Ngân hàng lãi đậm kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư trong năm 2020
Năm 2020 kết thúc. Các ngân hàng cũng đang lần lượt công bố kết quả kinh doanh sau một năm đầy khó khăn và thách thức.
Trong khi mảng tín dụng của nhiều nhà băng có dấu hiệu bị co hẹp lại ít nhiều do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thì lợi nhuận của nhiều thành viên lại được bù đắp bởi các hoạt động kinh doanh phi tín dụng, trong đó nổi bật là kinh doanh ngoại hối và chứng khoán đầu tư.
Cơ cấu chứng khoán đầu tư của các ngân hàng bao gồm các loại giấy tờ có giá, trong đó chủ yếu là chứng khoán nợ bao gồm trái phiếu, tín phiếu, và các công cụ phái sinh có rủi ro thấp.
Trái phiếu thường là loại giấy tờ có giá trị lớn trong danh mục chứng khoán đầu tư của các ngân hàng, được phát hành bởi Chính phủ, doanh nghiệp hay các tổ chức tín dụng.
Trong đó trái phiếu doanh nghiệp thường có lãi suất cao hơn, độ rủi ro cũng lớn hơn trong khi trái phiếu chính phủ và trái phiếu của các TCTD lãi suất thấp, nhưng ngược lại, độ rủi ro cũng thấp hơn nhiều.
Trong năm qua, LienVietPostBank là một trong những ngân hàng ghi nhận sự bùng nổ lợi nhuận từ chứng khoán đầu tư khi đảo ngược từ vị thế lỗ 54 tỷ trong năm 2019 thành mức lãi 138 tỷ đồng năm 2020. Dù tỷ trọng của mảng chứng khoán đầu tư trong tổng thu nhập của ngân hàng còn khá khiêm tốn (1,8%) nhưng cũng cho thấy những tín hiệu khả quan.
Được biết, đến cuối tháng 12/2020, tổng giá trị chứng khoán đầu tư của LienVietPostBank ở mức 33.360 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm, trong đó, trái phiếu Chính phủ chiếm tỷ trọng tới 70%, trái phiếu do các TCTD khác phát hành chiếm 27%, còn lại là trái phiếu doanh nghiệp.
Xếp sau LienVietPostBank, ACB ghi nhận tăng trưởng lãi từ chứng khoán đầu tư tới 14 lần, từ 54 tỷ đồng năm 2019 lên 732 tỷ đồng năm 2020. Đến cuối năm 2020, ngân hàng có gần 64.400 tỷ đồng chứng khoán đầu tư, tăng 13,3% so với đầu năm, tuy nhiên, chi tiết các khoản mục không được công bố.
NCB cũng ghi nhận tăng trưởng lãi từ đầu tư chứng khoán tới 5 lần, đạt 159 tỷ đồng, PGBank tăng 3 lần, VietBank tăng 2,7 lần…
Cuối năm 2020, VietBank đang có 27.537 tỷ đồng giá trị chứng khoán đầu tư, gấp tới 2,6 lần so với đầu năm, với 5.141 tỷ đồng chứng khoán nợ sẵn sàng để bán và 22.396 tỷ đồng chứng khoán giữ đến ngày đáo hạn.
Bên cạnh chứng khoán đầu tư, hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng ghi nhận sự bùng nổ tại các nhà băng trong năm qua.
Khảo sát của BizLIVE tại 15 ngân hàng đã công bố BCTC quý 4/2020 cho thấy, có tới 11 ngân hàng báo lợi nhuận tăng, với mức tăng được tính bằng "lần".
Trong đó, TPBank là một trong những ngân hàng ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng mạnh nhất trong kỳ qua với mức tăng tới 9,5 lần, từ 43 tỷ đồng trong năm 2019 lên 408 tỷ đồng năm nay, chiếm 3,9% tổng thu nhập, so với tỷ trọng chỉ 0,5% trong năm trước.
Tương tự, SeABank cũng ghi nhận lợi nhuận kinh doanh ngoại hối tăng đột biến từ 10 tỷ lên 74 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng tới 7,4 lần.
Tại NCB, lợi nhuận từ mảng này cũng tăng vọt lên 13,6 tỷ đồng, so với mức lỗ 3 tỷ đồng cùng kỳ.
Các ngân hàng khác như VIB, ACB, Sacombank cũng ghi nhận lợi nhuận mảng kinh doanh ngoại hối tăng trưởng tốt với mức tăng từ vài chục %.
Về giá trị tuyệt đối, Vietcombank đang là ngân hàng đứng đầu trong nhóm khảo sát với việc đạt 3.906 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ kinh doanh ngoại hối, tăng trưởng 15,6% so với năm trước và chiếm 8% tổng thu nhập hoạt động của nhà băng.
Trong mảng kinh doanh ngoại hối, phần lớn lãi thuần đến từ hoạt động mua bán ngoại tệ giao ngay, tức nguồn thu nhập đến từ chênh lệch giữa giá mua vào và giá bán ra.
Trong năm qua, dù tỷ giá không có nhiều quãng biến động nhưng chênh giá mua - bán được doãng rộng lên tới khoảng 200 VND, thay vì chỉ chênh 90-120 VND cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận của nhà băng theo đó cũng tăng cao.
Trong khi đó, về lượng, nhu cầu và quy mô giao dịch ngoại tệ của nền kinh tế ngày càng mở rộng, được thể hiện cụ thể qua tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước đạt gần 544 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước.
Mặc khác, trong năm 2020, một số tính toán cập nhật gần đây ước tính NHNN đã mua vào lượng lớn ngoại tệ, nâng dự trữ ngoại hối lên trên mức 93 tỷ USD. Quy mô này đồng nghĩa với lượng bán lại, giao dịch qua các ngân hàng thương mại với vai trò trung gian và nắm chênh lệch đáng kể.
Bizlive
TIN CŨ HƠN
- TP.HCM kiến nghị khẩn với Ngân hàng Nhà nước
- Ngân hàng trù tính thế nào với năm 2021?
- Động lực nào cho tăng trưởng tín dụng năm 2021?
- Bước đệm lợi nhuận cho ngân hàng năm 2021
- Kịch bản nào cho ngành ngân hàng Việt Nam năm 2021?
- Năm 2021, gửi tiền tiết kiệm ngân hàng nào lãi suất cao?
- Điểm mặt các ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất cuối năm 2020
- Tăng trưởng tín dụng đến 21/12 đạt 10,14%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã vượt 2%
- CEO HSBC Việt Nam: Năm 2021 Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư sáng giá trong khu vực
- Tín dụng ngân hàng tăng tốc dịp cuối năm