Liên tiếp đón “tin vui”, thị trường bất động sản sẽ sớm khởi sắc?

Hai gói tín dụng của Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước đưa ra, cùng với động thái giảm lãi suất của các ngân hàng được kỳ vọng giải được bài toán về nguồn vốn cho thị trường bất động sản. Từ đó, thị trường sẽ có động lực để hồi phục và phát triển trở lại.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ bố trí gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng theo phương thức tái cấp vốn (giống gói 30.000 tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay. Cùng đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: "Chúng tôi sẽ thông báo cho các ngân hàng khác nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn. Trong quá trình triển khai, nếu các ngân hàng tham gia mà bị thiếu hụt về thanh khoản thì NHNN sẵn sàng tái cấp vốn cho để triển khai tiếp”.

Đồng thời, bà Hồng cho biết, về lãi suất, NHNN đang cố gắng điều hành, điều tiết tiền tệ, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để làm sao cố gắng giảm mặt bằng lãi suất.

Trước đó, nhiều ngân hàng đã có động thái giảm lãi suất huy động nhằm hạ lãi suất cho vay. Cụ thể, ngay sau Tết Nguyên đán, lãi suất gửi tiết kiệm tại nhiều ngân hàng đã hạ nhiệt. Trên các website chính thức của ngân hàng, hiện không còn ngân hàng nào công bố mức trên 10%/năm. Chẳng hạn, SaigonBank một thời gian dài giữ mức huy động cao nhất thị trường là 10,5% cho kỳ hạn 12 tháng đã hạ xuống còn 9,5%. CBBank, OceanBank,... cũng đã điều chỉnh lãi suất cao nhất xuống mức 9,5%/năm.

Mới đây, Agribank đã có thông báo giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Theo đó, những khách hàng có dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1/2023 gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid 19 hoặc do ảnh hưởng bởi kinh tế vĩ mô sẽ được xem xét áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất. Cụ thể, khoản vay kinh doanh bất động sản có thể được điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3%/năm so với lãi suất cho vay đang áp dụng nhưng không thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường theo quy định của Agribank trong từng thời kỳ.

Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản (8/2), ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết: “Ngay trước cuộc họp này, Tổng Giám đốc các ngân hàng thương mại đã nhóm họp và thống nhất giảm lãi suất huy động nhằm giảm lãi suất cho vay nói chung và giảm lãi suất cho vay bất động sản nói riêng”.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trong quá khứ, năm 2013 gói 30.000 tỷ đồng ra đời nhằm phát triển nhà ở xã hội và cho người mua nhà được vay với mức lãi suất ưu đãi đã vực lại thị trường bất động sản thành công. Do đó, hiện nay, với quy mô thị trường đã lớn hơn trước nên Bộ Xây dựng đề xuất gói 110.000 tỷ đồng với mục đích tương tự như trước đó nhằm kích thích lại thanh khoản, khơi thông nguồn vốn cho thị trường, cụ thể là phân khúc nhà ở giá rẻ.

“Còn gói 120.000 tỷ đồng của NHNN dự kiến đưa ra thị trường cho các dự án có nhu cầu cấp thiết và người mua nhà, áp dụng với đối tượng có thể rộng hơn. Về bản chất hai gói tín dụng này chung mục đích là hỗ trợ thị trường bất động sản”, vị này nói.

Cùng đó, Chủ tịch VARS cho rằng, thời gian qua, lãi suất neo cao khiến chi phí đầu vào tăng kéo theo nhà ở lên giá. Do đó, những động thái từ vĩ mô đang cho thấy sự hỗ trợ kịp thời về dòng tiền cho thị trường bất động sản.

“Hai vấn đề về nguồn vốn và lãi suất hạ chắc chắn sẽ kích thích được thị trường phát triển tốt trở lại nhưng theo hướng bền vững, lành mạnh. Các doanh nghiệp muốn được hỗ trợ phải chọn đúng dòng sản phẩm trọng tâm và có pháp lý rõ ràng. Gói tín dụng đưa vào thị trường sẽ có sự kiểm soát chặt, nhắm đúng phân khúc và phân nhóm đối tượng chứ không bơm ra một cách tràn lan”, ông Đính khẳng định.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, những động thái từ Bộ Xây dựng và NHNN đều mang tính đột phá, như “đốm lửa” hâm nóng thị trường bất động sản trở lại, giữa bối cảnh ảm đạm.

“Tôi cho rằng, hai gói tín dụng này ra đời làm cho doanh nghiệp có lòng tin và động lực để phát triển. Phân khúc nhà ở xã hội rất quan trọng, khi có dòng vốn và được hỗ trợ lãi suất tốt chắc chắn các chủ đầu tư sẽ phát triển mạnh dòng sản phẩm này. Từ đó, nguồn cung ra thị trường sẽ nhiều hơn làm cho giá nhà trở nên dễ chịu”, ông Điệp nói.

Theo ông Điệp, việc giảm lãi suất nhiều hay ít còn phụ thuộc và tình hình kinh tế, vĩ mô. Tuy nhiên, những động thái hạ lãi suất gần đây đã là tin vui cho thị trường bất động sản. “Nếu hai gói tín dụng đều sớm đưa ra được thị trường, cộng với việc hạ lãi suất có thể đến nửa cuối năm thị trường sẽ hồi phục và phát triển ổn định trở lại. Bởi bản chất thị trường vẫn tốt, sức cầu đang rất lớn, chỉ cần gỡ vướng nhanh các nút thắt”, ông Điệp nhận định.

Còn ông Nguyễn Văn Đính cho rằng: “Theo tôi, vấn đề về dòng vốn đã có tín hiệu tích cực. Còn vấn đề về chính sách cần được tháo gỡ nhanh để các dự án có thể sớm đưa vào triển khai. Từ đó, sẽ tạo được nguồn cung dồi dào cho thị trường bất động sản”.

Minh Tâm

Nhịp sống thị trường

 


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật