Hành trình khởi nghiệp từ cây nấm trùng thảo

Năm 2010 tốt nghiệp đại học, Phan Tiến Dũng được nhận vào làm tại một ngân hàng. 4 năm trong ngành ngân hàng, Phan Tiến Dũng vẫn chưa cảm thấy công việc này thật sự có ý nghĩa với mình nên quyết định rẽ hướng...
Hành trình khởi nghiệp từ cây nấm trùng thảo

Nguồn: Namtrungthao

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung nghèo khó, từ nhỏ, Dũng đã gắn kết với đồng ruộng. Đó là lý do khi nhận thấy ngành ngân hàng chưa phải là công việc mang lại ý nghĩa cho mình, sau đó Dũng đã tìm đến lĩnh vực nông nghiệp.

Dũng tâm sự: "Thời gian làm ngân hàng, tôi luôn đặt câu hỏi là mình đến với cuộc sống này vì cái gì và điều này thôi thúc tôi phải đi tìm câu trả lời. Cũng trong giai đoạn này, rất nhiều thông tin về thực phẩm bẩn, về tỷ lệ mắc bệnh ung thư khiến tôi băn khoăn, phải chăng người Việt bệnh tật nhiều là do thức ăn? Tại sao nông dân nước ta lại sử dụng nhiều thuốc hóa học? Nền nông nghiệp của nước mình có quá lạc hậu không?".

Cuối năm 2015, Dũng gặp được một số bạn trẻ cùng quê là Sang, Luyến, Hà và Thanh đang học chuyên ngành công nghệ sinh học, đều đam mê nghiên cứu và thích ngành nông nghiệp. Qua trò chuyện, nhận thấy có cùng đam mê, và "đó là lý do để mọi người ngồi lại cùng nhau và quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, một lĩnh vực nghe thì tưởng dễ mà kỳ thực khi bắt đầu vô cùng khó”, Dũng kể. Nhờ kinh nghiệm và tuổi tác "nhỉnh" hơn nên các cộng sự đề cử Dũng làm người dẫn dắt nhóm và Công ty CP AT Group ra đời.

Câu hỏi mà AT Group luôn đau đầu, đó là chọn sản phẩm nào để phát triển? "Thời điểm đó,  thị trường bắt đầu xuất hiện nấm trùng thảo - một loại nấm có giá trị dược liệu và giá trị sử dụng cao, tuy nhiên giá bán trên thị trường khá đắt và nguồn cung cũng rất hạn chế, trong khi đó nước mình lại có nhiều nguồn nguyên liệu có thể phát triển được loại nấm này. Nhận thấy đây là loài nấm có nguyên liệu đầu vào từ ngành dược và ngành thực phẩm chế biến nên cơ hội phát triển rất cao, thế là cả nhóm nhanh chóng thống nhất ý kiến và lên kế hoạch hành động", Dũng chia sẻ.

Bắt đầu nghiên cứu, AT Group nhận thấy, trên thị trường nấm trùng thảo được biết đến với tên gọi là đông trùng hạ thảo nên Công ty sử dụng tên gọi này cho sản phẩm. Nhưng sau thời gian nghiên cứu sâu và hiểu rõ hơn về bản chất của sản phẩm, các thành viên nhận thấy có sự khác biệt về bản chất của loại nấm mình đang làm so với nấm đông trùng hạ thảo theo truyền thống (đông trùng hạ thảo theo truyền thống có tên khoa học là cordyceps sinensis, loại nấm này có đặc điểm là chỉ có ở vùng núi khu vực Tây Tạng, sinh trưởng theo kiểu mùa đông là côn trùng, mùa hạ là cây nấm), trong khi loại nấm Công ty đang nghiên cứu có cùng bản chất là nấm ký sinh côn trùng nhưng tên khoa học là cordyceps militaris, hơn nữa loại nấm này phân bổ hầu như trên khắp thế giới, và có thể phát triển khi có điều kiện khí hậu phù hợp.

Vì vậy các thành viên của Công ty quyết định thay đổi tên gọi thành nấm trùng thảo để trả về bản chất khoa học của nó là nấm ký sinh trên côn trùng ("nấm trùng thảo"), hơn nữa tên gọi này có ý nghĩa thuần Việt và dễ hình dung, đặc biệt là những người mới tiếp cận.

Không chỉ khác biệt về tên gọi, trong khi các đơn vị nghiên cứu khác chỉ dựa vào một hoặc 2 chỉ tiêu để đánh giá chất lượng sản phẩm thì các thành viên của AT Group xác định phải đánh giá trên nhiều tiêu chí, nhưng điều quan trọng, yếu tố đánh giá chất lượng là quy trình sản xuất, độ ổn định của giống sản xuất. Chính vì cách tiếp cận khác biệt này nên Công ty nhanh chóng hoàn thiện quy trình nghiên cứu và khi sản phẩm ra đời được nhiều khách hàng, đối tác tin tưởng chấp nhận với mức giá phải chăng. 

Với cách "lấy ngắn nuôi dài", Dũng cho biết sẽ mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng, cung cấp nguyên liệu cho các đơn vị chế biến trong ngành dược và thực phẩm. Bên cạnh đó, công ty cũng tham gia nhiều sự kiện kết nối, giao thương để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm hướng đến các thị trường Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ...

Sau đó hướng đến giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp bằng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra những mô hình nông nghiệp mới, trong đó nông dân sẽ trực tiếp đóng góp vào việc sản xuất những sản phẩm an toàn như ý nghĩa tên gọi của Công ty (AT= an toàn).

Có sản phẩm và được thị trường đón nhận nhưng Dũng vẫn còn không ít băn khoăn, trong đó áp lực người điều hành luôn là điều phải suy nghĩ. "Công việc mới đòi hỏi phải biết rất nhiều thứ nên ban đầu tôi rất bỡ ngỡ và lo lắng. Nếu làm không tốt thì tiền của và công sức của anh em sẽ đổ sông đổ biển, vì vậy khi lập kế hoạch chi tiêu hay đầu tư, tôi phải cân nhắc rất kỹ mới ra quyết định", Dũng tâm sự.

Song, điều khó nhất theo Dũng vẫn là ổn định tinh thần cho các cộng sự, dẫu biết hành trình khởi nghiệp rất gian nan. Khi bắt đầu hành động, cả nhóm đã cùng nhau xây dựng kế hoạch có mục tiêu và lộ trình cụ thể, nhưng khi thực hiện với nhiều khó khăn ập đến như nguồn giống, tài chính hạn hẹp đã khiến nhiều thành viên dao động và bắt đầu có ý nghĩ buông xuôi.

"Những lúc như vậy, tôi phải vừa làm chỗ dựa tinh thần cho từng người, vừa kéo cả nhóm vượt qua để đi tiếp. Và điều tâm đắc nhất của Dũng là "Người đứng đầu phải biết nhen lửa và làm cho ngọn lửa đam mê ấy cháy mãi để cả đội nhóm cùng phát huy sức mạnh. Đây cũng là yếu tố để một startup thành công".

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật