Lợi nhuận ngân hàng Việt tiếp tục "khác lạ"
Đầu năm 2018, khi tiếp xúc với báo chí, ông Lưu Trung Thái - Tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB) có hỏi ngược lại các phóng viên: có điểm gì khác lạ trong báo cáo lợi nhuận các ngân hàng những quý gần đây?
"Chất lượng chiều sâu"
Khi đó, Tổng giám đốc MB trả lời câu hỏi trên rằng: tại nhiều ngân hàng thương mại, mặc dù tăng trưởng tổng tài sản, tăng trưởng tín dụng phổ biến dưới 20%, nhưng tăng trưởng lợi nhuận lên tới 40-50%, thậm chí có những trường hợp 60-100%...
Theo ông Lưu Trung Thái, về phát triển lâu dài, rất khó để lợi nhuận ngân hàng tạo được mức tăng trưởng cao cấp nhiều lần so với tín dụng và tổng tài sản. Và mỗi thành viên sẽ phải xác định, có những giải pháp để tạo lợi nhuận tăng trưởng một cách hợp lý.
Với nhiều thành viên đã công bố, nửa đầu năm nay hệ thống ngân hàng Việt Nam tiếp tục đón nhận sự "khác lạ" trên. Đã có nhiều trường hợp có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao vượt trội so với các chỉ tiêu nền tảng khác.
Sau loạt thành viên có quy mô nhỏ hơn công bố đã đạt lợi nhuận với mức tăng trưởng tính bằng lần nửa đầu 2018, những thành viên lớn như MB, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng đã công bố với mức tăng trưởng cao, tương ứng 52% và 34% so với cùng kỳ 2017.
Trong lần tiếp xúc đó, ông Lưu Trung Thái cũng đã lý giải trước các cơ sở để MB tiếp tục gia tăng lợi nhuận, nhưng không hẳn tập trung ở lõi ngân hàng mẹ và tín dụng truyền thống. Mà MB có các công ty vệ tinh, trong lĩnh vực bảo hiểm, chứng khoán, tín dụng tiêu dùng, bất động sản… Và nửa đầu năm nay nhóm vệ tinh này đã có đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng trên.
Tại VPBank, Tổng giám đốc Nguyễn Đức Vinh cũng cho rằng, nếu nhìn vào tăng trưởng tín dụng của ngân hàng khá thấp với 6,8%, hay nhìn vào tăng trưởng tổng thu nhập dù khá cao với 28%, thì thấy lợi nhuận tăng trưởng cao hơn hẳn với 34% cho thấy chất lượng hoạt động ngân hàng đi theo chiều sâu hơn.
Dù VPBank đang sở hữu các giới hạn thuận lợi để tiếp tục mở rộng kinh doanh, như tỷ lệ cho vay so với huy động chỉ 73%, vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn chỉ 29,3%, tỷ lệ an toàn vốn lên tới 13,2%, nhưng lượng không thể đẩy cao mãi, nên ngân hàng sẽ phải thúc đẩy hơn nữa chiều sâu chất lượng hoạt động.
Số hóa giảm chi phí
Trước hết, chất lượng hoạt động ngân hàng được chú ý nhất ở tín dụng. Xu hướng nợ xấu giảm đã thể hiện ở các kỳ cập nhật tổng thể từ Ngân hàng Nhà nước. Báo cáo từ một số thành viên cũng có kết quả khả quan.
Tại Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), sau năm 2017 xử lý được hơn 15.000 tỷ nợ xấu, nửa đầu 2018 tiếp tục thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng; nợ xấu cuối năm 2017 là 4,28%, hiện đã giảm xuống còn 3,3% và dự kiến sẽ giảm xuống dưới 3% vào cuối năm 2018.
Hay tại VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, tổng lượng nợ xấu đã bán cho VAMC những năm qua vào khoảng 7.000 tỷ đồng, nhưng hiện số dư chỉ còn khoảng 4.000 tỷ. Theo đó, nợ xấu không có nghĩa bị mất đi, mà lượng thu hồi được thời gian qua là đáng kể, giúp cải thiện chất lượng hoạt động.
Cũng tại VPBank, có một chuyển động đáng chú ý đổi với ngành ngân hàng nói chung, và có thể sẽ nổi bật hơn nữa trong tương lai: số hóa đang thay thế dần nhân sự và chi phí nhân sự, giúp giảm thiểu chi phí hoạt động.
Khoảng một năm trước, ông Vinh nói với VnEconomy rằng, ngân hàng số sẽ là xu hướng nhưng ở VPBank chủ yếu mới chỉ tập trung cho hình ảnh và phục vụ khách hàng, chứ chưa đóng góp lớn về lợi nhuận. Nhưng, chuyển động đang nhanh chóng.
Sau một năm tính đến 6/2018, tại đây, số lượng khách hàng dùng ngân hàng số đã tăng gấp đôi, từ 401 nghìn khách lên 832 nghìn khách; số lượng giao dịch tăng từ khoảng 1 triệu lên hơn 2 triệu; số dư huy động trực tuyến chỉ khoảng 5.000 tỷ hiện đã lên tới 10.897 tỷ đồng…
"Nửa đầu năm nay chúng tôi gặp những vấn đề nhất định trong tăng trưởng của FE Credit và nợ xấu tại đây, chủ yếu do nhiều nhân sự ngạch xử lý nợ bị đối thủ thu hút và chuyển việc. Vấn đề này đang được khắc phục. Nhưng VPBank không chỉ có FE Credit, mà hoạt động ngân hàng đang tạo hướng mở rộng, cân đối để toàn hệ thống đạt được kế hoạch lợi nhuận cả năm", Tổng giám đốc VPBank nói.
Như trên, xu hướng mở rộng ngân hàng số, hiện đại hóa hoạt động đã và đang giúp tăng chất lượng và giảm thiểu chi phí. Ông Vinh cho biết, riêng khía cạnh này, ước tính năm nay VPBank giảm được tới 700 tỷ đồng chi phí vận hành. Và ngân hàng sẽ mở rộng thêm 14 chi nhánh mà gần như không tuyển thêm nhân sự mới do cân đối được từ trợ lực của công nghệ, số hóa…
Giảm thiểu được chi phí hoạt động cũng chính là một trong những nguyên nhân góp phần thúc đẩy lợi nhuận ngân hàng. Điểm này dễ thấy ở nỗ lực của nhiều thành viên, mà số hóa đang là một xu hướng, một vận động mới.
Như tại VPBank, tỷ lệ chi phí trên tổng thu nhập (CIR) đã giảm được từ 35,54% cuối 2017 xuống 32,31% nửa đầu năm nay. Hay tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), CIR ở mức khá cao với 43% đầu năm nay đến cuối quý 2/2018 cũng đã giảm được xuống còn 41%.
Tại thành viên có các chỉ số kinh doanh hiệu quả nhất hệ thống trong năm 2017 là Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), tỷ lệ CIR cũng cho thấy ở mức rất thấp, chỉ khoảng 29%.
Dự kiến ngày 24/7, Techcombank sẽ họp báo công bố kết quả kinh doanh 6 tháng 2018. Đây cũng là thành viên được chú ý những kỳ công bố gần đây, ở vị trí nhóm đầu lợi nhuận và những cách thúc đẩy lợi nhuận.
TIN CŨ HƠN
- Vì sao NHNN phải nhắc nhở các ngân hàng về tăng trưởng tín dụng?
- Bắt tay với nhiều “đại gia” Fintech cùng hàng chục ngân hàng lớn nhỏ tại Việt Nam, NAPAS thu về hàng trăm tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm
- Lợi nhuận tăng mạnh 6 tháng đầu 2018, ngành ngân hàng vẫn còn nhiều thách thức
- Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bán ra ngoại tệ
- Hai ngân hàng lớn nhất Việt Nam đang bỏ trống ghế chủ tịch
- Thanh khoản ngân hàng dồi dào do đâu?
- Đua nhau hút vốn: Mỗi ngân hàng một cách
- Bộ Tài chính được quyết lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ quốc tế
- Tỷ giá tăng: Bất lợi cho nhập khẩu, khó khăn cho kiểm soát lạm phát
- Cẩn trọng khi tỷ giá tiếp tục tăng