Do Venture: Vốn rót vào startup công nghệ giảm mạnh trong nửa đầu 2020, Việt Nam vẫn là thị trường tiềm năng

Tổng vốn đầu tư rót vào các startup Việt trong nửa đầu năm 2020 đã giảm từ 284 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái xuống 222 triệu USD.

Về số lượng, nếu như 123 thương vụ đầu tư đã được thực hiện thành công vào năm 2019 thì sau 6 tháng đầu năm 2020, con số này mới chỉ là 40.

2019 là một năm “bội thu” của các startup công nghệ Việt Nam khi thu hút lượng vốn đầu tư kỷ lục 861 triệu USD, tăng trưởng gần gấp đôi so với 2018.

Tuy nhiên, “thiên nga đen” mang tên Covid-19 đã giáng đòn mạnh khiến giới startup toàn cầu lao đao. Đồng thời, nguồn vốn đầu tư rót vào khu vực châu Á - Thái  Bình Dương nói chung và Việt Nam ngay lập tức chứng kiến sự sụt giảm đáng kể.

Nguồn vốn đầu tư giảm mạnh sau cột mốc kỷ lục

Năm 2018, tổng số vốn rót vào các startups chạm ngưỡng 448 triệu USD đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư đối với thị trường Việt Nam. Hoạt động này tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2019, thu hút dòng tiền gần như gấp đôi 2018.

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của quỹ Do Venture cho biết tổng vốn đầu tư mà các startup Việt huy động được trong nửa đầu năm 2020 đã giảm 22%, từ 284 triệu USD trong cùng kỳ năm ngoái xuống 222 triệu USD. Về số lượng, nếu như 123 thương vụ đầu tư đã được thực hiện thành công vào năm 2019 thì sau 6 tháng đầu năm 2020, con số này mới chỉ là 40.

Ngoài ra, số giao dịch nhắm vào những startups giai đoạn early-stage với quy mô trên 500.000 USD đã giảm mạnh. Trong khi đó, các khoản đầu tư vào startup giai đoạn cuối vẫn đang dẫn đầu về cả số tiền và số lượng thương vụ. Do Ventures cho rằng các giao dịch vào các công ty startup ở giai đoạn đầu sẽ tăng trong thời gian tới.

Lượng vốn đầu tư rót vào startup Việt qua các năm.

Theo DO Venture, nguyên nhân chính là do việc tìm nhà đầu tư và thẩm định đã bị cản trở, gián đoạn vì các lệnh hạn chế đi lại. Hầu hết những giao dịch với quy mô đầu tư lớn đều được thực hiện trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Việt Nam vẫn là điểm đến ưa thích

Những thương vụ mang tính bước ngoặt của VNPay, Sendo hay Tiki trong năm 2019 đã giúp ngành bán lẻ và thanh toán dẫn đầu giới startup khi xét về quy mô giao dịch. Sau nửa năm 2020, bán lẻ tiếp tục khẳng định vị thế này khi thu hút 64 triệu USD.

Năm 2019 còn đánh dấu kỷ lục về số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường Việt Nam, lên tới 129 và chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore. Đến nửa đầu năm 2020, số lượng các nhà đầu tư hoạt động tích cực cũng xấp xỉ cùng kỳ 2019. Tuy nhiên, do lệnh hạn chế đi lại nên hầu hết các thương vụ trong giai đoạn này đều được thực hiện bởi nhà đầu tư trong nước hoặc quỹ nước ngoài có nhân sự tại Việt Nam.

Các quỹ đầu tư vào startup Việt Nam phân loại theo quốc gia.

Theo khảo sát của Do Venture với 50 quỹ hoạt động tích cực tại 6 thị trường chính của SEA (Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan), Việt Nam đứng đầu điểm đến đầu tư trong tương lai 12 tháng, tiếp theo là Indonesia.

Theo Do Venture, Việt Nam là điểm đến hàng đầu của dòng vốn đầu tư mạo hiểm trong 12 tháng tới.

Tâm lý đầu tư tại Việt Nam vẫn ở mức cao, các quỹ được khảo sát cho biết đang tìm cách đầu tư vào 117 - 200 thương vụ trong 12 tháng tới. Gần 80% quỹ đã lên kế hoạch triển khai 1-5 thương vụ. Trong năm tới, các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các ngành ở giáo dục, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tài chính.

Top những quỹ đầu tư hoạt động tích cực tại Việt Nam.

T.D


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật