Chiến lược thời khủng hoảng nCoV: Bán hàng hay là chết?

Shark Bình nhấn mạnh rằng, mặc dù đang trong thời kỳ khó khăn nhưng các doanh nghiệp SME vẫn nên duy trì “tăng thu” thông qua hoạt động bán hàng. Bởi vì, chúng ta có thể chờ dịch qua đi nhưng khách hàng thì không.

Nếu để đối thủ nhân cơ hội này vượt mặt thì đến khi dịch bệnh đi qua, có thể chính doanh nghiệp sẽ là người chết trước.

Vào ngày 24/03/2020 vừa qua, cộng đồng Chudoso đã tổ sự kiện Online với chủ đề: “Chiến lược thời khủng hoảng nCoV: Bán hàng hay là chết?” với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành:

  1. Shark Nguyễn Hòa Bình – Founder & Chairman NextTech Group
  2. Ông Tuấn Hà – Founder & Chairman Vinalink Academy
  3. Ông Đỗ Hữu Hưng – CEO ACCESSTRADE Việt Nam

Nhìn tổng thể toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, 2019 là một năm nền kinh tế đang ở đỉnh phát triển, dự kiến sẽ bùng nổ trong 2020. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi dịch nCoV xuất hiện đã “cuốn” đi những cố gắng trong nhiều năm qua của các doanh nghiệp. Và giống như ông bà xưa có câu, “Ở đỉnh cao sẽ càng dễ ngã đau”, Shark Bình chia sẻ.

Tờ Independent U.K đã nói, Coronavirus sẽ làm nhiều người bị phá sản hơn số lượng mà nó giết chết.

Cũng theo các nhà dự báo kinh tế, hầu hết khủng hoảng thường xảy ra như một chu kỳ vào thời điểm nền kinh tế phát triển được 10-12 năm. Hai lần trước đây là sự kiện bong bóng dotcom năm 2001 và gần nhất là cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008. Điều đặc biệt cả 2 khủng hoảng đều bắt nguồn tại Mỹ.

Riêng tại Việt Nam, so với 2 lần khủng hoảng trước, ở đợt này sẽ bị ảnh hưởng sâu và rộng hơn rất nhiều. Vì với 10-20 năm trước đây, thời điểm hiện tại Việt Nam đã dần hội nhập vào nền kinh tế thế giới, nhiều lĩnh vực trụ cột đang phụ thuộc vào các nước khác. Ở góc độ vi mô, sau khi đóng cửa sân bay Tân Sân Nhất, nhiều tình cảnh rất “đau thương” đã diễn ra tại Việt Nam, các doanh nghiệp bắt đầu cắt giảm chi phí, nhân sự, trả mặt bằng.

Nguồn ảnh: VnExpress

Quan trọng hơn hết, giả sử trong 2-3 tháng nữa khi đại dịch đi qua sẽ để lại dư âm rất lớn:

  • Thứ nhất: Hành vi người tiêu dùng sẽ bị co thắt lại. Bởi họ lo sợ một vấn đề tương tự có thế lại xảy ra trong tương lai nên sẽ thắt chặt chi tiêu hơn.
  • Thứ hai: Đối với các doanh nghiệp, sau nửa năm cầm cự và chiến đấu với dịch bệnh, họ có thể sẽ bị đuối sức.

Theo nhận định chung của Shark Bình, tình hình hình kinh doanh chung của năm nay rất bi quan. Xảy ra với cả lực lượng lao động và doanh nghiệp. Đặc biệt dễ tổn thương nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).

Nối tiếp buổi thảo luận, ông Tuấn Hà cũng chia sẻ thêm, tính đến thời điểm hiện tại, số tiền mà thế giới đã mất đi ước tính khoảng 15.000 tỷ USD và có thể sẽ tiếp tục tăng. Tại Việt Nam, có thể thấy rõ nhất là lĩnh vực du lịch – một ngành bị đóng băng hoàn toàn từ những ngày đầu nCoV xuất hiện. Và sắp tới là những ngành khác.

Đồng tình với quan điểm của Shark Bình, ông Tuấn Hà cho biết dư âm của khủng hoảng đã cắt phần lớn chi tiêu của người dùng. Bởi trong thời điểm chống dịch, hầu hết các hoạt động vui chơi, giải trí đều bị bắt buộc đóng cửa, người dân không phải chi tiêu quá nhiều ngoài việc mua nhu yếu phẩm, thực phẩm. Đến lúc dịch bệnh qua đi, liệu họ có còn dễ dàng ra quyết định chi tiêu cho các nhu cầu khi trong thời gian đó họ vẫn sinh hoạt bình thường mà không cần đến nó?

Để minh chứng thêm cho sự ảnh hưởng của dịch bệnh đến hành vi người tiêu dùng, Shark Bình đã trích dẫn một báo cáo trên New York Times. Theo đó, 73% người tiêu dùng tại Mỹ không có những khoản tích lũy riêng, dẫn đến tâm lý họ rất sợ bị mất việc. Vì việc tiêu dùng tại Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào tín dụng, từ nhà cửa, xe cộ, những thứ có giá trị họ đều mua bằng phương thức thẻ tín dụng hoặc trả góp. Sau "cơn địa chấn" nCoV, cú sốc về thói quen tiêu dùng tại Mỹ và rất có thể sẽ lây ra toàn cầu. Thực chất, nền kinh tế thế giới hiện nay là sự mua bán qua lại lẫn nhau. Rất nhiều mặt hàng tại Việt Nam được xuất khẩu sáng Mỹ và các nước Châu Âu. Nếu những thị trường đó không tiêu dùng nữa thì các doanh nghiệp tại Việt Nam sẽ khó để xuất khẩu đi.

 Tình hình hình kinh doanh chung của năm nay rất bi quan. Xảy ra với cả lực lượng lao động và doanh nghiệp, đặc biệt dễ tổn thương nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
 
Ông Đỗ Hữu Hưng chia sẻ thêm, ở góc độ tích cực ông thấy rằng đợt khủng hoảng lần này khác hẳn so với những lần trước ở một điểm là toàn thế giới cùng bị ảnh hưởng, cùng có chung một vấn đề. Và khi dịch bệnh đi qua, người ta sẽ đoàn kết hơn để đưa nền kinh tế lên, từ việc sẵn sàng nguồn vốn cho đến các giải pháp khôi phục, phát triển.

Giải pháp nào cho các doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng nCoV?

Ở mọi thời điểm, một khẩu quyết gói gọn trong 4 chữ thường thấy tại các doanh nghiệp đó chính là Tăng thu – Giảm chi. Shark Bình đã chỉ ra, giảm chi là một việc rất quan trọng ở hầu hết doanh nghiệp. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp SME thường dễ bị mắc lỗi ở việc quản trị dòng tiền. Đặc biệt, trong thời kỳ khủng hoảng, dòng tiền là quan trọng nhất. Một nguyên tắc bất biến từ xưa đến nay trong mọi kỳ khủng hoảng nằm trong câu “Tiền mặt là vua”. Vì hàng hóa, tài sản sẽ bắt đầu bị giảm đi ý nghĩa và giá trị. Để giúp cho các doanh nghiệp SMEs “sống sót” qua thời kỳ này, Shark Bình đã chia sẻ 10 nguyên tắc giúp quản trị dòng tiền bao gồm:

  1. Nếu được hỗ trợ cho vay, hãy cố gắng chuyển đổi các hạn mức về quỹ tiền mặt của doanh nghiệp tại ngân hàng. (Dự trù trường hợp các công ty tài chính/ ngân hàng thay đổi chính sách).
  2. Mạnh tay cắt giảm chi phí không cần thiết.
  3. Giảm nhu cầu thuê mặt bằng.
  4. Tích cực điều chỉnh khoản nợ phải trả trong điều kiện phù hợp của doanh nghiệp.
  5. Tích cực thu hồi các khoản phải thu.
  6. Chuyển đổi hàng tồn kho thành tiền mặt.
  7. Trì hoãn các đơn đặt hàng mới để giảm rủi ro và tập trung giải quyết điều số 6.
  8. Xác định các loại tài sản đang có: sản phẩm, BĐS, bản quyền... có thể bán được để thu về tiền mặt.
  9. Giảm/ Trì hoãn/ Giãn các khoản nộp thuế.
  10. Tìm kiếm giải pháp, ý tưởng kinh doanh mới bằng việc tham gia các hiệp hội doanh nghiệp.

Bên cạnh 10 nguyên lý “Tăng thu – Giảm chi” của Shark Bình, ông Tuấn Hà cũng nhận định đây chính là thời điểm để các doanh nghiệp đưa ra quyết định có nên dịch chuyển sản phẩm hay không.

Trong đó ông Tuấn Hà nhấn mạnh 2 ý. Thứ nhất, doanh nghiệp nên sáng tạo ra những sản phẩm phù hợp với xu hướng hiện tại, đừng quá tập trung vào sản phẩm đang có. Điển hình thương hiệu thời trang SM, sau khi dịch diễn biến phức tạp đã dịch chuyển sang sản xuất mặt hàng khẩu trang, đồ bảo hộ... và nhận được rất nhiều đơn đặt hàng. Bên cạnh đó, tập trung xây dựng khách hàng tiềm năng trong tương lai là điều rất cần thiết. Nếu không thể linh hoạt thay đổi, hãy tập trung đón đầu khi dịch nCoV vừa qua.

Từ lý thuyết đến thực tiễn

Có thể nói, các hoạt động của doanh nghiệp vẫn nên đi theo hành vi của người tiêu dùng. Ngày nay, khách hàng đã sử dụng các kênh online như một thói quen thì tại sao chúng ta lại có thể bỏ qua. Theo thống kê, hiện tại tỷ lệ xem phim truyền hình online đã tăng lên 35-65% do người dân ở nhà nhiều. Ngoài ra, phương thức phân phối cũng nên thay đổi, hướng vào các gia đình thay vì trung tâm thương mại như trước đây. Hơn thế nữa, chữ P trong Promotion cũng nên có sự chuyển đổi, vì thời điểm hiện tại, người dùng sẽ chú trọng hơn về mặt sức khỏe, ông Đỗ Hữu Hưng đưa lời khuyên.

Tiếp theo khẩu quyết “Tăng thu – Giảm chi”, Shark Bình nhấn mạnh rằng, mặc dù đang trong thời kỳ khó khăn nhưng các doanh nghiệp SMEs vẫn nên duy trì tăng thu thông qua hoạt động bán hàng. Bởi vì, chúng ta có thể chờ dịch qua đi nhưng khách hàng thì không. Nếu để đối thủ nhân cơ hội này vượt mặt thì đến khi dịch bệnh đi qua, có thể chính doanh nghiệp sẽ là người chết trước. Để làm rõ hơn cho việc duy trì bán hàng, Shark Bình đã nhấn mạnh về việc chuyển đôi số trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp SMEs.

Việc kiếm tiền online (Make Money Online – MMO) thực ra đã tồn tại từ rất lâu nhưng gần đây mới phát triển tại Việt Nam. Mặc dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng tại Việt Nam đã xuất hiện rất nhiều nền tảng giúp việc bán hàng và kiếm tiền online trở nên dễ dàng hơn. Có thể điểm qua một số nền tảng như: ACCESSTRADE, Drop Shipping…

Ở góc nhìn khác, ông Đỗ Hữu Hưng cũng chia sẻ một câu chuyện thực tế. Ra đời vào khoảng 2008, thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, cũng như bao doanh nghiệp khác, Airbnb (Đế chế Kỳ lân) không tìm được khách hàng thuê phòng sau khi tiêu tốn khá nhiều tiền quảng cáo. Sau đó, thương hiệu này bắt đầu áp dụng phương pháp Referral Marketing. Tức là dùng khách hàng hiện tại để giới thiệu một khách hàng mới sử dụng dịch vụ của họ. Khi giao dịch thành công, khách hàng cũ sẽ được nhận 100 USD. Sau thành công của Airbnb, các “ông lớn” như Dropbox, PayPal… cũng bắt đầu áp dụng. Phương pháp này đã giúp Dropbox tăng số lượng khách hàng gấp 40 lần sau 12 tháng, đồng thời chi phí cho một khách hàng giảm còn 1/3.

Trong tình hình khủng hoảng như hiện tại, phương pháp Referral Marketing được xem như một cứu cánh hữu hiệu cho doanh nghiệp với 4 lý do sau:

  • Tận dụng được khách hàng cũ, những người đã từng sử dụng, tin yêu sản phẩm để giới thiệu đến cho khách hàng mới. Bởi có đến 74% người dùng thường ra quyết định sau khi nghe lời khuyên từ bạn bè, người thân.
  • Doanh nghiệp chỉ phải trả phí khi có giao dịch thành công.
  • Outsource toàn bộ đội sale ra bên ngoài.
  • Tăng độ trung thành của khách hàng cũ.

Có thể nói, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp nên "Dĩ bất biến, ứng vạn biến". Điều tốt nhất hiện tại, doanh nghiệp nên linh hoạt xoay trục theo thời điểm, sử dụng nguồn lực hiện tại, tạo ra nguồn thu trong ngắn hạn để duy trì doanh nghiệp vượt qua mùa dịch này.

 

Theo: brandsvietnam.com

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật