Bất động sản nhen nhóm hồi phục
Nhiều doanh nghiệp bắt đầu hồi sinh, khởi sắc
Ngay từ cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác về gỡ khó cho các dự án bất động sản . Sau thời gian dài im ắng, đến nay, nhiều dự án bắt đầu hoạt động trở lại.
Dự án Khu đô thị Tây Nam Việt Trì (Phú Thọ), do Công ty CP Đầu tư Bất động sản Toàn Cầu làm chủ đầu tư, có nhiều vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng khiến dự án kéo dài nhiều năm. Giai đoạn 1 của dự án có diện tích thu hồi là 28,3 ha. Đến nay, phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng 13,1 ha. Trong đó, phần diện tích đất đã chi trả bồi thường, hỗ trợ, chuyển mục đích và bàn giao cho chủ đầu tư triển khai dự án là hơn 7,2 ha; phần diện tích đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa bàn giao là 5,9 ha; phần diện tích đang thực hiện giải phóng hơn 15,2 ha, còn 13 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.
Đầu tháng 6 vừa qua, ông Phan Trọng Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, có buổi làm việc với UBND thành phố Việt Trì về tiến độ giải phóng mặt bằng dự án đầu tư giai đoạn 1 Khu đô thị Tây Nam Việt Trì. Việt Trì thực hiện hàng loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp.
Bỏ lại những ngày im ắng chờ đợi đến nghẹt thở, dự án Novaworld Phan Thiết bắt đầu sôi động trở lại sau khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm việc với Tập đoàn Nova để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục của dự án này. Trên công trường, hoạt động thi công diễn ra khá rầm rộ, còn ở những phân khu đã xây xong, nhiều khách hàng đến nhận nhà và tiến hành hoàn thiện để đưa vào sử dụng.
Theo đại diện Novaland - chủ đầu tư dự án, nhu cầu thuê cũng tăng lên đáng kể, hầu hết các căn nhà phố dọc các trục đường chính sau khi hoàn thiện đều được thuê lại. Giai đoạn khó khăn nhất đối với doanh nghiệp đã qua và hoạt động kinh doanh của Novaland sẽ phục hồi trong quý III/2023. Kế hoạch sắp tới của Novaland là tiếp tục phát triển dự án, sắp xếp lại và ưu tiên cho những công trình sắp hoàn thiện để tiếp tục bàn giao sản phẩm cho khách hàng. Ngoài ra, tập đoàn tiếp tục rà soát quỹ đất, thoái vốn tại những quỹ đất chưa được ưu tiên phát triển để giảm nợ và đàm phán thu xếp vốn cổ đông cho các dự án sẽ phát triển trong thời gian tới.
Ngoài dự án trên, một loạt dự án lớn của Novaland ở các địa phương khác như Đồng Nai cũng đang được xem xét gỡ vướng.
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý 2 và phê duyệt kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm của Novaland, kết thúc quý 2/2023, Novaland ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 1.040 tỷ đồng, tăng 72%. Dự kiến trong quý III và quý IV/2023, Novaland ghi nhận lãi sau thuế trở lại với con số lần lượt là 310 tỷ đồng và 515 tỷ đồng. Có thể nói, chính sách hỗ trợ Novaland gỡ vướng của chính phủ đã thực sự “ngấm” vào doanh nghiệp này.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 vừa công bố của Cty CP Vinhomes cho thấy kết quả kinh doanh khởi sắc. Cụ thể, doanh thu thuần trong quý 2 của doanh nghiệp địa ốc này đạt 32.833 tỷ đồng, tăng gấp 7,3 lần cùng kỳ năm trước. Tăng mạnh nhất và chiếm chủ yếu từ chuyển nhượng bất động sản với 30.107 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ là 2.148 tỷ đồng. Tổng doanh thu thuần 6 tháng của Vinhomes đạt 62.100 tỷ đồng, tăng 364% so với cùng kỳ năm 2022 nhờ bàn giao 5.400 căn bất động sản thấp tầng tại dự án Vinhomes Ocean Park 2. Kết quả, lợi nhuận sau thuế đạt 21.600 tỷ đồng, tăng 295% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 72% kế hoạch năm.
Cty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest ghi nhận hơn 1.527 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2023 - tăng 41% so với cùng giai đoạn năm trước. Sau khi ghi giảm các khoản chi phí, lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 của Văn Phú - Invest lần lượt đạt 577 tỷ đồng và 414 tỷ đồng, tăng 67% và 50% so với cùng giai đoạn năm 2022. Đáng lưu ý, biên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp có sự cải thiện nhẹ khi đạt 27% doanh thu, tăng nhẹ so với mức 25% được ghi nhận cùng giai đoạn năm trước.
Nhiều doanh nghiệp khác cũng báo lãi trong quý 2 là Nam Long đạt 231 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; Tổng Cty CP Địa ốc Sài Gòn báo lãi 41 tỷ đồng trong quý 2/2023. Đây là con số rất tích cực so với khoản lỗ 11 tỷ của quý 1, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận định, lĩnh vực bất động sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia. Trong vài năm gần đây, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức và nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Bộ Xây dựng cam kết đồng hành với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản tại Việt Nam.
Nguồn cung tăng dần, niềm tin trở lại?
Báo cáo mới đây của Bộ Xây dựng cho biết, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai và TPHCM về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Tính đến nay, Tổ công tác đã nhận được 108 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan 168 dự án bất động sản. Đồng thời đã nghiên cứu, rà soát, xử lý theo thẩm quyền hoặc gửi đến cơ quan có thẩm quyền xử lý 108 văn bản. Bộ Xây dựng đã có các báo cáo về tình hình triển khai thực hiện gửi Thủ tướng Chính phủ và báo cáo trực tiếp tại các cuộc họp Tổ công tác.
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù thị trường bất động sản còn đối mặt nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm gỡ khó cho doanh nghiệp, dự án của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cũng như nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, thị trường bất động sản sẽ sớm phục hồi.
Công bố dữ liệu nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam quý II và 6 tháng đầu năm 2023, bà Phạm Thị Miền, Phó trưởng ban Nghiên cứu thị trường và Xúc tiến đầu tư bất động sản (Hội Môi giới bất động sản Việt Nam) cho biết, thị trường quý II/2023 có chuyển biến tích cực hơn quý I, nhưng vẫn cần thêm động lực mạnh mẽ để có thể tạo sức bật.
Quý II, cả nước ghi nhận hơn 200 dự án nhà ở mở bán, cung cấp ra thị trường khoảng 20.000 sản phẩm. Nhiều dự án được gia hạn tiến độ, khởi động kinh doanh, tái khởi động… Trong số này, các sản phẩm thấp tầng, đất nền chiếm 53% tổng lượng cung nhà ở. Nguồn cung mới tập trung ở khu vực Tây Nam bộ (chiếm 44% cả nước).
Tuy nhiên, theo nhiều chủ đầu tư, vẫn còn hiện tượng đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm của một số cán bộ quản lý nhà nước khiến cho thủ tục pháp lý bị trì trệ, gây ảnh hưởng tới doanh nghiệp.
Trong tình hình đó, vẫn có điểm sáng ở một số địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Long An, đặc biệt là TPHCM, với sự tham gia tích cực từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong phê duyệt dự án, giải quyết vướng mắc của từng dự án cụ thể.
Một tín hiệu tích cực nữa là lần đầu tiên sau nhiều năm, các chủ đầu tư dự án thể hiện rõ thiện chí bán hàng với hàng loạt chính sách kích cầu hấp dẫn như chiết khấu, khuyến mại, hỗ trợ lãi suất trong thời gian dài, đặc biệt là nhận nhà sớm (chỉ cần thanh toán 30-40% giá trị, trước đây là 95%), tăng chiết khấu, phương thức thanh toán hấp dẫn, đặc biệt với khách hàng sử dụng tiền mặt và kéo dài thời gian thanh toán (điển hình có dự án lên tới 3 năm). Việc này giúp doanh nghiệp giải quyết được khó khăn về thanh khoản và nguồn vốn.
Tiền Phong
TIN CŨ HƠN
- Thị trường bất động sản phục hồi khi lãi suất hạ nhiệt?
- Thị trường bất động sản vẫn thiếu căn hộ bình dân
- Rầm rộ tin rao bán bất động sản giảm giá nhưng vì sao nhà đầu tư khó tìm được "cắt lỗ" thực sự?
- Thị trường bất động sản đang diễn biến giống giai đoạn 2011 - 2012?
- Nhà đầu tư bất động sản “thở phào” vì bán được đất: “Cắt lỗ mà có khách mua đã là may”
- Chung cư đi ngược xu hướng thị trường, giá bán tiếp tục tăng giữa bối cảnh trầm lắng
- Một phân khúc bất động sản trở lại đường đua, giá có dấu hiệu bật tăng
- Thị trường bất động sản nửa cuối năm sẽ diễn biến ra sao?
- Thị trường bất động sản cuối năm sẽ ra sao?
- Giao dịch căn hộ phía Nam đang ấm dần