Làm thế nào để duy trì “sức đề kháng” của doanh nghiệp BĐS?

Dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đề xuất những phương án có thể hỗ trợ doanh nghiệp BĐS nhằm duy trì “sức đề kháng”, vượt qua dịch thành công.

Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, biện pháp kích cầu kinh tế chỉ thực sự làm tốt vai trò của nó khi giúp doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng để đóng thuế và duy trì sức đề kháng. Khi Covid-19 qua đi, dư âm của dịch bệnh và sức đề kháng của doanh nghiệp để họ phát triển trở lại mới là những câu chuyện chính.

Giảm thuế, gia hạn thuế cho doanh nghiệp BĐS

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính phủ nên dành riêng lối đi nào cho thị trường BĐS. Bởi BÐS là lĩnh vực liên quan đến nhiều ngành nghề kinh doanh khác và là một trong những đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tháo gỡ cho lĩnh vực này sẽ góp phần lan tỏa rất lớn. Việc cần làm là sớm triển khai nguồn hỗ trợ đến các doanh nghiệp BĐS.

Hiệp hội BĐS Tp.HCM đề xuất với Chính phủ cần xem xét gia hạn 5 tháng đối với tiền thuế GTGT của các tháng 03-06/2020 vào dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có doanh nghiệp BĐS. Đồng thời, đề nghị giãn tiến độ quyết toán thuế thu nhập cá nhân năm 2019; không xử phạt các doanh nghiệp và các cá nhân nộp chậm quyết toán thuế; mở rộng diện được miễn giảm thuế để hỗ trợ các hộ gia đình đang chịu tác động nặng nề của đại dịch.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, thực tế cho thấy, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những thách thức rất to lớn đối với ngành BĐS. Vì thế rất cần thiết, bổ sung doanh nghiệp BĐS thuộc đối tượng xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, đề nghị xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp các sắc thuế nêu trên cho doanh nghiệp BĐS 1 năm, thay vì 5 tháng.

 

Kiến nghị của Hiệp hội BĐS Việt Nam

- Bổ sung DN BĐS thuộc đối tượng xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cụ thể, các DN BĐS được giãn thời hạn nộp các loại thuế GTGT, tiền thuê đất.

- Bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ trong đó có các doanh nghiệp BĐS.

- Đề nghị xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp các sắc thuế nêu trên cho DN BĐS 1 năm, thay vì 5 tháng.

 

Còn theo ông Sử Ngọc Khương, việc giảm thuế có thể tác động tích cực với các doanh nghiệp có lợi nhuận; nhưng không có tác dụng hiệu quả với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Biện pháp kích cầu kinh tế chỉ thực sự làm tốt vai trò của nó khi giúp doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng để đóng thuế và duy trì sức đề kháng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng yêu cầu trong tháng 4, Tổng cục Thuế chủ trì phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện nghị quyết xử lý nợ tại Tổng cục Thuế, do tổng cục trưởng làm trưởng ban. Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hoàn thiện dự thảo thông tư về hồ sơ và trình tự thủ tục khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, ban hành trước ngày 15/5.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tổng tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý hiện đang rơi vào khoảng hơn 80.000 tỉ đồng. Tỷ lệ nợ trên tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý ở mức 6,3%. Trong đó, nợ không còn khả năng thu hồi là 40.228 tỉ đồng.

Cần có gói ưu đãi lâu dài cho người mua nhà

 

Theo ông Nguyễn Trần Nam, bên cạnh gói hỗ trợ tổng thể của Chính phủ, Bộ đang tập hợp ý kiến của các bên để đề xuất các giải pháp hỗ trợ riêng cho BÐS. Trong đó, nghiên cứu đề xuất tăng cường, bổ sung thêm vốn cho nhà ở xã hội, tương tự như gói 30 nghìn tỷ đồng trước đây; đề xuất ngân hàng chính sách và thương mại được cấp bù lãi suất và khi nhà ở xã hội phát triển, sẽ thúc đẩy các thị trường khác, góp phần duy trì sự ổn định của thị trường BÐS.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho hat, bài toán khó nhất của thị trường BĐS hiện nay vẫn là sự lệch pha về cung-cầu chưa được tháo gỡ do khủng hoảng pháp lý kéo dài trong khi nhu cầu ở vẫn tăng trưởng mạnh tại các thành phố lớn. Trong hoàn cảnh dịch bệnh kéo dài, tác động nặng nề đến các lĩnh vực kinh tế khác nhau với dự báo khoảng 70% doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn lớn trong việc duy trì hoạt động. Doanh thu giảm, thu nhập người lao động giảm sẽ kéo theo nhu cầu tiêu dùng, mua sắm giảm.

Muốn kích cầu BĐS trong thời điểm hiện tại, đặc biệt hướng đến đối tượng mua nhà để ở cần các gói ưu đãi lãi suất cho người mua nhà trong dài hạn. Đồng thời, cần thúc đẩy hướng đến cơ chế chính sách thông thoáng hơn, qua đó tạo động lực cho nền kinh tế hồi phục, niềm tin người dân được củng cố và thị trường BĐS sẽ khởi sắc trở lại.

Theo các chuyên gia trong ngành, hiện nay thị trường BĐS đang có hiện tượng “khủng hoảng thiếu”, nhu cầu rất lớn, nhưng nguồn cung lại hạn chế. Với bối cảnh hiện nay, thị trường BĐS phải đề phòng trường hợp “khó khăn chồng khó khăn” trong khi cơ chế chính sách chưa được hỗ trợ, nguồn cung vẫn sụt giảm rất dễ dẫn đến kịch bản khủng hoảng sẽ lặp lại.

Tiếp tục tháo gỡ nút thắt pháp lý cho doanh nghiệp

Theo ông Sử Ngọc Khương, trong giai đoạn dịch bệnh và trong bất kỳ giai đoạn nào khác, khó khăn trọng tâm vẫn nằm chủ yếu ở các vấn đề pháp lý.

Theo các chuyên gia, BĐS vẫn là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của cả nước. Việc tồn đọng hiện tại chủ yếu là về mặt thủ tục pháp lý, nên sớm hay muộn thì Nhà nước sẽ có những biện pháp tháo gỡ để giúp các doanh nghiệp có lối mở. Điều này sẽ giúp cho thị trường chuyển biến tốt hơn, nền kinh tế cũng sẽ có sự phát triển trở lại.

Ông Neil Macgregor, Tổng giám đốc Công ty Savills Việt Nam cho biết hai năm qua, nhu cầu bất động sản ở Việt Nam vẫn rất cao, nên các công ty BĐS không gặp vấn đề ở khía cạnh cầu. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của các nhà phát triển BĐS Việt Nam hiện nay nằm ở nút thắt mang tên nguồn cung. “Bên cạnh vấn đề vay vốn, tiếp cận quỹ đất và áp lực mở bán dự án thành công, thách thức nổi bật với các doanh nghiệp là nhận được giấy phép dự án. Nút thắt về thủ tục hành chính cần được tháo gỡ”, ông Neil nhấn mạnh.

Những người trong cuộc đều cho rằng, nếu tháo được nút thắt về pháp lý thì nguồn cung trên thị trường sẽ dồi dào trở lại. Sự khan hiếm hiện nay chỉ là tạm thời, dịch bệnh cũng chỉ trong ngắn hạn, rồi sẽ được kiểm soát. Nút thắt pháp lý mới là việc cần làm thường xuyên và liên tục, giúp thị trường BĐS ổn định trở lại.

 

Hạ Vy

Theo: Nhịp sống kinh tế


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật