Không ít ngân hàng công bố lợi nhuận khả quan

Trong 6 tháng đầu năm nay, nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, trong đó nhiều doanh nghiệp (DN) bị thiệt hại nặng nề, khiến ngành ngân hàng (NH) phải chung sức hỗ trợ theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Rủi ro nợ xấu gia tăng cũng đã được phản ánh qua báo cáo tài chính quý II vừa qua, nhưng điều bất ngờ là không ít nhà băng vẫn duy trì lợi nhuận khả quan.

Nợ xấu tăng, lợi nhuận chưa suy suyển

Quán quân lợi nhuận của ngành NH 6 tháng đầu năm vẫn là Vietcombank với lãi sau thuế hơn 8.787 tỷ đồng, chỉ giảm 3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nếu xét riêng quý II thì lãi sau thuế của NH này vẫn tăng gần 6% so với quý II/2019, đạt 4.610 tỷ đồng (số tăng giảm trong quý II và 6 tháng 2020 đều so với cùng kỳ năm 2019). Đáng lưu ý là bất chấp nợ xấu tăng 11% so với đầu năm, đẩy chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gia tăng, Vietcombank vẫn nỗ lực duy trì kết quả lợi nhuận theo kế hoạch đặt ra.

 

Tương tự, BIDV có tổng nợ xấu tăng 17% so với đầu năm, từ 1,75% lên 2%, nhưng lãi ròng quý II vẫn tăng 21%, giúp lợi nhuận lũy kế 6 tháng chỉ giảm 6%. Đáng lưu ý là lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư của NH này riêng trong quý II tăng hơn 3,9 lần và 5,4 lần, đóng góp lớn vào lợi nhuận.

Bất ngờ nhất là Vietinbank, dù tổng nợ xấu cuối tháng 6 tăng đến 48% so với đầu năm, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn gấp 3,5 lần và nợ nghi ngờ tăng 84%, nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý II vẫn giảm đến 47%, tính chung 6 tháng giảm 11%, giúp lãi sau thuế quý II của NH này đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi, lũy kế 6 tháng gần 6.000 tỷ đồng, tăng 39%.

Một loạt NH thương mại cổ phần khác cũng công bố lợi nhuận tăng khả quan, dù áp lực nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng đã gia tăng trong bối cảnh kinh doanh của nhiều DN là khách hàng vay vốn gặp nhiều khó khăn. Điều này giúp các NH này duy trì lợi nhuận theo kế hoạch, cũng như có thêm nguồn lực chuẩn bị đối phó với những thách thức trong giai đoạn tới.

Đơn cử như TPBank, nợ xấu tăng 20% so với đầu năm, lợi nhuận quý II vẫn tăng 34%, lũy kế 6 tháng tăng đến 26%. MBBank có tổng nợ xấu tăng 23% do nợ có khả năng mất vốn gấp 2,7 lần so với đầu năm, nhưng lãi sau thuế quý II và lũy kế 6 tháng vẫn tăng tương ứng 20% và 6%. SHB có tổng nợ xấu tăng 39% so đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý II gấp ba lần so với cùng kỳ, nhưng lãi sau thuế quý II và tính chung 6 tháng vẫn tăng 6% và 2%.

Ngược với xu hướng nợ xấu

Đáng lưu ý là vẫn có một số NH đi ngược xu hướng về nợ xấu. Cụ thể, chất lượng nợ vay của Techcombank có phần cải thiện khi nợ xấu đến cuối tháng 6/2020 giảm 32% so với đầu năm, tuy nhiên chi phí trích lập dự phòng rủi ro quý II và 6 tháng đều tăng vọt, tương ứng gấp 6 lần và 5 lần. Dù vậy, lãi ròng của NH này riêng quý II và lũy kế 6 tháng đều tăng 17%.

4335656-2584-1597114430.jpg
 

Hay như VPBank báo cáo tổng nợ xấu giảm 2% so với đầu năm, giúp tỷ lệ nợ xấu giảm từ 3,42% xuống mức 3,19%. Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý II giảm 17%, giúp lãi sau thuế quý II tăng 44%, lên 2.951 tỷ đồng. Lũy kế lợi nhuận 6 tháng tăng vọt 52%, lên 5.265 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của ngành NH trong quý II nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung có lẽ gây không ít bất ngờ cho nhiều người, khi các dự báo trước đây đều cho rằng ngành NH là một trong những ngành sẽ bị suy giảm nặng nề trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, DN phá sản gia tăng, buộc ngành NH phải giảm, miễn lãi, phí dịch vụ và giảm lãi suất cho vay.

Tuy nhiên, có một số yếu tố sau đã góp phần giúp nhiều NH “co kéo” được lợi nhuận, hóa giải một số thách thức trước mắt. Thông tư 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành từ đầu năm nay, theo đó bên cạnh các giải pháp miễn giảm lãi phí thì Ngân hàng Nhà nước cho phép các NH cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ của những khách hàng chịu ảnh hưởng do đại dịch. Chính sách này giúp nợ xấu các nhà băng không bị tăng vọt trong quý II vừa qua, có thể kéo chìm lợi nhuận.

Chính vì vậy, giới phân tích đều chung nhận định nợ xấu của ngành NH dù đã tăng mạnh trong 6 tháng qua, nhưng vẫn chưa phản ánh đúng chất lượng tài sản của các nhà băng khi mà khách hàng bị ảnh hưởng từ Covid-19 đang nhận được hỗ trợ từ Chính phủ. Do đó rủi ro nợ xấu sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tương lai, theo đó sẽ tác động mạnh lên lợi nhuận trong thời gian tới là điều có thể xảy ra.

 

 

 

Theo: doanhnhansaigon.vn


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật