Gặp gỡ ông chủ dừa Cocolala: Thất bại ngay trong lần đầu xin việc sau khi từ Mỹ trở về, 4 lần khởi nghiệp cho tới khi tìm đến Shark Tank Việt Nam

“Lộc đã đọc những bài báo về em sau thương vụ trên Shark Tank chưa?”, tôi hỏi. “Em chưa đọc chị ạ”…. Và những câu chuyện giữa tôi và ông chủ thương hiệu dừa bật nắp Cocolala đưa tôi đến từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Gặp gỡ ông chủ dừa Cocolala: Thất bại ngay trong lần đầu xin việc sau khi từ Mỹ trở về, 4 lần khởi nghiệp cho tới khi tìm đến Shark Tank Việt Nam
 
Gặp Tấn Lộc trong một chiều mưa cuối tuần. Khoảng 16h, chàng trai sinh năm 1988 tay cầm chiếc bánh mì tới quán cà phê chúng tôi hẹn nhau tại quận 1. Lộc cho biết, cậu vừa theo chuyến xe chở dừa từ Bến Tre lên TP HCM. Những tháng ngày khởi nghiệp của chàng trai sinh năm 1988 dần được tái hiện.

Trở về từ Mỹ, đi xin việc và gặp ngay “thất bại đầu đời” vì “em nói nhỏ giống con gái”

Năm 2010, tốt nghiệp ngành quản lý nhà hàng khách sạn tại một đại học ở Mỹ, Nguyễn Tấn Lộc trở về Việt Nam với bao hy vọng.

“Sau khi trở về từ Mỹ, tôi xin việc vào một khách sạn 5 sao ở TP HCM nhưng không thành công”, Lộc vừa nhâm nhi ly cà phê vừa kể. Và Lộc vẫn còn nhớ đoạn hội thoại với người tuyển dụng vào năm 2010.

- Nhân viên khách sạn: Em xin vào khách sạn mà nói nhỏ nhẹ như con gái vậy?

- Lộc: Ủa chị ơi, mình làm trong khách sạn 5 sao, làm sao cho khách hài lòng thôi. Chuyện nói lớn hay nhỏ nhẹ không có ý nghĩa gì trong môi trường như vậy.

- Nhân viên: Anh nói nhỏ như vậy, khách nhầm hóa đơn thì sao?

- Lộc: Nhầm hóa đơn là sao chị?

- Nhân viên: Anh nói nhỏ như vậy khách có thể nhầm 1 triệu với 10 triệu.

- Lộc: Chị ơi, nhà hàng khách sạn 5 sao, mình đưa bill cho họ coi chứ mình nói chuyện như ngoài chợ. Nếu chị nói chuyện như vậy, em xin phép dừng cuộc phỏng vấn tại đây.

Và Lộc trở về, bắt đầu hành trình khởi nghiệp.

Khởi nghiệp bán áo in hầm hố, dành cho những bạn nam hay xăm mình, đeo bông tai và bán với giá 1/5 thị trường

Ngày đó, năm 2010, trên đường Nguyễn Trãi, họ bán những chiếc áo cho các bạn đua motor. “Tôi ốm ốm nhưng lại thích mặc mấy cái áo hầm hố như vậy. Họ bán 1,5 triệu đến 1,8 triệu/cái. Tôi xem và thấy “đau xót” vì giá quá đắt. Tự nhiên, tôi thích những chiếc áo đó”, Lộc kể.

“Tôi thấy họ bán 1,5-1,8 triệu một chiếc và cảm thấy “xót” vì quá đắt. Nhưng tôi thích những chiếc áo hầm hố ấy”.

“Tôi mua về mặc và bị cha mẹ mắng”, Lộc nhớ lại và thừa nhận, những chiếc áo đó không liên quan gì đến bản thân vì không uống rượu, xăm mình bao giờ. “Nhưng tôi lỡ thích rồi” và bắt đầu tìm đường làm áo.

Gặp gỡ ông chủ dừa Cocolala: Thất bại ngay trong lần đầu xin việc sau khi từ Mỹ trở về và 4 lần khởi nghiệp: từ áo cho dân đua xe, đến làm bánh và dừa tươi bật nắp - Ảnh 2.

Một thời, ông chủ của Cocolala đã sản xuất và bán online những chiếc áo kiểu như thế này. Ảnh minh họa.

Lúc đó, Lộc không biết gì về công nghệ, in ấn và vải vóc. Mà chỉ đơn giản là thích làm.

Chàng trai sinh quê ở Châu Thành bắt đầu hành trình sản xuất áo để bán.

Lộc tìm người thiết kế. Kiếm 10 người thì đều không thiết kế ra. Lúc đó, may mắn, anh gặp được một người chuyên thiết kế cho Biti’s. Anh này nhận làm part time cho Lộc. Lúc đó giá thị trường 200.000 đồng/mẫu nhưng Lộc thuê với giá 1 triệu đồng/mẫu vì đáp ứng được những tiêu chuẩn mà Lộc đề ra: tinh tế, thẩm mỹ.

Khi có mẫu rồi thì Lộc chuyển đi in áo. Mua vải qua chợ Tân Bình, họ bán vải không đủ tiêu chuẩn vì họ để vải trong phòng máy lạnh rồi xịt nước nên vải rất nặng ký.

“Tôi mong muốn là mua vải 100% cotton nhưng chỉ đọc trên mạng để biết thông tin thôi, ra chợ họ thấy mặt tôi “ngơ ngơ” và họ đưa cho tôi vải gì tôi cũng không biết nữa”, Lộc kể.

"Và tôi đưa vải cho một cặp vợ chồng đang may ở TP HCM. Chỉ 2 vợ chồng họ chịu giúp tôi vì may số lượng ít quá”, Lộc nhớ lại. Cặp vợ chồng đó đã chỉ giúp Lộc cách mua vải và vẫn còn giữ quan hệ đến ngày nay.

Người bán hàng thấy mặt tôi ngơ ngơ và đưa cho tôi vải gì tôi cũng không biết nữa.

Rồi Lộc đem in 4 mẫu đầu và bán online rất đắt hàng trên trang nổi tiếng lúc bấy giờ 5giay.vn.

“Khách xăm mình, đeo bông tai hầm hố đến nhà tôi ở TP HCM mua hàng. Bố mẹ tôi bắt đầu cấm vì không thích điều đó. Bố mẹ mong muốn tôi tìm được một công việc ổn định tại một cơ quan nào đó. Rồi tôi thuyết phục rằng: Giờ con không bán ở đây thì biết bán ở đâu. Bố mẹ chấp nhận nhưng tỏ thái độ không thích”, Lộc ngược dòng thời gian cách đây 8 năm.

Rồi người ta đồn nhau, Lộc bắt đầu bỏ sỉ từ Bắc Ninh đến Kiên Giang. Mỗi lần làm 5 mẫu là khách lấy hết 5 mẫu vì giá rẻ bằng 1/5 so với thị trường. Được hơn 1 năm, mấy hiệu ở Nguyễn Trãi thấy làm ăn được, họ lấy mẫu đó về và bỏ lên máy scan. Họ bán chỉ bằng 1/3 của Lộc và Lộc không làm các mẫu đó nữa vì thị trường đã bị phá.

Lộc vẫn làm hàng cho công ty nhưng chủ yếu là đồng phục. Và Lộc lại gặp một “mối duyên khác”.

Khởi nghiệp làm bánh tại các sự kiện

Đó là khoảng năm 2012, Lộc thiết kế bàn tiệc bánh cho đám cưới của một người bạn. Vô tình có một vị khách thấy bàn tiệc bắt mắt nên đã mời Lộc làm cho họ.

Người này thầu mấy hãng thời trang cho em bé và đặt hàng Lộc làm bánh cho 7 cửa hàng. Lúc đó Lộc nói: “Tôi không có kinh nghiệm mà chỉ làm theo con mắt thẩm mỹ. Chị giao cho tôi 7 cửa hàng, tôi rất muốn làm để xem khả năng mình tới đâu nhưng tôi sợ bể show của chị vì việc khai trương các thương hiệu nổi tiếng rất quan trọng”.

Gặp gỡ ông chủ dừa Cocolala: Thất bại ngay trong lần đầu xin việc sau khi từ Mỹ trở về và 4 lần khởi nghiệp: từ áo cho dân đua xe, đến làm bánh và dừa tươi bật nắp - Ảnh 4.

Tấn Lộc từng khởi nghiệp với những món bánh kiểu như thế này.

Nhưng rồi Lộc vẫn được giao “và không biết tại sao”. Nhiều nhãn hiệu khác khai trương, họ cũng mời anh vì người này giới thiệu người kia.

“Ngành làm bánh cho sự kiện là cái duyên. Khách thường yêu cầu tôi làm vài món mặn, vài món ngọt và tôi cùng một người khác phải tự tay làm. Họ yêu cầu phải đẹp, bắt mắt. Những món nhỏ rất cầu kỳ và phải chăm chút từng ly từng tý. Tôi làm chính còn người kia phụ chuyện bày biện, trang trí bánh", chàng trai sinh năm 1988 kể.

“Tôi học về nhà hàng khách sạn nên rất thích nấu ăn. Hồi còn đi học ở Mỹ, tôi thường chui vào bếp Mỹ và Mexico để học lỏm vì thích các món này. Các ông đầu bếp chỉ bí quyết cho tôi”, Lộc kể tiếp.

Và Lộc vẫn “rong ruổi” những chiếc bánh canabe bé nhỏ cho các sự kiện. Nhưng Lộc cũng phát hiện ra những sản phẩm thú vị khác, từ chính nguồn tài nguyên bản địa.

Khởi nghiệp với đường hoa dừa và những lời mắng kiểu như “Mày bị điên à, sao tao có thể cắt hết hoa dừa để cho mày lấy sáp?”

Lộc bắt đầu những chuyến Bến Tre - TP HCM để tìm những bông hoa dừa bởi theo Lộc, loại đường làm từ mật hoa trong sáp dừa rất tốt cho sức khỏe. Thái Lan và Philippines đang bán với giá cao ngất ngưởng.

Gặp gỡ ông chủ dừa Cocolala: Thất bại ngay trong lần đầu xin việc sau khi từ Mỹ trở về và 4 lần khởi nghiệp: từ áo cho dân đua xe, đến làm bánh và dừa tươi bật nắp - Ảnh 5.
 
Thế nhưng, chàng trai lặn lội tới Bến Tre rồi lại trở về TP HCM và đâu đó vẫn văng vẳng những câu nói: “Mày điên à, sao tao có thể cắt hết hoa dừa để cho mày lấy sáp”.

Tấn Lộc tiếp tục với dừa có nắp như trên chương trình Shark Tank mà Shark Thái Vân Linh đã cam kết đầu tư 2 tỷ đồng. Và đến với sản phẩm này, Lộc cũng đã phải trả học phí rất nhiều, từ chuyện bị tráo dừa, chuyện chở dừa ra Hà Nội và sản phẩm bị mốc hỏng...

Lộc tin rằng, phải xây dựng niềm tin trước đã, có tin thì nông dân mới có thể hợp tác được với anh trong tương lai. Và khi nào cơ hội đến, anh sẽ tiếp tục giấc mơ đường từ mật dừa.

“Từ giờ đến Tết, tôi sẽ ra một sản phẩm mới nữa, cũng về nông sản”, Lộc tiết lộ.

Đến giờ, Lộc vẫn còn làm về may mặc nhưng giao chính cho cặp vợ chồng từng chung lưng đấu cật với anh từ ngày bắt đầu khởi nghiệp, vì không đủ thời gian để làm quá nhiều việc cùng một lúc.

"Tôi còn máu, còn trẻ nên còn làm. Sau này nhiều tuổi, tôi sợ cái nhiệt sẽ hạ xuống”, Lộc nói khi chúng tôi kết thúc câu chuyện.

Theo: Trí Thức Trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật