Bán đồ ăn trên GrabFood, Now, Gofood hay Baemin cần đầu tư những gì?

Việc dịch chuyển lên các ứng dụng bán đồ ăn sẽ đòi hỏi chủ quán cần thêm một số chi phí đầu tư, tuy nhiên các chi phí này không quá nhiều.

Kinh doanh đồ ăn trên các nền tảng online đang là xu hướng bùng nổ trong giai đoạn Covid-19 như hiện nay, thậm chí là một kênh mang về doanh thu không thể bỏ qua với nhiều đơn vị trong ngành F&B.

Vậy việc dịch chuyển lên các kênh bán đồ ăn online như Grabfood, Now, Baemin hay GoFood có cần đầu tư gì không? Nhiều người nghĩ rằng miễn phí nhưng theo ông Hoàng Tùng, CEO, nhà sáng lập thương hiệu Pizza Home, có 3 khoản các cửa hàng ăn uống cần chú ý như sau.

1. Đầu tư món ăn

Theo ông Hoàng Tùng, trong quá trình dịch chuyển từ offline lên online, một số nhà hàng mắc phải lỗi dịch chuyển tất cả. Nghĩa là đang bán tại cửa hàng thế nào thì họ dịch chuyển lên online thế ấy. Đây là lỗi dễ gặp phải và thực tế làm như vậy sẽ không hiệu quả.

Trên menu, sẽ chỉ có một số món phù hợp cho việc bán qua ứng dụng thứ 3, và các món này cần đáp ứng một số tiêu chí:

- Giá cả: Chi phí của món ăn không được vượt quá 30% giá bán

- Đóng gói: Những món ăn khó đóng gói, liên quan đến nước nóng, nước sôi sẽ ít phù hợp

- Tốc độ chế biến: Ưu tiên những món nấu nhanh, gọn, nếu làm cầu kỳ, mất nhiều thời gian sẽ không phù hợp với môi trường bán online

Do đó, khi menu không có món ăn phù hợp, ông Tùng gợi ý chủ quán nên đầu tư để tạo ra những món ăn mới nhằm thu hút khách hàng. Các món ăn theo trend cũng là một phương án nên cân nhắc.

Ví dụ, các cửa hàng Pizza Home đã từng bán món bánh mì bơ tỏi, sau khi món ăn này xuất hiện trong bộ phim "Hạ cánh nơi anh" nổi tiếng của Hàn Quốc. Hay một vài ngày trước, họ cũng bán bán mì than tre-bánh mì trộn với bột than tre, một nguyên liệu phổ biến ở Nhật. Cả hai món ăn này đều được người dùng hưởng ứng và đem về doanh thu tốt.

 

2. Đầu tư bao bì

CEO Pizza Home cho rằng khi ăn tại cửa hàng khách sử dụng bát, đũa, thìa,...Tuy nhiên chuyển lên môi trường online sẽ khác, vì thế cửa hàng cần đầu tư bao bì để đựng riêng từng loại sản phẩm cũng như bao bì bọc gói tất cả sản phẩm bên ngoài.

Ngoài ra, chủ nhà hàng cũng nên để ý các hình thức chăm sóc khách hàng như voucher, phiếu quà tặng, phiếu tích điểm,...vì trên môi trường online, khách hàng chỉ tiếp xúc với nhà hàng qua điểm chạm bao bì là chủ yếu.

3. Đầu tư quảng cáo

Với số lượng các đơn vị F&B tham gia đông đảo như hiện nay, việc chạy quảng cáo trên ứng dụng là điều không thể tránh khỏi. Ông Hoàng Tùng khuyên các doanh nghiệp không nên chỉ đưa sản phẩm lên các ứng dụng rồi kỳ vọng sẽ bán được hàng. Thay vào đó, họ cần chủ động chạy quảng cáo, khuyến mãi để kéo người dùng từ bên ngoài vào ứng dụng.

Thậm chí cần chạy quảng cáo trên Facebook để kéo khách mua sản phẩm trên app, có các chương trình tặng quà cho khách hàng nhằm khuyến khích họ đánh giá tốt trên ứng dụng,...

"Dịch chuyển từ offline lên online không hoàn toàn miễn phí, chủ nhà hàng, quán ăn cần đầu tư về menu, bao bì và quảng cáo. Nhưng mức đầu tư này không nhiều nếu so với việc có thêm nguồn doanh thu ổn định từ một bên thứ 3. Tôi nghĩ đây là xu hướng nên, thậm chí bắt buộc phải tham gia", ông Hoàng Tùng khẳng định.

 Nhật Anh

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật