Lãi suất huy động tiếp tục tăng
Khảo sát của chúng tôi cho thấy, lãi suất huy động tại Ngân hàng VPBank đang áp dụng lãi suất 5,1 - 5,2%/năm cho kỳ hạn 1 tháng (tuỳ lượng tiền gửi), và nếu gửi online còn được cộng thêm 0,1% nữa, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với biểu lãi suất áp dụng trong tháng 10. Các kỳ hạn khác cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,1 điểm % với mức lãi suất cao nhất hiện là 7,3%/năm.
Ngoài ra, ngân hàng này còn công bố triển khai thêm chương trình ngày vàng huy động để cộng thêm lãi suất cho khách hàng gửi tiền từ 6 tháng đến 1 năm, mức cộng từ 0,3 cho đến 0,5% so với biểu lãi suất tham chiếu là ngày 14/11, theo đó lãi suất 6 tháng đến 11 tháng lên tới 7,5%/năm và 12 tháng là 7,6%/năm. Ngân hàng lý giải, việc áp dụng lãi suất này là nhằm thúc đẩy nguồn huy động vốn của bản thân ngân hàng cũng như hút khách đến gửi tiền.
Tại ngân hàng OCB, từ ngày 10/11 cũng thay đổi biểu lãi suất theo hướng tăng 0,1 - 0,2 điểm phần trăm, với mức lãi suất cao nhất đang áp dụng là 7,7% cho kỳ hạn 36 tháng.
Trước đó cuối tháng 10, Techcombank cũng tăng nhẹ 0,1 điểm% lãi suất ở một số kỳ hạn, với kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng dao động từ 4,8 - 5,2%/năm; kỳ hạn 6 - 11 tháng là 6 - 6,2%/năm và cao nhất là 7,1%/năm cho các khoản tiền gửi trên 12 tháng.
Ở các ngân hàng khác lãi suất duy trì khá cao, đặc biệt là nhóm ngân hàng nhỏ. Các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng đang được họ huy động từ 5,2-5,5%/năm còn kỳ hạn dài cao nhất hiện là hơn 8%/năm. Mức lãi suất cao nhất hệ thống đang nằm trong tay các ngân hàng như NCB, Viet Captial Bank, Nam Á... Đáng chú ý hầu hết đều phân chia theo hạn mức tiền gửi, càng gửi nhiều tiền thì lãi suất càng tốt hơn và nếu là khách hàng ưu tiên (VIP) thì còn tiếp tục được cộng thêm nữa.
Trong nhóm big4 ngân hàng thương mại Nhà nước, lãi suất của BIDV đang ở mức hấp dẫn hơn cả khi huy động kỳ hạn 1-6 tháng là 4,5-5%/năm; 6 tháng ở mức 5,5% và 12 tháng trở lên là 6,8-6,9%/năm. Một số điểm giao dịch của ngân hàng còn có chương trình khuyến mại riêng cho khách gửi tiền tuỳ thuộc nhu cầu kinh doanh của chi nhánh.
Mức lãi suất của BIDV cũng cao hơn 0,1 đến 0,3 điểm % so với của Vietcombank. Hiện ngân hàng kinh doanh tốt nhất hệ thống có lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng từ 4,4 - 4,8%/năm và kỳ hạn cao nhất là được 6,6%/năm.
Ở nhóm ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài lãi suất huy động hiện nay cũng có mặt bằng cao đáng kể so với các tháng trước và cũng cao hơn mức trung bình của các ngân hàng trong nước. Chẳng hạn Indovina - ngân hàng liên doanh đầu tiên có mặt tại Việt Nam - lãi suất huy động từ 1 đến dưới 6 tháng đang là 4,8-5,4%/năm còn trên 1 năm có lãi suất 7,5 - 7,8%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, sau một thời gian hạ nhiệt thì từ cuối tháng 10 tới nay lãi suất vay mượn giữa các ngân hàng cũng được đẩy lên rất cao, với qua đêm và 1 tuần hiện tới 4,73%/năm còn 1 tháng là 5%/năm - cao hơn cả lãi suất của nhóm Big4 huy động từ dân cư. Không chỉ lãi suất cao mà doanh số giao dịch các phiên cũng rất lớn, như phiên gần nhất theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước là ngày 15/11 ghi nhận có tới hơn 44.000 tỷ bằng VND được giao dịch, trong khi trước đây như thời điểm tháng 8 và tháng 9 doanh số cao cũng chỉ ở quanh mức 30.000 tỷ/phiên.
Bên cạnh đó, lãi suất huy động tăng cũng là điều khó tránh khỏi trong bối cảnh nhiều ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn dài hạn lên cao để đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ 1/1/2019.
Theo: Trí thức trẻ
TIN CŨ HƠN
- Lãi suất tăng, khách gửi tiền hưởng lợi
- Lượng tiền gửi tại 3 "ông lớn" ngân hàng lớn cỡ nào?
- Dồn dập tin vui đến với các ngân hàng
- Chính sách tiền tệ chuyển nhịp điều tiết
- Biến động tỷ giá và gánh nặng thuế là hai nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp
- VND mất giá ít hơn so với nhiều nước châu Á nhờ sự vững chắc của nền tảng vĩ mô
- Vì sao các "ông lớn" ngân hàng lại gấp gáp tăng lãi suất huy động?
- Giải bài toán dịch vụ ngân hàng: Khách hàng cũng hãy là người tiêu dùng thông minh
- Thông tư 13/2018/TT-NHNN – Đâu là các thay đổi và tác động?
- Ngân hàng dễ bị mất quyền đòi nợ khi định giá khoản nợ bằng giá trị tài sản bảo đảm