đối mặt với một thử thách khác là sữa nhanh hư bởi không biết quy trình nấu vô trùng hay cách bảo quản lạnh, sản phẩm chỉ để được 2-3 ngày. Doanh thu thời gian đầu, Trâm đầu tư vào quy trình sản xuất khép kín tại nhà xưởng ở quận 7. Khi nấu xong, sữa sẽ được đóng ngay vào chai và bảo quản trong môi trường từ 0 đến 5 độ C. Bởi vậy thời gian sử dụng có thể lên đến 5-6 ngày.
Sản phẩm cũng phụ thuộc vào mùa vụ. Mùa hạt sen Huế kéo dài từ tháng 4 đến tháng 7, Trâm nhập số lượng lớn 100 kg, đến khi dùng hết thì cũng ngừng nấu. Nếu khách vẫn muốn uống sữa hạt sen thì có thể sử dụng nguyên liệu từ Đồng Tháp, nhưng cô chủ cũng giải thích rõ với khách. “Nhiều vị khách nhạy khẩu vị có thể phân biệt điểm khác nhau giữa nguyên liệu hai miền, vì vậy bước đầu mình phải xây dựng uy tín cho thương hiệu”, Trâm chia sẻ.
Năm 2016, dự án nhận được sự góp vốn từ hai người bạn. Thế nhưng những mâu thuẫn xung quanh bài toán lợi nhuận và giữ triết lý kinh doanh đã khiến việc làm ăn chung thất bại. Toàn bộ kế hoạch kinh doanh của Trâm phải xây dựng từ đầu. Cô nhớ lại: “Thời điểm đó có thể nói là khó khăn nhất của công ty, bởi công việc khá bấp bênh và cảm giác bản thân như bị bỏ lại”.
Nhưng sau mỗi vấp ngã, Trâm có cơ hội suy nghĩ về chặng đường đã qua để biết điều gì sai, cần khắc phục. Trâm quyết định một mình quán xuyến đứa con tinh thần, với sự hỗ trợ của ông xã. Mỗi tối đi làm về, hai vợ chồng trẻ lại tranh thủ thảo luận kế hoạch kinh doanh cho thương hiệu.
8x tiếp tục xây dựng website, trang fanpage, liên kết cung cấp thức uống cho sự kiện ngoại khóa về sức khỏe của các công ty. Khi có lượng khách online ổn định với gần 60 người đặt gói dài hạn thì bà chủ trẻ mở một cửa hàng vào tháng 10/2017. Trâm muốn tạo ra không gian thư giãn cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ làm việc văn phòng. 8x chia sẻ: “Phụ nữ có thể gặp nhiều áp lực từ công việc, gia đình, xã hội. Bởi thế, mình muốn tạo nên một nơi mà họ có thể ngồi thư giãn, thưởng thức đồ uống sạch, trao đổi về lối sống lành mạnh và khơi dậy tinh thần tích cực”.
Với doanh thu hiện nay hơn 100 triệu mỗi tháng, định hướng của cô là sẽ mở chuỗi cửa hàng bán lẻ, có thêm nhiều món ăn làm từ rau, quả. “Mình tận hưởng từng giây phút cuộc sống để không có thời gian nào là vô nghĩa. Và mình mong muốn lan tỏa điều đó đến với những khách hàng của mình”, nữ CEO trải lòng.
TIN CŨ HƠN
- Tỷ phú Nga đứng sau ứng dụng hẹn hò lớn nhất thế giới
- Startup thành công nhờ thương hiệu nước sốt đóng chai
- Tỷ phú Nga được ví như Mark Zuckerberg
- Bỏ lương cao, kỹ sư phần mềm mở tiệm bánh sandwich kiếm tiền 'khủng'
- Jessica Alba: Từ màn ảnh bước ra thương trường
- Kiếm triệu USD từ YouTube
- 53 tuổi khởi nghiệp, người đàn ông Nhật kiếm hàng triệu USD
- Bài học khởi nghiệp từ Airbnb và Uber
- CEO Memebox khởi nghiệp từ chiếc hộp làm đẹp
- Kiếm hàng chục triệu USD nhờ bán quần áo online