“Điểm nóng” thị trường nhà đất khu Đông Sài Gòn giờ ra sao?

Đối với nhà đầu tư giá trị, lúc thị trường nhà đất giảm nhiệt là thời điểm vàng để đầu tư, nhất là ở những khu vực có tiềm năng phát triển mạnh.
“Điểm nóng” thị trường nhà đất khu Đông Sài Gòn giờ ra sao?
 
Mặc dù không còn sốt nóng như năm trước nhưng thị trường biệt thự, liền kề tại TP. HCM trong nửa đầu năm nay cho thấy khách hàng vẫn ưa chuộng nhà liền thổ như một kênh đầu tư và tích trữ tài sản hấp dẫn. Đặc biệt, dữ liệu thống kê giao dịch trên thị trường từ các công ty tư vấn bất động sản đều khẳng định nhu cầu mua biệt thự, liền kề trong các dự án vượt nguồn cung.

Giao dịch hạ nhiệt do nguồn cung mới khan hiếm

Cụ thể, theo CBRE, nguồn cung biệt thự, liền kề tại TP. HCM hạn chế với phần lớn nguồn cung đến từ khu Đông. Trong khi đó, nhu cầu mua để ở và mua đầu tư đều rất lớn, khi có tới 881 căn biệt thự và nhà liền kề bán được trong ba tháng đầu năm so với nguồn cung mới chỉ có 635 căn chào bán từ bốn dự án.

Sự chênh lệch quá lớn về cung cầu dẫn đến giá giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng vọt, cao hơn 35-37% so với cùng kỳ năm trước. Giá thứ cấp của shophouse còn tăng phi mã, với mức tăng 262% so với năm trước. Một số dự án chào bán với giá cao nhưng cũng nhanh chóng cháy hàng, trong đó, một dự án ở Quận 2 chào bán 92 căn với giá xấp xỉ 135 triệu đồng/m2 và một dự án khác ở Thủ Đức bán 59 căn với giá bình quân 80 triệu đồng/m2.

Trong những tháng gần đây, mặc dù thị trường nhà đất có vẻ giảm nhiệt, nhưng trên thực tế chỉ có phân khúc căn hộ chung cư giảm cả về nguồn cung và sức tiêu thụ. Còn đối với thị trường biệt thự, liền kề, trong quý II vừa qua, công ty tư vấn Savills cho biết lượng giao dịch vẫn tăng 25% theo quý và 35% theo năm.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam, sức cầu và giá nhà đất tăng mạnh mẽ cho thấy nhu cầu của người dân là có thật. Hiện nay, TP. HCM có khoảng 10 triệu dân thì có 2-3 triệu người ngoại tỉnh nên có nhu cầu về nhà ở và sự cố cháy nổ một số chung cư gần đây cũng là yếu tố dịch chuyển đầu tư sang nhà gắn liền với đất. Bên cạnh đó, tích luỹ của người dân nhiều hơn và nhà đất đang trở thành "của để dành" đáng giá, bên cạnh vàng và tiết kiệm ngân hàng.

Tuy nhiên, sau một thời gian sốt nóng, thị trường biệt thự và nhà liền kề tại TP. HCM hiện đang có dấu hiệu chững lại. Mặc dù số lượng giao dịch giảm đi trông thấy nhưng khi nhìn vào giá giao dịch không giảm thì ông Ngô Đức Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh của DRH Holdings cho rằng: "Giao dịch giảm là do nguồn cung mới khan hiếm, còn nhu cầu vẫn rất cao".

Diễn biến thị trường cũng cho thấy sau khi nguồn cung biệt thự, liền kề ồ ạt tung ra thị trường vào năm ngoái thì càng đến thời gian gần đây càng cạn kiệt. Chỉ có một số rất ít các dự án mới chào bán, số lượng sản phẩm của mỗi dự án cũng hạn chế trong khi giá bán lên đến hàng chục tỷ đồng nên giao dịch chậm hơn. Bên cạnh đó, "do không có nhiều sản phẩm mới và giá bán của những dự án cũ đã đứng ở mức cao nên giới đầu cơ lướt sóng không còn mặn mà và vì thế giao dịch không còn sôi động như trước", ông Sơn nhận định.

Thay vào đó, theo ông Sơn nhận định thì nhu cầu đầu tư nhà ở gắn liền với đất vẫn rất lớn. Chẳng hạn như dự án Symbio Garden do DRH Holdings, dù chưa bán chính thức nhưng rất nhiều nhà đầu tư quan tâm bởi dự án chỉ có 139 căn shophouse nằm đối diện Bệnh viện Ung bướu TP. HCM và liền kề khu giải trí Suối Tiên.

Nhưng, là người trong cuộc, ông Sơn nhận thấy nhu cầu đầu tư nhà ở gắn liền với đất rất lớn, và khi giới đầu cơ lướt sóng rút đi thì giới đầu tư giá trị coi là "thời điểm vàng" để nhập cuộc. Trong khi nhà đầu tư lướt sóng tìm đến những khu vực sốt nóng để mua nhanh bán nhanh kiếm lời thì những nhà đầu tư giá trị săn lùng những khu vực có tiềm năng phát triển lớn.

Vì sao khu Đông Sài Gòn được ưa chuộng?

Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tư vấn Savills TP. HCm, với sự hỗ trợ từ nền kinh tế vĩ mô và đầu tư cơ sở hạ tầng ngày càng tích cực, thị trường bất động sản liền thổ sẽ vẫn được kích cầu trong thời gian tới. Ngoài ra, tỷ suất lợi nhuận hấp dẫn của kênh đầu tư này sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư diễn ra và có thể đưa mặt bằng giá đi lên trong những tháng tới.

Theo nhận định của CBRE, một trong những nhân tố kích thích tăng giá bất động sản là việc TP. HCM đầu tư lớn xây dựng cơ sở hạ tầng mới, đặc biệt là những khu vực được quy hoạch tốt và có tính kết nối tốt. 

Đối với những nhà đầu tư giá trị, khu Đông TP. HCM luôn là khu vực đầu tư đầy tiềm năng do hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và định hướng quy hoạch của thành phố sẽ đưa diện mạo đô thị khu vực này lên một tầm cao mới.

Trong đó, việc thành phố định hướng ba quận trung tâm của khu Đông trở thành khu đô thị sáng tạo trong tương lai với trọng tâm phát triển trung tâm tài chính ở Thủ Thiêm, khu công nghệ cao ở Quận 9 và nguồn nhân lực chất lượng cao ở Thủ Đức sẽ là những nhân tố gia tăng giá trị bất động sản ở khu vực này.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ đến trung tâm thành phố theo hướng cao tốc Long Thành – Dầu Giây qua đại lộ Mai Chí Thọ và hầm Thủ Thiêm hay tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên sẽ tạo động lực để thị trường bất động sản khu Đông thêm sôi động. 

Bên cạnh đó, khu công nghệ cao Sài Gòn ngày càng thu hút thêm được nhiều nhà đầu tư lớn và Bệnh viện Ung bướu 2 hiện đại nhất Đông Nam Á sắp khánh thành sẽ thu hút thêm nguồn nhân lực chất lượng cao về khu vực này sinh sống và làm việc. Đây là những tín hiệu tích cực mà những nhà đầu tư bất động sản sành sỏi sẽ không thể bỏ qua.

Bình An

Theo: Trí thức trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật