Cơ hội đầu tư nào trên thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2018?

Về nhóm ngành đầu tư, BSC đánh giá khả quan với các ngành: Ngân hàng, Dầu khí, BĐS, Xây dựng, Công nghệ, Điện và Phân bón dựa trên những yếu tố vĩ mô vững chắc, nội tại từ phía doanh nghiệp và những sự kiện thoái vốn/tăng vốn/niêm yết.
Cơ hội đầu tư nào trên thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2018?

Trong quý 1/2018, TTCK Việt Nam có cú bứt phá ngoạn mục và VnIndex đã trở thành chỉ số có mức tăng trưởng tốt nhất Thế giới với gần 20%. Vĩ mô trong nước tiếp tục lạc quan với tăng trưởng GDP Q1 đạt 7,38%, mức cao nhất trong 10 năm, các tổ chức dự báo tăng trưởng GDP 2018 của Việt Nam có thể đạt 6,5% - 7,1%.

Bên cạnh đó, các ngân hàng đang tích cực xử lý nợ xấu, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tài chính vĩ mô, tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 2/2018 theo thống kê của UBGSTCQG là 2,5%. Nợ xấu tập trung chủ yếu ở các TCTD yếu kém, trong diện tái cơ cấu, nhiều ngân hàng đã mua lại và trích lập toàn bộ trái phiếu VAMC bao gồm Vietcombank, ACB, MBBank và Techcombank.

Sau giai đoạn tăng trưởng ấn tượng đầu năm, vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm lúc này là cơ hội đầu tư vào nhóm ngành nào trong những tháng cuối năm. CTCK Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) mới đây đã công bố báo cáo triển vọng thị trường với các chủ đề đầu tư trong nửa cuối năm 2018.

Thứ nhất, cơ hội từ Cổ phần hóa và Niêm yết mới. Q2/2018 thị trường sẽ tiếp tục chào đón những tân binh mới lên niêm yết là TPBank, FPT Retail, Techcombank và Vinhomes. Đáng chú ý lượng tiền hấp thụ dự kiến tăng mạnh, trong đó Vinhomes dự kiến gọi vốn 1 tỷ USD và Techcombank là 900 triệu USD thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ, do đó bên cạnh dòng tiền mới, dòng tiền phân bổ hiện tại trên thị trường cũng sẽ được cơ cấu lại.

Thứ hai, cơ hội từ Thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp đầu ngành. Giao dịch thoái vốn sẽ sôi động trở lại từ Quý 2/2018, một số doanh nghiệp đầu ngành dự kiến sẽ được thoái vốn trong Q2 là NTP, VGC và PAC.

Thứ ba, sự thay đổi thứ tự trong rổ VN30. Hiện tại còn quá sớm để dự báo mã cổ phiếu sẽ được điều chỉnh trong kỳ xét VN30 tháng 7/2018 do dữ liệu tính VN30 phải chốt tại 30/06/2018.

Thứ tư, Ngân hàng dẫn sóng. KQKD Q1 khả quan, kế hoạch kinh doanh 2018 đầy tham vọng, tăng trưởng lợi nhuận mục tiêu của các ngân hàng giao động từ 40% - hơn 80%yoy; bên cạnh đó việc tăng vốn điều lệ thông qua phát hành riêng lẻ cho đối tác nước ngoài, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán cũng sẽ là câu chuyện tiếp nối cho sóng Ngân hàng.

Thứ năm, Bất động sản tiếp tục tăng trưởng. Giai đoạn 2018 -2019 sẽ là thời điểm tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về KQKD. Tuy nhiên, BSC cũng lưu ý về Luật Thuế Tài sản mới của Bộ Tài chính đang đề xuất với việc áp thuế cho BĐS có giá trị trên 700 triệu đồng có thể sẽ làm thay đổi cục diện ngành Bất động sản trong 2-3 năm tới.

Thứ sáu, giá hàng hóa và nỗi lo lạm phát. BSC kỳ vọng giá dầu sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm Q2/2018, những bất đồng chính trị giữa Israel và Syria gần đây kéo theo Mỹ – Iran – Nga có thể sẽ gây trở ngại cho việc gia hạn miễn trừ lệnh trừng phạt với Iran kỳ tháng 5/2018.

 BSC cho rằng vai trò của Iran với giá dầu thế giới là tương đối quan trọng, nếu lệnh trừng phạt bị áp lại, sản lượng dầu Iran có thể sụt giảm 1 triệu thùng/ngày (chiếm hơn 1% nhu cầu Thế giới) và gần bằng mức 1,8 triệu thùng/ngày là cam kết cắt giảm sản lượng từ 01/2017 – hết năm 2018 của OPEC và 11 nước ngoài OPEC.

Về nhóm ngành đầu tư, BSC đánh giá khả quan với các ngành: Ngân hàng, Dầu khí, BĐS, Xây dựng, Công nghệ, Điện và Phân bón dựa trên những yếu tố vĩ mô vững chắc, nội tại từ phía doanh nghiệp và những sự kiện thoái vốn/tăng vốn/niêm yết.

Về phía các ngành kém khả quan, BSC cho rằng ngành Thủy sản và Mía đường sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn trong năm 2018. BSC không bi quan nhưng cho rằng nhà đầu tư quan tâm đến ngành này có lẽ nên kiên nhẫn chờ đợi thêm khi xuất hiện những tín hiệu mới.

Minh Anh

Theo Trí thức trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật