Khởi động hàng loạt dự án giao thông nghìn tỷ khu cửa ngõ Tây Bắc TP.HCM, thị trường nhà đất đón "cú hích" mới
Lãnh đạo Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP.HCM cũng cho biết thêm thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư nhiều dự án đường hướng tâm như quốc lộ 22, đường Phan Văn Hớn, tỉnh lộ 9, tỉnh lộ 15, tỉnh lộ 22…
Theo ông Phạm Ngọc Dũng, Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 (Sở Giao thông Vận tải TP.HCM), khi hoàn thành mở rộng và nâng cấp, các tuyến đường này sẽ trở thành trục giao thông huyết mạch khu vực Tây Bắc, nối thông quận 12 với huyện Hóc Môn và Củ Chi. Đây cũng sẽ là tuyến đường giúp người dân các địa phương trên kết nối nhanh chóng với trung tâm thành phố cũng như các quận lân cận.
Theo tìm hiểu, giữa tháng 7/2018, Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 đã trình Sở GTVT TP.HCM thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án mở rộng, nâng cấp tỉnh lộ 7, đoạn từ cầu Kênh N31A đến ngã tư Tân Quy (Củ Chi), có quy mô dài 8km, mặt cắt ngang 20m và tổng mức đầu tư 368 tỷ đồng. Dự án này đã được thông qua chủ trương đầu tư công tại Nghị quyết 07/NQ-HĐND của HĐND TPHCM, thời gian thực hiện từ năm 2018 đến 2022.
Việc đầu tư dự án này kết hợp với đầu tư các đoạn còn lại trên trục tỉnh lộ 8 được xác định sẽ góp phần hoàn tất trục tỉnh lộ 8 từ tỉnh Long An đến huyện Củ Chi đi tỉnh Bình Dương, qua đó tạo thành trục động lực phát triển của các địa phương nằm dọc theo tuyến.
Đặc biệt, một trong những dự án trọng điểm để tháo nút thắt cho cửa ngõ Tây Bắc đang được thi công gấp rút là nút giao thông An Sương (quận 12). Công trình này sẽ tạo thông thoáng cho trục đường huyết mạch từ TP.HCM đi các tỉnh miền đông, miền tây và ngược lại; cũng như từ trung tâm thành phố về huyện Củ Chi, Long An, Tây Ninh…
Chưa hết, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa đồng ý với kiến nghị của tỉnh Tây Ninh về việc sớm triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Việc này được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho khu vực cửa ngõ Tây Bắc của TP.HCM phát triển mạnh trong thời gian tới.
Dự án có điểm đầu tại giao cắt giữa đường Vành đai 3 với tỉnh lộ 15 của TP.HCM, điểm cuối tại quốc lộ 22 thuộc khu vực cửa khẩu Mộc Bài. Hướng tuyến của dự án phù hợp với quy hoạch chung của huyện Củ Chi TP.HCM và tỉnh Tây Ninh. Theo Ban quản lý công trình giao thông 7 (Bộ Giao thông Vận tải), đơn vị này đang trình cấp có thẩm quyền thiết kế cơ sở và cơ chế đặc thù khi triển khai đầu tư dự án. Dự kiến trong năm 2019 sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 1.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, một khi các dự án hạ tầng được đầu tư và hoàn thiện đưa vào sử dụng thì các phương tiện giao thông có thể đi với tốc độ nhanh và an toàn hơn với các khu kinh tế cửa khẩu, đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với các đầu mối cảng biển, cảng hàng không quốc tế của vùng và khu vực ASEAN (Bangkok - Phnom Penh - TPHCM)... Đây cũng là nền tảng tạo cú hích phát triển cho khu đô thị Tây Bắc, bởi khu vực này từ hàng chục năm qua vẫn chưa được TP.HCM chú ý đầu tư nguồn lực phát triển.
"Tuy nhiên, với cơ chế đặc thù và thực hiện chiến lược mở rộng các khu đô thị vệ tinh thì hiện nay TP.HCM đang dành cho khu Tây Bắc một nguồn lực đáng kể, đặc biệt chi hàng chục nghìn tỷ đồng để đầu tư mạng lưới giao thông kết nối với các quận trung tâm, sẽ giúp cho khu vực này sớm trở thành một Phú Mỹ Hưng trong tương lai như thành phố từng kỳ vọng", ông Châu cho biết thêm.
Tại cuộc họp kinh tế - xã hội TP.HCM 11 tháng năm 2018 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, cho biết sau gần 10 năm quy hoạch chung của TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt hiện nay TP.HCM đang xem xét kiến nghị Chính phủ điều chỉnh lại diện tích khu đô thị Tây Bắc cho phù hợp với thực tế, yêu cầu phát triển mới của TP.HCM.
Theo ông Châu, trong tình hình hiện nay, sự điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo này còn nhằm để ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng trong tương lai gần, mà thành phố là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, trong điều kiện phần lớn diện tích thành phố nằm trên khu vực thấp.
Theo kịch bản, nếu nước biển dâng chỉ 0,5m thì TP.HCM cũng sẽ bị ngập rất nhiều khu vực. Để thành phố phát triển bền vững, Hiệp hội đề nghị điều chỉnh hướng quy hoạch phát triển đô thị chủ đạo về vùng đất cao của thành phố, đó là khu vực Gia Định - Củ Chi cũ (một phần Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, nhất là khu vực quận 12, Hóc Môn, Củ Chi), mà thành phố đã có quy hoạch phát triển Khu đô thị - công nghiệp Tây Bắc trên địa bàn huyện Hóc Môn - Củ Chi với quy mô lên đến 9.000 ha.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng đề xuất thực hiện định hướng chuyển đổi khoảng 1/3 quỹ đất nông nghiệp của thành phố thành đất công nghiệp, dịch vụ, đất đô thị, thì điều này sẽ giúp làm tăng GRDP của thành phố lên 2,73 lần. Đồng thời sẽ tạo điều kiện phát triển rất mạnh nền kinh tế và thị trường bất động sản của thành phố trong thời gian tới.
Theo: Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Hà Nội rục rịch khởi động lại siêu dự án ven sông Hồng
- Cấm xây mới chung cư cao tầng ở quận 1, 3?
- Sunshine City Sài Gòn ghi điểm bằng những tiện ích đắt giá
- Ông Nguyễn Trần Nam: Doanh nghiệp lo 'lỗ chồng lỗ' vì quy định khống chế lãi vay 20%
- Đất nền khu Tây Bắc Sài Gòn đang diễn biến như thế nào?
- "Năm 2019, BĐS nghỉ dưỡng tăng bao nhiêu cũng không đủ, không cần lo bong bóng hay thừa cung, dư địa còn rất nhiều"
- Yêu cầu Hà Nội rà soát lại việc sử dụng đất tại Ô Chợ Dừa
- Loạn rao bán nhà ở xã hội: ‘Cò’ mặc sức thao túng giá
- Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam nói gì về rủi ro bong bóng bất động sản?
- Lãi suất tiết kiệm tăng mạnh, nhiều ngân hàng đẩy lên trên 8%/năm