Doanh nghiệp rút mạnh tiền gửi tại ngân hàng trong 2 tháng đầu năm
Ngân hàng Nhà nước vừa cập nhật số liệu về tổng phương tiện thanh toán và Tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2020.
Cụ thể, tổng phương tiện thanh toán (chưa loại các khoản phát hành giấy tờ có giá do các TCTD khác trong nước mua) tăng 0,94%, đạt hơn 10,67 triệu tỷ đồng.
Tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng cuối tháng 2/2020 đạt gần 8,79 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 3.000 tỷ so với cuối năm 2019.
Đáng chú ý, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các TCTD sụt giảm mạnh tới 4,84% xuống còn 3,77 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của dân cư vẫn tăng 3,91% lên hơn 5 triệu tỷ đồng.
Huy động tiền gửi bắt đầu tăng trở lại trong tháng 3 khi theo dữ liệu của Tổng cục thống kê, đến ngày 20/3, tổng phương tiện thanh toán tăng 1,55% so với cuối năm 2019 còn huy động vốn tăng 0,51%.
Việc các doanh nghiệp rút mạnh tiền gửi khỏi hệ thống ngân hàng trong 1-2 tháng đầu năm là chuyện không hiếm thấy do trùng vào dịp lễ Tết Nguyên Đán, doanh nghiệp phải rút tiền ra để trả lương, thưởng cuối năm cho nhân viên.
Trong 2 tháng đầu năm 2019, tiền gửi của các doanh nghiệp tại các TCTD giảm 2,87% tương đương với gần 96.000 tỷ đồng. Trong khi đó, tiền gửi của các TCKT tại các TCTD trong 2 tháng đầu năm 2020 giảm 4,84% tương đương với giảm hơn 190.000 tỷ đồng, tức gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự huy động vốn, tín dụng cũng bắt đầu bật tăng trở lại từ tháng 3. Theo NHNN, tín dụng đến ngày 31/3 đạt hơn 8,3 triệu tỷ, tăng 1,3% so với cuối năm 2019. Tuy nhiên, mức tăng này thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2019 (3,19%).
Theo NHNN, mặc dù các TCTD đã đưa ra nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi (giảm 2-2,5%) có quy mô lớn nhưng nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của khách hàng có xu hướng giảm dẫn đến việc rút vốn của khách hàng còn hạn chế.
Có thể thấy, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng mạnh tới việc gửi tiền, nhu cầu vay tiền và trả nợ của các doanh nghiệp. Theo đánh giá sơ bộ của NHNN, đến nay, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
TIN CŨ HƠN
- Vì sao doanh nghiệp chậm được giãn nợ, cơ cấu lại nợ và miễn giảm lãi suất?
- Ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng lợi nhuận nhiều ngân hàng vẫn cao trong quý 1?
- Chính phủ yêu cầu có giải pháp cụ thể, thiết thực về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh
- Thanh toán điện tử tăng đột biến trong Covid-19
- Chọn kênh đầu tư nào có lợi trong mùa dịch Covid-19?
- Vietcombank sẽ tăng tỷ trọng bán lẻ và tín dụng có tài sản đảm bảo trong năm 2020
- Hơn 20.000 tỷ đồng vừa “tiếp sức” cho hệ thống ngân hàng
- NHNN giảm lãi suất: Doanh nghiệp nên làm gì để tận dụng cơ hội này?
- Các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, cao nhất chỉ còn 4,75%/năm
- Các ngân hàng ủng hộ 110 tỷ đồng phòng chống Covid-19