CEO bỏ bằng luật lập startup tỷ đô về thiết bị game

Sở thích chơi game từ nhỏ là động lực để Min-Liang Tan gây dựng công ty về game trị giá tỷ đô.

Khởi nghiệp từ niềm đam mê game

Con đường trở thành người đứng đầu ''đế chế'' linh kiện game bắt nguồn từ niềm đam mê điện tử của Min-Liang Tan. Sở thích từ thời niên thiếu đến khi trưởng thành là cảm hứng để vị CEO người Singapore gây dựng startup ''kỳ lân'' Razer, được xếp hạng cao trong số những công ty sản xuất thiết bị game lớn nhất thế giới.

Xuất thân từ một gia đình ''lý tưởng'', chị và anh trai đều làm bác sỹ và luật sư, Tan sớm được bố mẹ định hướng theo ngành luật. Anh tốt nghiệp trường luật đúng theo sự kỳ vọng của gia đình.  

Hiện tại, Tan là tỷ phú đôla, nhưng với cương vị CEO công ty về game, không phải trong ngành luật. Startup Razer được thành lập bởi Tan và một game thủ quen trên mạng là Robert Krakoff vào năm 2005, có trụ sở tại Singapore và California, với sản phẩm đầu tiên là chuột chơi game Diamondback.

CEO Razer là một game thủ từ nhỏ.

CEO Razer là một game thủ từ nhỏ.

Trò chơi điện tử là niềm đam mê của Tan. ''Giống như nhiều đứa trẻ khác, tôi tận dụng mọi thời gian có được để chơi game, đến nỗi bố mẹ thường xuyên la mắng vì ngồi trước máy tính quá nhiều, nhưng rồi bất lực'', CEO 40 tuổi nhớ lại. Thậm chí, Tan cùng anh trai còn dùng những chai nước đá hạ nhiệt máy tính, tránh để bố mẹ phát hiện.

Tài năng kinh doanh của Tan sớm được bộc lộ, khi anh còn là học sinh trung học. ''Vào ngày Valentine, Tan mang cả tấn hoa hồng tới bán cho học sinh trong trường. Trước đó, nó đã thu mua tại các đại lý với giá rẻ và thu lời với giá bán cao hơn'', anh trai của Tan kể lại. 

Biết cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng, vị CEO không dám tiết lộ chuyện anh cất tấm bằng luật và khởi nghiệp với nghề game. ''Mãi về sau, khi Razer đạt được thành công nhất định, bố mẹ mới biết chuyện tôi rẽ trái. Dù biết gia đình không mấy hài lòng, nhưng mọi người vẫn luôn ủng hộ tôi'', Tan tâm sự.

Chinh phục khách hàng bằng tình yêu sản phẩm

Trong ngành công nghiệp game đang bị chi phối bởi các ứng dụng game như Pokemon Go, Candy Crush Saga, Angry Birds..., Razer xuất hiện và gây chú ý, khi là một trong những đơn vị tiên phong sản xuất thiết bị ngoại vi dành riêng cho game thủ như chuột, bàn phím…

''Ban đầu, tôi không mấy ấn tượng về sản phẩm chuột chơi game của Razer, nhưng chiến lược và tham vọng xây dựng nền tảng trực tuyến trong ngành game lại chinh phục tôi'', Hwee, một trong số các nhà đầu tư của Razer chia sẻ với CNBC.

''Chúng tôi xây lên một hệ sinh thái, gồm các sản phẩm phần mềm, phần cứng, các dịch vụ phục vụ ngành game'', CEO chia sẻ. Theo đó, ngoài các thiết bị ngoại vi như chuột, máy tính chơi game, Razer còn cung cấp hệ thống dịch vụ lưu trữ đám mây, ví điện tử, đồng tiền điện tử, thậm chí là điện thoại di động. 

''Một game thủ chuyên nghiệp thường quan tâm đến lợi thế cạnh tranh, như chuyển động chính xác và mượt mà tạo cảm hứng và hiệu quả khi chiến đấu'', Tan cho biết. Xuất phát từ mong muốn tạo ra một ''vũ khí'' nhạy bén và chính xác, Razer đã bắt đầu từ sản phẩm chuột. Đầu tiên, đội ngũ gửi một số lượng chuột máy tính tới mạng lưới bạn bè, người quen, mời họ trải nghiệm và đóng góp ý kiến cho sản phẩm, kèm theo lời giới thiệu: ''Đây là sản phẩm mà chúng tôi tin sẽ phá đảo mọi cuộc chơi''.

Sau chuột Diamondback, Razer sau đó mở rộng sang các sản phẩm khác như bàn phím Reclusa trong dự án hợp tác cùng Microft. Thương hiệu này đồng thời là nhà tài trợ cho khoảng 50 đội tuyển tại các giải đấu thể thao điện tử tại 35 quốc gia.

Sự thành công của Razer nằm ở chiến lược kinh doanh nhắm vào đối tượng game thủ, với khẩu hiệu "Do game thủ, vì game thủ''. Các thiết bị của Razer được giới này đánh giá cao về tính năng cùng thiết kế thể thao, đẳng cấp.

''Tan vẫn là một game thủ cho đến hiện tại, điều này tạo nên cảm tình từ các khách hàng với thương hiệu Razer. Anh ấy làm chủ nhiều trang mạng, sự kiện, diễn đàn về game, trở thành nhân vật quen thuộc trong giới'', Edwin Chan, giám đốc tài chính Razer cho biết. ''Nếu không tạo dựng được uy tín và niềm tin nơi người dùng, thì khách hàng sẽ phớt lờ bạn. Tan có mặt ở tất cả các dịp khai trương cửa hàng ở Hong Kong, Đài Loan, San Francisco…, tích cực tham gia các buổi giao lưu, trò chuyện với game thủ'', Edwin chia sẻ.

Ngày khai trương cửa hàng của Razer.

Ngày khai trương cửa hàng của Razer.

Matthew Haag, chuyên gia esport thì cho hay: ''Dành sự quan tâm và thấu hiểu khách hàng là một yếu tố quan trọng giúp Tan thành công. Ở vị trí lãnh đạo, anh ấy thực sự dồn hết tình yêu và tâm huyết vào sản phẩm''. Thậm chí, nhiều khách hàng còn xăm logo có hình con rắn của Razer như một fan trung thành của thương hiệu này. 

Tiềm năng từ thị trường thể thao điện tử

Esport, hay còn gọi là thể thao điện tử hiện là ngành công nghiệp có những bước phát triển mạnh mẽ, ước tính mang lại giá trị hơn 900 triệu USD năm 2018, tăng 38% so với cùng kỳ, theo báo cáo từ Newzoo.

''Hiện tại, Razer là một trong những thương hiệu đứng đầu thế giới về cung cấp linh kiện game. Biết đâu trong tương lai, chúng tôi sẽ dẫn đầu trong lĩnh vực giải trí nói chung. Tôi không nghĩ dấn thân là mạo hiểm, đó là cuộc hành trình phát triển tất yếu", CEO Razer cho hay.

Năm 2017, Razer công bố huy động vốn thành công từ các nhà đầu tư đình đám châu Á như Li Kashing (Hong Kong), Temasek Holdings (Singapore). Tính tới thời điểm hiện tại, startup do tỷ phú người Singapore này điều hành đang chiếm 42% thị trường sản xuất các thiết bị chơi game tại San Francisco. Razer vừa tiến hành IPO tại Hong Kong với giá trị vốn hóa là 2,2 tỷ USD. Bloomberg ước tính tổng tài sản của Tan hơn 1,2 tỷ USD.

Phạm Vân (Theo CNBC)


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật