“Cần rà soát lại lãi suất cho vay tiêu dùng”
Tác dụng ngược nếu lãi suất cho vay tiêu dùng quá cao
Tại buổi Tọa đàm: “Phát triển Tín dụng tiêu dùng - Giải pháp đẩy lùi tín dụng đen ” do báo Đầu tư tổ chức mới đây, ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian qua, tín dụng tiêu dùng tăng nhanh do tầng lớp trung lưu tăng nhanh.
Trong khi đó, các nhà cung cấp dịch vụ phát triển nhanh khiến nguồn cung, độ bao phủ nhanh, góp phần giảm bớt tín dụng đen.
“Không có tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính hiện nay, không biết tín dụng đen còn hoành hành như thế nào”, ông Tú Anh cho hay.
Cũng theo lãnh đạo NHNN, tín dụng tiêu dùng mang lại cho người dân cơ hội được tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ trước và trả tiền sau, giúp tối đa hóa việc sử dụng dòng tiền, thu nhập của mình theo thời gian.
Cũng đánh giá cao vai trò của tín dụng tiêu dùng trong nền kinh tế, nhưng TS. Trần Kim Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương lại cho rằng, cần rà soát lại lãi suất cho vay tiêu dùng, bởi nếu lãi suất ở mức quá cao thì không những không thể đẩy lùi tín dụng đen mà còn khiến cho tệ nạn này càng có nguy cơ bùng phát.
TS. Kim Anh cũng cho rằng, cần phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, đồng thời, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay.
Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, các công ty tài chính cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng. Những vấn đề như lãi suất, phí, cách tính, thời hạn, phương thức đòi nợ, mức phạt khi trả nợ muộn hay thanh toán trước hạn cần được công bố rõ ràng.
Bàn về tín dụng đen, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO cho rằng, đây là hoạt động cho vay mà người cho vay có yếu tố lừa dối, ép buộc người đi vay hoặc có dấu hiệu xâm phạm tính mạng, sức khỏe, chiếm đoạt tài sản của người đi vay.
Với định nghĩa này, luật sư Hải cho rằng, hệ thống pháp luật hình sự đang có sự phòng chống nhầm đối với tín dụng đen.
Theo luật sư, để nâng tầm phòng chống tín dụng đen lên mức hình sự, chúng ta có điều luật đặc trưng là “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” - Điều 201, Bộ luật Hình sự.
Luật này quy định, người nào trong giao dịch dân sự cho vay với lãi suất gấp 05 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Quy định trên hướng tới việc xử lý nghiêm khắc các hoạt động cho vay mà lãi suất cao gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự. Mức lãi suất chạm ngưỡng hình sự là từ 100%/năm, bởi mức lãi suất cao nhất theo Bộ luật Dân sự là 20%/năm.
Thực tế, theo luật sư, có những trường hợp vay vốn mà người vay sẵn sàng chấp nhận mức lãi suất vượt ngưỡng hình sự vì nhu cầu vay vốn cấp thiết và vì lợi ích thiết thực của chính họ.
“Vậy nên, miễn là người vay và người đi vay đồng thuận, lãi suất cao đến đâu pháp luật hình sự cũng không nên can thiệp. Không thể lý luận cần xử lý hình sự cho vay nặng lãi để tránh bóc lột. Điều này không phù hợp với thị trường”, Giám đốc Công ty Luật BASICO nêu ý kiến.
TIN CŨ HƠN
- Gửi tiền online trong “1 nốt nhạc” với IVB mobile Banking
- Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh
- Nhà băng lên sàn: Kế hoạch vẫn nằm… trên giấy
- Vì sao quy định ngặt nghèo, các ngân hàng vẫn ồ ạt mở rộng mạng lưới?
- Vietcombank muốn bán hơn 2,3 triệu cổ phiếu Vietnam Airlines
- Thủ tướng: Mở rộng tín dụng, giảm lãi suất ngay từ đầu tháng 3
- Bất ngờ ngân hàng có lãi cao nhất từ hoạt động dịch vụ
- Lãi suất đầu năm 2019 rất khác và “lạ”?
- Thanh khoản dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh
- Việt Nam trong số 9 quốc gia mà đồng USD có sức mạnh nhất năm 2019