Đất vùng ven TP. HCM tăng giá như thế nào trong năm qua?

Giá đất tại 5 huyện vùng ven gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ hiện tăng từ 5 - 15% so với đầu năm 2021. Nhiều khu vực tăng tới 30 - 35%. Cùng đó, các tỉnh tiếp giáp như Long An, Bình Dương, Đồng Nai,... cùng tăng phổ biến từ 10 - 15%.

Tại tọa đàm “Tạo đà phục hồi thị trường bất động sản phía Nam" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức, ông Trần Thế Anh - Giám đốc Kinh doanh Thắng Lợi Group cho biết, tại TP. HCM, giá đất tại 5 huyện vùng ven gồm Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ hiện tăng từ 5 - 15% so với đầu năm 2021. Nhiều khu vực tăng tới 30 - 35%.

Bên cạnh đó, giá đất nền Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… có mức tăng phổ biến từ 10 - 15% trong năm 2021.

Thị trường khảo sát của Batdongsan.com.vn, mức độ quan tâm tới bất động sản luôn tăng cao sau mỗi đợt dịch COVID-19: Đợt dịch thứ nhất tăng 306%, đợt 2 tăng 62%, đợt 3 tăng 376% và đợt 4 tăng 105%. Về động lực tăng trưởng trong đó phải kể đến chính sách, nghị quyết, Luật Bất động sản 2014, Nghị quyết 54/2017, đã tạo điều kiện thuận lợi cho TP. HCM thực hiện những chương trình đột phá. Từ đó giúp bất động sản vùng ven TP. HCM và các tỉnh lân cận cũng theo đó tăng lên đáng kể.

Thêm vào đó, việc thay đổi các chính sách quản lý cho phù hợp và xử phạt các dự án không hoàn thành tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư và khách hàng. Về dân số, TP. HCM cùng với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã trở thành khu vực thu hút lao động nhập cư đông nhất cả nước.

Ngoài ra, về địa giới hành chính, việc sắp xếp lại địa giới hành chính các địa phương tại TP. HCM và nhiều tỉnh thành phía Nam giúp thị trường sôi động. Việc một địa phương được "lên quận hay lên thành phố" sẽ kích thích kỳ vọng của người dân, nhà đầu tư về các hứa hẹn chính sách hạ tầng, đô thị, dịch vụ, cơ hội kinh doanh… từ đó giá bất động sản tăng theo.

Đáng chú ý, “niềm tin” của người dân và nhà đầu tư gia tăng nhờ vào hành lang pháp lý đang dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, thách thức đề ra đối với thị trường đó là hiện tượng siết vốn của ngân hàng, việc khó vay vốn đã ảnh hưởng không nhỏ đến các giao dịch; hành lang pháp lý, hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại.

Ông Trần Thế Anh, Giám đốc Kinh doanh Thắng Lợi Group. Ảnh: Nhadautu.vn

Đặc biệt, thị trường vẫn còn tồn tại tình trạng là các dự án nhỏ lẻ, manh mún vẫn còn phát triển mạnh, không có kiểm soát gây nguy cơ vỡ quy hoạch, rối loạn thị trường, khó kết nối hạ tầng khi nhà nước triển khai… Nhằm giảm tiếp cận các dự án nhỏ lẻ, manh mún, trong năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư 42 dự án, quy mô sử dụng đất khoảng 112,8 ha.

Nhưng trong năm 2021, theo thống kế sơ bộ, sở ngành đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận chủ trương đầu tư chỉ có 9 dự án, quy mô sử dụng đất khoảng 142,25 ha. Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh các chính sách lựa chọn chủ đầu tư từng phân khúc thị trường nhà ở theo các yêu cầu về tiềm lực tài chính, năng lực kinh nghiệm…

Trong khi đó, năm 2019, Sở Xây dựng Long An cũng đã tham mưu cùng UBND tỉnh Long An giảm tiếp nhận các dự án đầu tư bất động sản nhỏ lẻ, manh mún, không đáp ứng các điều khoản về hạ tầng xã hội. Khảo sát thị trường bất động sản vùng ven TP. HCM từ báo cáo kết quả nghiên cứu 3.000 khách hàng của Tập đoàn bất động sản Thắng Lợi cho thấy, có đến 78% khách hàng đến từ TP. HCM, 22% còn lại đến từ địa phương khác. 51% khách hàng có độ tuổi từ 31 - 45, 32% độ tuổi trên 45. 62% khách hàng mua để đầu tư, 23% mua để ở. 51% khách hàng xác định có kế hoạch về ở ngay trong năm 2022. 49% khách hàng thử nghiệm "second home".

Khách hàng còn đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, trải nghiệm tiện ích khép kín; ưu tiên thời gian di chuyển; xu hướng dịch chuyển ra xa; cân bằng danh mục đầu tư; ưu tiên không gian sống xanh, an toàn và tiện ích.

Từ những khó khăn của thị trường, doanh nghiệp, đề xuất về phía sở, ban ngành cần có cơ chế tiếp cận vốn dễ hơn. Khách hàng, nhà đầu tư có nhiều ưu đãi trong vay vốn. Về hạ tầng, cần phát triển mạnh hạ tầng khu vực phía Nam, đặc biệt cao tốc, các tuyến vành đai. Ưu tiên các chính sách BOT để có nguồn lực thực thi mạnh. Đa dạng hoá các loại hình giao thông, đặc biệt đường bộ, đường thuỷ (đặc trưng vùng sông nước miền Nam).

Đặc biệt, về loại hình sản phẩm cần đầu tư mạnh mô hình nhà ở vừa túi tiền. Đa dạng hoá các loại hình sản phẩm với nhiều phân khúc phù hợp nhu cầu khách hàng. Còn, về thủ tục pháp lý, doanh nghiệp mong muốn cơ quan chức năng phê duyệt pháp lý nhanh hơn. Đồng thời, thí điểm mô hình vừa cấp phép vừa làm dự án để tối ưu hoá chi phí cho doanh nghiệp và khách hàng.

Minh Huyền

Theo Trí thức trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật