Kinh doanh số ngành Bất động sản nên bắt đầu từ đâu?

Yếu tố công nghệ đang dần dần làm thay đổi cách thức hoạt động của ngành bất động sản, từ việc tự động hoá về số liệu báo cáo cho đến quản lý và phân tích dữ liệu để tiếp cận đúng khách hàng.

Tuy nhiên, áp dụng như thế nào và nên bắt đầu từ đâu cho đúng vẫn còn là câu hỏi khiến nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản từ nhỏ đến lớn còn khá đau đầu.

Dưới ảnh hưởng của Covid-19, báo cáo của Bộ Xây dựng Quý I/2020 cho thấy lượng sản phẩm giao dịch bất động sản (BĐS) thành công chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019, thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Thống kê cũng chỉ ra 80% Sàn giao dịch BĐS bị ảnh hưởng. Trong số 1.000 doanh nghiệp hoạt động thì khoảng 300 sàn phải đóng cửa, 500 sàn phải tạm dừng hoạt động một phần.

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hoạt động kinh doanh bất động sản trên môi trường online khá đơn giản và chủ yếu được quyết định thông qua các buổi ra mắt dự án, tham quan nhà mẫu, …. Thế nhưng, với tác động của Covid-19, các hoạt động giao dịch mua bán trong lĩnh vực bất động sản gần như đóng băng trong một thời gian dài vì hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giãn cách xã hội. Đây cũng là lúc các doanh nghiệp bắt đầu nhận thấy cơ hội kinh doanh thông qua kênh trực tuyến.

Từ đầu năm 2020, nhiều đơn vị kinh doanh bất động sản lớn đã bắt đầu có những bước chuyển mình khi mở các trang giao dịch bất động sản trực tuyến, các ứng dụng công nghệ tích hợp đa nền tảng nhằm kết nối trực tiếp giữa cả chủ đầu tư lẫn khách hàng thông qua hình thức online. Điểm qua những cái tên này là Sunshine Group, Vinhomes, Gamuda Land, Cengroup, Hưng Thịnh, … Hình thức kinh doanh này không chỉ giúp tìm kiếm khách hàng mà còn giúp đơn vị thu thập dữ liệu quan trọng về hành vi mua, quản lý hiệu quả dự án thông qua phân lớp cho đội ngũ kinh doanh; tạo và quản lý các dự án cũng như việc thanh khoản, theo dõi chi phí các khoản trả trước, … Lượng dữ liệu lớn của khách hàng hay tăng giảm lượng truy cập và giao dịch tuỳ theo thời điểm đẩy bán trên các sàn là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp phải quan tâm hơn đến việc chuẩn bị một hạ tầng công nghệ thông tin có khả năng "co giãn" theo nhu cầu. 

Trao đổi về mô hình chuyển đổi số của Tập đoàn Hưng Thịnh, đơn vị này cho biết, Tập đoàn sẽ đổi mới và xây dựng hệ sinh thái gồm đầu tư và phát triển các loại hình kinh doanh BĐS, xây dựng, công nghệ PropTech và Fintech, kinh doanh trên nền tảng số, …. Chính vì vậy, việc đầu tiên đơn vị này cần thực hiện là chuyển đổi hoàn toàn hệ thống hạ tầng máy chủ vật lý sang môi trường điện toán đám mây CMC Cloud (Private Cloud VMWare).

Mô hình kiến trúc hệ thống Private Cloud

Lời khuyên của đơn vị này cho doanh nghiệp - đặc biệt là lĩnh vực bất động sản là cần xác định rõ về chiến lược kinh doanh trên môi trường số. Cụ thể là dự tính được quy mô, dung lượng lưu trữ, mức độ phát triển của dữ liệu, ứng dụng, hệ sinh thái dự kiến phát triển, đánh giá về hiệu năng hệ thống máy chủ vật lý hiện tại và trình độ chuyên môn của nhân sự. Không nên chạy theo việc phát triển các ứng dụng, sàn giao dịch khi chưa hoạch định rõ quy mô phát triển. Đối với các đơn vị trung gian, sàn giao dịch nhỏ lẻ có thể bắt đầu từ việc lựa chọn lưu trữ dữ liệu trên cloud server. Còn đối với các đơn vị kinh doanh bất động sản lớn cần tích hợp hệ thống dữ liệu lớn, chuyển đổi hoàn toàn hệ thống thì cần xem xét thêm cả vấn đề về hệ thống lưu trữ dữ liệu (tại các trung tâm dữ liệu hay thuê server, chỗ đặt máy chủ), đường truyền kết nối, ứng dụng ERP, Contact center, … để chọn lựa cấu hình hệ thống Private Cloud tối ưu nhất.

So sánh về hệ thống Server Vật Lý và Mô hình Điện toán đám mây

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật