Bà chủ Chè Bưởi Đồng Tháp tiết lộ bán online mạnh hơn cả kênh truyền thống
Chuỗi Chè Bưởi Đồng Tháp do anh chị làm chủ hiện đang là một trong những thương hiệu chè "hot" nhất trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của Gojek.
Nơi truyền thống và hiện đại giao thoa
Dù ở miền Bắc hay Nam, chè bưởi là một trong những món ăn hút khách rất đỗi bình dị, dễ thương dễ nhớ. Hương vị thơm ngon của chè là sự kết hợp giữa các nguyên liệu truyền thống, hoa quả tự nhiên, nước cốt dừa và nhiều thành phần mang bản sắc ẩm thực của từng vùng. Riêng chè bưởi Đồng Tháp, ai có dịp nếm thử đều ấn tượng với phần cùi bưởi giòn giòn, dẻo dẻo, thơm thơm, thanh mát, nước cốt đậm đặc béo ngậy của dừa tươi miền Tây.
Giữa chốn Sài Thành giao thương đầy cạnh tranh, một phụ nữ trẻ từ Đồng Tháp đã mạnh dạn lập nghiệp với món chè bưởi quê hương mình. Chị là Trần Thị Thu Hiền, hiện là bà chủ của chuỗi cửa hàng Chè Bưởi Đồng Tháp nổi tiếng ở Sài Gòn. Năm xưa sau khi kết hôn, chị Hiền được bà nội chồng truyền nghề nấu chè bưởi, rồi sau này mở quán chè riêng tại Gia Lai. Năm 2019, vợ chồng chị quyết định đánh liều lên Sài Gòn lập nghiệp với món chè gia truyền, mong muốn đi tìm tương lai xán lạn hơn cho hai con gái.
Bắt đầu lại từ con số 0, chị Hiền kể thời gian đầu vợ chồng chị khá đau đầu trong việc tìm mặt bằng tại Sài Gòn cũng như dò đoán khẩu vị của người dân nơi đây. Chị chia sẻ: "Từ 6, 7 món chủ đạo ban đầu, tôi tự học, tìm tòi thêm để biến tấu ra nhiều món nữa. Hiện tại, quán đang bán hơn 36 loại chè, chưa tính sinh tố, nước ép, đồ ăn vặt để đáp ứng gu ẩm thực đa dạng. Tôi mong mọi khách hàng dù già trẻ lớn bé đều có thể tìm được món mình ưa thích tại hàng chè này".
Tại cửa hàng của chị, bên cạnh chè bưởi vốn là món đinh kỳ công và khó thực hiện nhất, khách hàng có thể tìm thấy những món ngon thuộc về kí ức của nhiều thế hệ đang dần bị thất truyền nơi phố thị như: chuối nếp nướng, bánh tằm khoai mì, chè bánh lọt, cocktail siro… Để chiều lòng các thực khách trẻ tuổi, chị Hiền còn bổ sung các món mới lạ, ngon miệng như chè Thái, bánh flan hạnh phúc, sữa chua nếp cẩm,…
Thành công nhờ bắt kịp xu thế
Chỉ trong vòng 3 năm khởi nghiệp, chị Thu Hiền cùng chồng đã mở được 5 chi nhánh với thương hiệu Chè Bưởi Đồng Tháp. Trước dịch, mỗi ngày chị có thể bán ra hàng trăm ly chè với nguồn thu nhập khá ổn định. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng dịch Covid-19 hoành hành, anh chị đã phải đưa ra quyết định khó khăn là đóng bớt 2 chi nhánh để tập trung bán online.
May thay, việc giảm bớt số lượng chi nhánh đã không làm ảnh hưởng nhiều đến doanh thu của Chè Bưởi Đồng Tháp. Quán của chị Hiền đã may mắn trụ vững qua đợt dịch lần thứ tư căng thẳng. Nhìn lại, chị Hiền thấy hài lòng vì mình đã nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu thế. Việc đăng kí Chè Bưởi Đồng Tháp trở thành đối tác nhà hàng trên nền tảng đặt đồ ăn trực tuyến GoFood của Gojek là một bước đi "lợi hại" mà chị Hiền đã chủ động thực hiện ngay từ khi mới thành lập.
"Em tôi lên Sài Gòn lập nghiệp trước nên nắm rõ những thứ hiện đại ở đây, gợi ý cho chúng tôi đăng ký lên Gojek. Gojek chính là app giao thức ăn đầu tiên chúng tôi hợp tác. Nhờ vậy, chúng tôi không phải tất tả cử người của quán chạy đi giao chè chỗ này, chỗ kia mà vẫn có được nhiều đơn hàng từ nhiều khách hàng mới", bà chủ 36 tuổi kể lại. Theo tính toán của chị Hiền, thu nhập bán chè thông qua các ứng dụng online hiện chiếm 60 - 70% doanh thu của quán. Chị cũng rất vui khi nhờ các app mà khách hàng ở các quận xa vẫn có thể thưởng thức được hương vị chè của chị.
Doanh thu từ các ứng dụng online hiện chiếm 60 - 70% doanh thu của chuỗi cửa hàng Chè Bưởi Đồng Tháp.
Để duy trì lượng khách hàng ổn định, chị Hiền luôn linh động đáp ứng nhu cầu và khẩu vị riêng của từng khách hàng và linh hoạt thay đổi các món theo mùa. "Mùa nóng, tôi nấu nhiều các món chè có tính giải nhiệt như hạt sen, nhãn nhục củ năng, bán thêm sinh tố. Trời mưa thì đẩy mạnh các món chè đậu, chuối nếp nướng… Ngày Tết Đoan Ngọ thì chè trôi nước sẽ rất đắt hàng nên tôi làm số lượng nhiều. Tháng 7 dịp Thất tịch thì "bung lụa" với các món chè có liên quan tới đậu đỏ. Cứ những dịp như vậy là tôi phải nấu chè xuyên đêm luôn", chị Hiền nói.
Dù công việc kinh doanh vất vả nhưng chị Hiền thấy hài lòng với mọi thứ. Bà mẹ quê Đồng Tháp bộc bạch: "Tôi cảm thấy biết ơn vì cái nghề bán chè này giúp cho cả gia đình mình có một cuộc sống ổn định giữa đô thị đắt đỏ, các con có điều kiện học hành tốt. Hy vọng sau này có một đứa đi theo nghề để mang thương hiệu chè đi xa hơn, để ai rồi cũng biết đến Chè Bưởi Đồng Tháp". Chị cũng không quên gợi ý những ai muốn khởi nghiệp kinh doanh ẩm thực có thể tìm hiểu liên kết với các nền tảng đặt đồ ăn như GoFood của Gojek để hành trình kinh doanh đỡ vất vả và có đối tác cùng hỗ trợ, đồng hành.
TIN CŨ HƠN
- Bà chủ Chè Bưởi Đồng Tháp tiết lộ bán online mạnh hơn cả kênh truyền thống
- 9X khéo tay vừa bán bánh vừa mở lớp dạy nghề, thu nhập 50-70 triệu đồng mỗi tháng
- 9X nấu rau câu sợi lạ miệng, bán vài trăm hộp mỗi ngày, tháng thu 300 triệu
- Kinh doanh không bỏ nhiều vốn, không nhập hàng hay thuê mặt bằng, chàng trai từng giao pizza sắp thành tỷ phú, hiện là CEO của đế chế tỷ đô
- Khởi nghiệp với bánh mì, tại sao không?
- Cốc nước đá miễn phí - Ý tưởng "rẻ tiền" cứu cửa hàng sắp phải đóng cửa thành doanh nghiệp trị giá hàng trăm triệu USD
- Nữ 9x bỏ việc về quê nuôi "cá gỗ", từ ý tưởng điên rồ mang về cả nghìn đô
- Những ý tưởng kỳ quặc trị giá hàng triệu USD
- Startup Nga cung cấp giải pháp canh tác hiện đại tại đô thị
- Đây là những ý tưởng kinh doanh dưới 10 triệu có thể áp dụng ngay tại Việt Nam