Cổ phiếu ngân hàng giảm sức hút?

Cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng chiếm hơn 30% tổng vốn hóa toàn thị trường, có sức chi phối không nhỏ tới thị trường chứng khoán và VN30.

Trong những ngày vừa qua, dòng tiền vào thị trường chứng khoán đã có sự suy giảm nhất định. Thanh khoản tại HoSE liên tiếp trong nhiều phiên chỉ còn dưới 15.000 tỷ đồng/ phiên. Mặc dù điều này có thể là hợp lý khi nhìn trên tương quan tổng vốn hóa thị trường và những phiên giao dịch đột biến trước đây từ 25.000-gần 30.000 tỷ đồng/ phiên - là sự đột biến khó ổn định dài lâu, thế nhưng điều này cũng phản ánh khá rõ rằng: Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đang ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư trên diện rộng.

Nhìn chung trên thị trường hiện tại, nhà đầu tư có tâm lý chờ đợi là chủ đạo. Bên cạnh đó, triển vọng doanh nghiệp đang gặp khó khăn hơn trước tác động của đại dịch, dù một cập nhật mới cho biết, đến hết quý 2/2021, xét trên hơn 500 doanh nghiệp niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý 2, có hơn 480 doanh nghiệp có lợi nhuận dương và nhiều doanh nghiệp trong đó ghi lãi cao.

Lưu ý rằng số lượng các doanh nghiệp niêm yết đạt lợi nhuận dương, cao trong 6 tháng vừa qua, có sự lũy kế thuận lợi của đợt phục hồi ngắn của những tháng cuối năm và đầu quý I/2021, khi dịch bệnh chưa căng thẳng gây tác động tiêu cực như bắt đầu từ quý II.

Ngoài ra, dòng tiền giải ngân của khối ngoại sau kỳ chốt giá trị tài sản ròng cuối quý II/ 2021, cũng đang có tín hiệu chững lại trên thị trường, đặc biệt là ở những quỹ mới vào thị trường chưa lâu nhưng đang nổi lên trở thành ETF số 2 về tổng tài sản chỉ sau ETF Diamond do Dragon Capital quản lý, là quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF từ Đài Loan.

Cổ phiếu ngành ngân hàng (ngành “bank”), đang chiếm giá trị lớn/ tổng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết và hơn 30% tổng vốn hóa toàn thị trường, với hiện trạng mới gồm tổng dư nợ, tín dụng phân bổ theo cấu trúc và lĩnh vực ngành đi kèm định giá hiện tại, đang cho thấy có sự phân hóa nhất định về cơ hội và rủi ro theo "cơ địa" từng ngân hàng. Dòng tiền vào ngành ngân hàng những phiên gần đây đã giảm rõ rệt song cá biệt vẫn có những mã cổ phiếu hút vốn ngoại giải ngân, như gần nhất là MBB và OCB.

Cổ phiếu ngân hàng của thị trường Việt Nam cũng đang cao hơn so với mặt bằng cổ phiếu ngành của các thị trường khu vực

 Tuy nhiên nhìn trong những tháng tới, trung hạn, câu chuyện của cổ phiếu ngành "bank" Việt sẽ viết lại sức hút của mình theo hướng phân hóa tùy "động cơ" và "cơ địa" mỗi tổ chức.

Có 3 “động cơ” để cổ phiếu ngân hàng có sức hấp dẫn gồm: 1, Ngân hàng nào ít nợ xấu trong đợt cơ cấu nợ do dịch COVID-19, có sức đề kháng tốt, phục hồi nhanh sẽ có sức hút dòng tiền; 2, Ngân hàng nào có “game” thâu tóm và sáp nhập (M&A) cũng sẽ là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư; 3, Những ngân hàng được "thưởng quà” khi khả năng Ngân hàng Nhà nước triển khai các công cụ hỗ trợ cho các tổ chức tín dụng như nới thêm room tăng trưởng tín dụng, bơm thêm tiền hỗ trợ thanh khoản qua kênh OMO, nhằm hỗ trợ các ngân hàng có điều kiện hạ lãi suất vay, tiếp sức cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Ngoài ra, cổ phiếu ngành "bank" cũng có thể khởi sắc nếu sau Thông tư 03/2021, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trên tình hình thực tế có thể nghiên cứu đề xuất ban hành Nghị quyết giãn nợ xấu (hoặc đề xuất sửa Nghị quyết 42 /2017 theo hướng cho phép giãn nợ xấu).

Căn cứ trên các chỉ số tài chính, “cơ địa” và những “động cơ” nêu trên, các ngân hàng còn sức hấp dẫn nổi bật, là “trụ” kéo nhóm ngành "bank" dự báo sẽ gọi tên CTG của VietinBank, TPBank của TienphongBank, TCB của Techcombank; STB của Sacombank…

Cuối cùng, sự thay đổi trên thị trường, như đề cập trên, luôn có thể đến từ thay đổi tâm lí của nhà đầu tư theo diễn biến phức tạp/ hoặc kiểm soát của dịch bệnh.

Diễn đàn doanh nghiệp


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật