Khởi nghiệp chỉ đam mê là chưa đủ
Nhưng với trải nghiệm thương trường và đam mê mạnh mẽ, cô gái ấy chuyển hướng kinh doanh, để xây dựng được thương hiệu thời trang trẻ em Việt Nam quy mô ở phía Bắc và một kế hoạch Nam tiến táo bạo.
Bài học đầu tiên
Khởi sự kinh doanh bằng một cửa hàng thời trang trẻ em tại Hà Nội khi trong tay chỉ có niềm đam mê. Vì không có kiến thức kinh doanh, marketing lại định vị phân khúc khách hàng quá cao nên thất bại. Sản phẩm làm ra không bán được trong khi nhân viên thì vẫn phải trả lương. Khó khăn đến độ có thời điểm cô gái trẻ Nguyễn Hải Yến phải vay nóng bên ngoài để trả lương cho nhân viên.
Tạm đóng cửa hàng kinh doanh thời trang trẻ em, Hải Yến chuyển hướng sang làm gia công cho các đối tác trong và ngoài nước. Nhờ sự cẩn trọng, tỉ mỉ và niềm đam mê với thời trang trẻ em, sau ba năm tích góp số vốn kha khá nhờ vào làm hàng gia công, cô gái trẻ quyết tâm trở lại với thương hiệu thời trang trẻ em của riêng mình. Cuối năm 2015, K’s Closet ra đời.
Trong lần trở lại này, K’s Closet định hình phân khúc phù hợp với đại đa số khách hàng hơn mà vẫn giữ được chất lượng và tính thẩm mỹ. Sản phẩm được sản xuất trên chất liệu có thành phần là cotton phù hợp cho trẻ em ở môi trường khí hậu nóng ẩm của xứ nhiệt đới. Hơn nữa, K’s Closet không chỉ hiểu tính cách, đặc điểm mà còn cả kích thước chuẩn và sự phát triển của trẻ em qua mỗi giai đoạn. Với chiến lược cạnh tranh bằng việc không ngừng sáng tạo mẫu mã đa dạng, dẫn đầu xu hướng, và kinh nghiệm am hiểu hệ thống size số chuẩn của trẻ em thành thị Việt Nam, K’s Closet có tần suất ra mẫu mới cập nhật hằng tuần, với số lượng mẫu mã lớn nhưng vẫn chuẩn kiểu dáng.
Có một điều thú vị ở K’s Closet, 80% khách hàng là những người quan tâm đến phương pháp dạy con hiện đại, có gu thẩm mỹ cao, bắt kịp xu hướng thời trang nhanh chóng. Đó cũng là lý do để K’s Closet liên tục đưa ra mẫu mã mới cho khách hàng. Tính chung, mỗi năm, K’s Closet đưa ra thị trường khoảng 1.000 mẫu mã mới. Với Hải Yến, muốn thành công, ngoài sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, giá cả phải chăng, còn phải bắt kịp xu hướng và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Lớn mạnh nhờ nhượng quyền
Rút kinh nghiệm từ thất bại ngày trước, trong lần quay lại với thị trường thời trang trẻ em Việt Nam, Nguyễn Hải Yến không tự mình làm tất cả các cửa hàng mà tổ chức nhượng quyền thương hiệu. Với chiến lược tập trung vào phân khúc nhà đầu tư nhỏ, với số vốn từ 500-600 triệu đồng, các đối tác đã có thể mở cửa hàng K’s Closet ở các thành phố lớn. Thông qua hình thức hợp tác này, Nguyễn Hải Yến nhanh chóng mở rộng chuỗi cửa hàng K’s Closet tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng. Chỉ chưa đầy ba năm khởi sự kinh doanh với thương hiệu mới, K’s Closet đã xây dựng được chuỗi 40 cửa hàng thời trang trẻ em, trong đó, có 20 cửa hàng tại Hà Nội.
Có ba điều khiến các nhà nhận nhượng quyền vẫn tìm đến với K’s Closet. Đó là lợi nhuận tối ưu (các đại lý nhận được mức chiết khấu khá cao so với mặt bằng chung), các chương trình marketing do K’s Closet thực hiện cho từng điểm bán, và không có hàng tồn.
Trong kinh doanh thời trang, hàng tồn là nỗi ám ảnh của những người làm nghề này. Nhưng tại K’s Closet, việc tồn hàng đã không xảy ra. “Đó là nhờ vòng quay ra mẫu nhanh, với số lượng sản phẩm trên mỗi mẫu không nhiều nên hàng ra đến đâu bán hết đến đó”, Nguyễn Hải Yến chia sẻ.
Không chỉ thế, sự linh động trong nhượng quyền cũng giúp chủ chuỗi cửa hàng thời trang khá đình đám ở Hà Nội này thành công. Đó là khách hàng tại mỗi địa điểm khác nhau sẽ sở hữu những gu thời trang khác nhau. Vì vậy, Hải Yến cho phép các cửa hàng nhận nhượng quyền của K’s Closet được tự do tổ chức hoạt động dựa trên sở thích của khách hàng và đặc điểm dân cư tại đó.
Việt Nam đã mở cửa và thị trường thu hút nhiều thương hiệu nước ngoài. Năm 2018, có 203 thương hiệu nước ngoài, trong đó, 18% là thương hiệu thời trang vào Việt Nam. Hải Yến không cho đây là điều khó khăn. “Có thêm nhiều thương hiệu sẽ có thêm nhiều chọn lựa cho khách hàng. Điều quan trọng không kém là các doanh nghiệp trong nước sẽ có cơ hội nhìn lại mình để hoàn thiện hơn nữa về sản phẩm, chất lượng dịch vụ cũng như quản trị doanh nghiệp để lớn mạnh”, Nguyễn Hải Yến chia sẻ.
Kế hoạch Nam tiến
Cùng với chiến lược phát triển nhượng quyền thương hiệu, Nguyễn Hải Yến đặt mục tiêu tăng chuỗi cửa hàng lên con số 100 trong năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, K’s Closet đang bắt đầu kế hoạch Nam tiến, mà trước tiên là TP.HCM.
Hải Yến cho rằng, thị trường miền Nam rất tiềm năng. Cô tin rằng, K’s Closet sẽ nhanh chóng chiếm được tình cảm khách hàng phía Nam. Bởi thị trường TP.HCM nếu có nhân lực làm dịch vụ tốt thì K’s Closet sẽ phát triển thuận lợi vì thị hiếu tiêu dùng ở đây phù hợp với triết lý kinh doanh của K’s Closet hướng đến trải nghiệm khách hàng.
Hơn nữa, đi cùng với K’s Closet trong kế hoạch Nam tiến là HKK (Hiền Khang Kiệt), doanh nghiệp chuyên phân phối nhượng quyền các thương hiệu thời trang nước ngoài về Việt Nam. HKK được biết đến như một công ty thời trang đi đầu trong phân phối và bán lẻ thời trang thể thao quốc tế trung và cao cấp tại Việt Nam. HKK đã xây dựng hệ thống chuỗi cửa hàng thời trang thể thao rộng khắp khi nắm bắt thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng. Cô tin khi đồng hành với một doanh nghiệp cùng tầm nhìn, chiến lược sẽ nhanh chóng giúp K’s Closet đạt được kết quả như mong muốn.
Trong kế hoạch Nam tiến, nhượng quyền thương mại cũng sẽ được K’s Closet ưu tiên triển khai, để giải quyết khó khăn về mặt bằng mà K’s Closet đang gặp phải. “Nếu đúng theo kế hoạch, đến thời điểm này, K’s Closet phải có 50 điểm trên cả nước nhưng chúng tôi gặp khó khăn về việc tìm kiếm mặt bằng”, Nguyễn Hải Yến cho biết.
Hiện tại, với hơn 130.000 khách hàng sử dụng sản phẩm, cùng hàng nghìn mẫu thiết kế thời trang, chất lượng ra mắt mỗi năm, K’s Closet đang dần khẳng định vị thế của mình trong làng thời trang trẻ em Việt Nam. Hải Yến đặt mục tiêu K’s Closet sẽ trở thành thương hiệu thời trang trẻ em có hệ thống phủ rộng lớn nhất Việt Nam.
Theo: Doanhnhansaigon.vn
TIN CŨ HƠN
- Tự học hỏi từ Mark Zuckerberg, chàng trai trở thành CEO của startup nửa tỷ USD chuyên bán đồ cũ
- Thành startup tỷ USD nhờ bán giày như giao dịch chứng khoán
- Khởi nghiệp bằng 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cà tàng, Chủ tịch Thiên Long Cô Gia Thọ “Tôi lúc nào cũng khao khát để học”
- Từ 7 dòng code, hai anh em xây dựng được đế chế kinh doanh trị giá 35 tỷ USD
- Nữ freelancer xây cộng đồng 35.000 freelancer, kết nối với các doanh nghiệp và dự án, trở thành startup Việt đầu tiên "nắm" trong tay những freelancer "chất phát ngất"
- Startup ống hút cỏ được các shark tranh nhau rót vốn: ‘Từ bỏ mức lương khủng ở ngân hàng để đi làm nông dân khiến cả nhà đứng ngồi không yên’
- Trái lời cha mẹ, quyết bỏ công việc ổn định để khởi nghiệp, chàng nha sỹ trở thành ông chủ startup 2 tỷ USD ở tuổi 37
- Startup ‘Uber xe tải’ - Logivan: ‘Người ta nghĩ một cô gái trẻ, dễ mến như tôi thì làm được gì’
- Founder kiêm CEO Be Group: Tôi khởi sự cùng “be” bởi lòng tự ái của một người Việt Nam và tin rằng “be” sẽ có một chỗ đứng xứng đáng!
- Khởi nghiệp tạo tác động lĩnh vực giáo dục