AhaMove: Đại dịch thúc đẩy đơn giao hàng tăng nhẹ hơn 10%, nhưng 1-2 tháng tới có thể sức mua sẽ đi xuống
Không thể phủ nhận rằng dịch Covid-19 đã thúc đẩy người dùng dịch chuyển nhiều hơn qua kênh thương mại điện tử và giao hàng tận nhà, đặc biệt trong thời gian lệnh cách ly xã hội được triển khai suốt 3 tuần qua. Và có vẻ như những doanh nghiệp hoạt động trong mảng giao hàng sẽ là số ít hưởng lợi lớn từ đại dịch lần này.
Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, anh Ngô Thế Vinh, Trưởng phòng marketing của AhaMove cho biết đại dịch làm số đơn hàng của họ tăng lên nhưng không phải con số quá ấn tượng.
"Tháng trước chúng tôi tăng trưởng 14%. Lượng đơn ghi nhận tăng nhẹ trong thời gian dịch bệnh chứ không bùng nổ. Điều này có thể lý giải là do các cửa hàng tận dụng chia bớt nhân viên tại cửa hàng đi giao hàng, chỉ khi không đáp ứng được lượng nhu cầu giao lớn thì họ mới đến với AhaMove", anh Vinh giải thích.
Thậm chí, đại diện Ahamove còn tiết lộ những ngày đầu dỡ bỏ lệnh cách ly xã hội, số lượng đơn hàng còn giảm đôi chút vì khách hàng có xu hướng đi ăn hoặc đi mua trực tiếp, thay vì gọi ship về tận nhà.
Do đó, nhìn nhận về nhu cầu giao hàng trong tương lai, anh Vinh bày tỏ quan điểm khá thận trọng.
"Chúng tôi cho rằng nhu cầu vận chuyển trong thời gian tới khó tăng trưởng, nếu có tăng thì chỉ tăng nhẹ. Như mọi năm sau kỳ nghỉ Tết, tình hình sản xuất giảm do nguồn cung nguyên liệu hạn chế nên các doanh nghiệp giao hàng thậm chí còn giảm tăng trưởng. Năm nay thêm dịch Covid-19, một lượng lớn lao động mất việc hoặc giảm lương, từ đó sức mua sẽ giảm đi. Thêm vào đó, thời điểm hết dịch chưa xác định rõ ràng nên mọi người có tâm lý chi tiêu phòng thủ và tiết kiệm.
Sức mua giảm như vậy nên nhu cầu giao hàng có thể sẽ giảm chứ không cao được trong vòng 1-2 tháng tới, nếu tăng thì cũng chỉ tăng nhẹ khoảng 5%".
Đại diện AhaMove cho biết để ứng phó với trạng thái mới của thị trường, trong ngắn hạn họ sẽ tập trung phát triển dịch vụ Giao Gần, dịch vụ có mức tăng trưởng mạnh nhất trong thời gian qua của Ahamove - hằng ngày có thể lên tới vài chục phần trăm.
"Khi gọi đồ ăn uống khách hàng có xu hướng chọn một cửa hàng gần mình nhất để phục vụ cơn "thèm" của mình. AhaMove cho ra đời dịch vụ này nhắm riêng tới thị trường giao đồ ăn và đồ uống - những thứ cần phải giao nhanh nhất có thể. Và dịch vụ "Giao Gần" hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cần "nhanh nhất" của khách hàng. Chính vì vậy nó tăng trưởng vượt bậc.
Với dịch vụ này, các cửa hàng ăn uống cũng không phải chia sẻ chiết khấu như với các ứng dụng đặt đồ ăn, nên đa phần các đơn người dùng đặt trực tiếp với nhà hàng, thì nhà hàng sẽ dùng AhaMove để giao. Như vậy, họ sẽ tiết kiệm được 10 - 25% phí chiết khấu. Đây là luồng tiền đáng quý trong thời buổi khó làm ăn hiện nay".
Còn trong dài hạn, kế hoạch của Ahamove sẽ là đa dạng và đảm bảo tối ưu hoá dịch vụ cho từng nhóm người dùng khác nhau, đảm bảo lợi ích lớn nhất cho mỗi nhóm. Trong đó, có 3 nhóm dự án lớn: Một là Giao Gần giúp giao đồ ăn, thức uống trong khoảng cách gần với giá khá ‘mềm’; hai là 4H giúp khách hàng giao các đơn hàng không cần tốc độ nhanh như thời trang, mỹ phẩm, nhưng vẫn đảm bảo nhận trong ngày và bỏ qua bước lưu kho; ba là dịch vụ giao hàng liên tỉnh kết hợp với Giao Hàng Nhanh.
"AhaMove vẫn sẽ tăng trưởng tiếp ngay cả khi đại dịch kết thúc vì AhaMove có kế hoạch rõ ràng từ trước khi đại dịch bắt đầu. Dù đại dịch đang diễn ra, AhaMove vẫn bám sát kế hoạch và có các bước chuẩn bị để thực hiện mục tiêu của mình", anh Vinh khẳng định.
TIN CŨ HƠN
- Kinh doanh trên TMĐT – Xu hướng giải cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ
- Các khách sạn cao cấp "tung chiêu" bán đồ ăn giao tận nơi với nhiều ưu đãi lớn: Tránh nắng nóng, dịch bệnh mà vẫn có thể thưởng thức món ngon chuẩn 5 sao
- Covid-19 đã khiến những 'con gà đẻ trứng vàng' của Tiki, Shopee, Lazada, Sendo hết thời ra sao?
- Sàn đấu TMĐT mùa dịch: Shopee tiếp tục để cho Tiki, Lazada và Sendo “hít khói”
- Covid-19 tác động chuỗi cung ứng dịch vụ và thương mại điện tử
- Savills: COVID-19 đang thúc đẩy thương mại điện tử và tấn công bán lẻ truyền thống
- Shopee sở hữu lượng truy cập lớn nhất trên toàn khu vực Đông Nam Á sau 3 năm
- Shopee trở thành thế lực thương mại điện tử hùng mạnh nhất Đông Nam Á, cho Lazada ‘hít khói’
- Thương mại điện tử B2B - doanh nghiệp cần hành động ngay
- Covid-19 tạo ra sự bùng nổ chưa từng có của thương mại điện tử và giao hàng tận nhà