Chủ tịch MWG: Lo lắng của thị trường về Bách Hóa Xanh phản ánh lên giá cổ phiếu
Cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động trong 6 tháng trở lại đây đã giảm từ đỉnh lịch sử 135.500 đồng/cp về mức giá 96.600 đồng/cp vào phiên 19/4, tức giảm 30%. Một vài phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu này có hồi phục trở lại, lên khoảng 108.000 đồng/cp, song còn cách khá xa vùng đỉnh.
Diễn biến giá cổ phiếu MWG trong 6 tháng gần nhất (Nguồn: VND)
Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MWG thừa nhận lo lắng của thị trường đang nằm trên sự phát triển của Bách Hóa Xanh và điều đó phản ánh vào giá cổ phiếu. “Tôi cảm nhận được biến động của giá cổ phiếu đến từ lo lắng cho một business mới chưa rõ ràng. Giai đoạn này sẽ còn tồn tại một thời gian nữa”, ông Tài nói.
Tuy nhiên Chủ tịch MWG không quên nhấn mạnh rằng nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua cổ phiếu công ty với giá khoảng 160.000 – 165.000 đồng/cp, cao hơn mức giá giao dịch trong nước. Điện Máy Xanh mất 3 – 4 năm lình xình kể từ khi khai trương năm 2010 để có thể đi về đích, Bách Hóa Xanh cần ít thời gian hơn nhưng cũng có thể mất vài ba năm. Theo đó, mô hình này được khởi động từ năm 2016, ông Tài cho rằng đến hết năm 2018 sẽ là thời gian học việc và không thể nhanh hơn vì các doanh nghiệp khác thậm chí mất 7-8 năm.
Thị trường của những “tay to”
Thời gian gần đây, thị trường bán lẻ tiêu dùng tại TP HCM có sự mở rộng của nhiều "ông lớn", trong đó đáng gờm nhất phải kể tới Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra). Trong năm 2018, Satra dự kiến phát triển mạng lưới với 19 Co.opmart, 2 Co.op Xtra, 170 Co.op Food, 150 cửa hàng Co.op Smile, 50 cửa hàng tiện lợi Cheers, 1 Co.opmart phân khúc cao (Finelife). Mục tiêu Satra sẽ tăng 10% doanh số trong năm 2018 so với con số 30.000 tỷ đồng của năm trước đó.
Nhìn vào kế hoạch mở rộng thêm có thể thấy chuỗi cửa hàng tiện lợi tạp hóa thực phẩm Co.op Food được là quân át chủ bài của Satra trong năm nay. Mô hình này được ra mắt vào tháng 12/2008 và hiện có khoảng 180 cửa hàng, tức mở mới 20-30 cửa hàng mỗi năm. Năm 2018, nếu mở thêm 170 cửa hàng thì Co.op Food sẽ có tới 350 cửa hàng trong hệ thống, phủ khắp các quận của TP HCM, đặc biệt là khu vực trung tâm.
Ngoài ra, Co.op Smile cũng nằm trong định hướng trọng tâm của Satra với sự tiện lợi về các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, đồ dùng thiết yếu trong gia đình, được người dùng TP HCM ưa chuộng với diện tích nhỏ gọn 150-200 m2.
Một đại gia khác trong ngành là Tập đoàn Vingroup với chuỗi cửa hàng tiện ích, siêu thị Vinmart và siêu thị mini Vinmart+ cũng đang "làm mưa làm gió" trên thị trường với khoảng 1.000 cửa hàng trên cả nước và dự kiến sẽ phát triển lên 4.000 cửa hàng Vinmart + vào năm 2020.
Đâu sẽ là chỗ đứng cho một Bách Hóa Xanh non trẻ mới xuất hiện trên thị trường khoảng 3 năm nay nhưng có tới 355 cửa hàng và còn đang dò dẫm ở khu vực ngoại thành TP HCM?
Ông Nguyễn Đức Tài thẳng thắn cho rằng, việc mở rộng Bách Hóa Xanh cũng giống như trước đây khi gia nhập mảng điện thoại. Thị trường có hàng nghìn cửa hàng nhỏ lẻ nhưng MWG vẫn mở, không hề quan tâm Viễn thông A hoặc các đối thủ khác. Ông quan niệm mô hình cửa hàng càng nhỏ thì càng cần tới vài nghìn cái để phục vụ nhu cầu khách hàng và không cần nhòm ngó đối thủ, sẽ chỉ tập trung vào chiến lược của mình.
Nhất là khi quy mô thị trường bán lẻ tiêu dùng khoảng 50 tỷ USD/năm, trong đó dưới 30% thị phần đang được phục vụ bởi mô hình siêu thị lớn. Còn lại, trên 70% thị phần ở các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ. Mục tiêu của Thế Giới Di Động khi mở Bách Hóa Xanh là xây dựng mô hình chợ hiện đại, quy mô nhỏ trong siêu thị mini và có mặt ở mọi nơi để lấy đi 10% trong tổng số 70% thị phần kia. Do đó, thị trường quá lớn và chưa ở trạng thái giành giật, ai giỏi người đó sẽ lấy được thị phần từ đó ra.
Giảm 50% số lượng cửa hàng mở mới trong năm 2018
Trong buổi gặp gỡ các nhà phân tích quý I, ông Tài cho biết sẽ giảm số lượng cửa hàng Bách Hóa Xanh mở mới theo kế hoạch đầu năm từ 1.000 xuống 500 trong năm nay. Hiện tại, Bách Hóa Xanh có khoảng 355 cửa hàng, như vậy từ nay đến cuối năm có thể mở khoảng vài chục đến khoảng trăm cửa hàng. Sự thay đổi này hiển nhiên không đến từ việc nhìn sang các đối thủ mà xuất phát từ chính thực tế kinh doanh của chuỗi thực phẩm này.
Theo đó, MWG cũng thay đổi chiến lược chọn địa điểm mở cửa hàng, thay vì thọc sâu vào khu dân cư thì dịch chuyển ra trục đường lớn đi vào khu dân cư. Lý do cửa hàng trong khu dân cư không đạt được doanh thu mong đợi của MWG khoảng 1 tỷ đồng/tháng. Ông Tài cũng cho biết năm 2018 không đặt nặng việc mở bao nhiêu cửa hàng mà mở phải đúng vị trí.
Quyết định này là câu trả lời cho một trong hai khó khăn của Bách Hóa Xanh mà MWG đã nhắc tới tại ĐHCĐ thường niên 2018. Khi đó, ban lãnh đạo đã xác định xây dựng Bách Hóa Xanh gặp 2 vấn đề khó khăn, thứ nhất là phải hoàn thiện mọi công cụ quản lý và thứ hai là doanh thu trung bình của cửa hàng giảm khi mở rộng hệ thống. Có nhiều lý do dẫn tới việc này nhưng địa điểm đặt cửa hàng có thể là nguyên nhân chính, ví dụ ở vị trí khuất quá hoặc dân cư thưa thớt.
Về dài hạn, ông Tài nói sẽ thọc sâu vào các khu dân cư khi hệ thống có chỗ đứng. Việc "đếm nóc nhà trên google map" để mở cửa hàng Bách Hóa Xanh là điều không xa.
Trong quý I/2018, doanh thu của MWG đạt 22.764 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 808 tỷ đồng, tăng 45%. Trong cơ cấu doanh thu, 42% đến từ thế giới di động, 55% đến từ Điện Máy Xanh và 3% góp từ Bách Hóa Xanh. Về tốc độ phát triển doanh thu theo chuỗi, chuỗi thegioididong tăng 6%, Điện Máy Xanh tăng 84% và Bách Hóa Xanh tăng 331%.
Tóm tắt kết quả kinh doanh quý I (Nguồn: MWG)
Mặc dù Bách Hóa Xanh có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý đầu năm nhưng ông Tài cho biết chuỗi đã lỗ trước thuế 60 tỷ đồng. “Có khả năng thegioidong.com và Điện Máy Xanh sẽ phải gánh vác doanh thu của Bách Hóa Xanh. Khi giảm con số cửa hàng mở mới trong năm nay, Bách Hóa Xanh cũng sẽ giảm được con số lỗ”, ông Tài nói.
Tuy nhiên, về niềm tin, Chủ tịch MWG cho rằng đã có hai năm tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều thứ để xây dựng và quản trị chuỗi Bách Hóa Xanh và chắc chắn sẽ về đích. Vì doanh thu, lượng khách hàng ghé thăm cửa hàng đã chứng minh điều đó. Có khách hàng thì chắc chắn chuỗi sẽ thành công, miễn là khách hàng hài lòng với chất lượng và dịch vụ của chuỗi, đương nhiên từ lượng khách hàng sẽ chuyển thành hiệu quả kinh doanh.
Do đó, Bách Hóa Xanh sẽ theo đuổi đến cùng 5 giá trị cốt yếu: (1) mạng lưới bao phủ dày đặc, tạo sự thuận tiện; (2) thực phẩm chất lượng, tươi sống; (3) danh mục nhu yếu phẩm phong phú hơn tạp hóa; (4) không gian mua sắm hiện đại, tiện ích và (5) thái độ phục vụ chuyên nghiệp.
NDH
TIN CŨ HƠN
- Vì sao Lazada Việt Nam tập trung vào mảng thời trang trong năm 2018?
- Sợ bong bóng bất động sản, ngân hàng siết vay tiền
- Ứng dụng việc này trong chăm sóc khách hàng, một cửa hàng nhỏ đã tăng doanh thu lên gần 4 lần, danh bạ khách hàng tăng gấp 5
- Ngân hàng và bài toán vốn dài hạn
- Thị trường vàng trong nước lặng sóng
- Thị trường hàng hóa ngày 3/5: Dầu, vàng, đường, kim loại cơ bản đảo chiều tăng giá sau tuyên bố của Fed
- Metro đổi tên nhưng chưa...đổi vận
- Xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm mạnh trong tháng 4
- Hàng Việt trước nguy cơ “Thái hóa”
- Mỹ là thị trường tiêu thụ hạt điều lớn nhất của Việt Nam