Ngân hàng Việt đẩy mạnh mảng bán lẻ và số hóa

Tiềm năng cho ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam vẫn còn rất lớn. Để có thể "chiến thắng" trong cuộc đua ngân hàng bán lẻ, công nghệ số sẽ là yếu tố then chốt, giúp nhà băng mở rộng thị trường, nâng cao năng lực phục vụ khách hàng.

Theo thống kê, dư nợ cá nhân hộ tiêu dùng trên GDP ở Việt Nam khoảng 30%, thấp hơn nhiều so với Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc. Ở Việt Nam chỉ có khoảng 8-10% dân số có thẻ tín dụng, trong khi ở Singapore tỉ lệ này là 95%...

Theo nhận định của Chứng khoán Mirae Asset, Việt Nam còn dư địa phát triển mảng bán lẻ rất lớn so với các nước trong khu vực. Đây vừa là cơ hội, vừa là thử thách để các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành ngân hàng chinh phục thị trường bằng lợi thế riêng có của mình.

Tại mùa đại hội cổ đông thường niên vừa qua, nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết sẽ đẩy mạnh mảng bán lẻ trong thời gian tới để cải thiện khả năng sinh lời cho ngân hàng.

Ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, để cải thiện NIM trong năm 2022 và trong thời gian tới, VietinBank sẽ tiếp tục sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tối ưu và nâng cao hiệu quả cân đối vốn thông qua chuyển dịch tích cực cơ cấu dư nợ cho vay sang các phân khúc sinh lời cao là khách hàng vừa và nhỏ và Bán lẻ; chuyển dịch tích cực cơ cấu thu nhập, tăng tỷ trọng thu ngoài lãi.

Tương tự tại ABBank, lãnh đạo nhà băng này nhấn mạnh, sau khi tái cơ cấu tổ chức, sẽ đẩy mạnh mảng khách hàng cá nhân, tập trung tăng dự nợ vào các sản phẩm cho vay mua nhà, sản xuất kinh doanh, các loại hình dịch vụ (bảo hiểm, chuyển tiền quốc tế, trái phiếu), đồng thời triển khai mô hình phân khúc khách hàng ưu tiên, khai thác sâu khách hàng đại chúng.

Trên thực tế, một số ngân hàng đã lấy bán lẻ làm trọng tâm, tập trung vào "mảnh đất màu mỡ" này trong nhiều năm qua và đã gặt hái được kết quả ấn tượng. Điển hình nhất là VIB, ngân hàng đang dẫn đầu về tỷ trọng bán lẻ hiện nay tại Việt Nam.

Chia sẻ tại MASConnect ngày 5/5/2022, bà Trần Thu Hương – Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ VIB cho biết, từ 2016, VIB đã chuyển đổi chiến lược, tập trung vào bán lẻ vì nhìn thấy tiềm năng lớn của mảng này. Đến nay, tỷ lệ cho vay và tốc độ tăng trưởng mảng bán lẻ của VIB đã thuộc top cao nhất thị trường. Theo đó, cho vay bán lẻ của VIB tăng trưởng kép 45%/năm trong 5 năm qua, đóng góp gần 90% danh mục tín dụng của ngân hàng, với 95% có tài sản đảm bảo.

Nhà băng này đang là Top 1 về thị phần cho vay mua ô tô, Bancassurance và Top 3 về thẻ tín dụng trên thị trường. Năm 2021, tổng chi tiêu qua thẻ tín dụng VIB đạt gần 1,7 tỷ đô (gần 40.000 tỷ đồng), đứng thứ 3 toàn ngành, và bình quân chi tiêu trên thẻ đạt gần 24 triệu đồng/tháng/thẻ.

Chiến lược bán lẻ đã giúp VIB liên tục là ngân hàng có tỷ lệ sinh lời thuộc nhóm cao nhất trong hệ thống. Quý 1/2022, nhà băng này này có ROE (tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu) đạt tới 30%.

Theo các chuyên gia, để có thể "chiến thắng" trong cuộc đua ngân hàng bán lẻ, công nghệ số sẽ là yếu tố then chốt, giúp nhà băng mở rộng thị trường, nâng cao năng lực phục vụ khách hàng. Đặc biệt, sau 2 năm đại dịch Covid-19, thói quen người dùng đã thay đổi đáng kể từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt. Đây là cơ hội lớn để các ngân hàng phát triển các ứng dụng ngân hàng số để thu hút người dùng mới.

Sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số cũng đã mang lại tốc độ tăng trưởng vượt bậc cho nhiều ngân hàng thời gian qua và dự kiến họ vẫn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho công nghệ. Tại TPBank, lượng khách hàng của nhà băng này đã tăng vọt từ 1,7 triệu khách hàng năm 2017 lên 5 triệu khách hàng năm 2021, trong đó có tới 2,4 triệu khách hàng thường xuyên giao dịch trên các kênh điện tử. Số lượng giao dịch bình quân trên kênh số tăng trưởng đạt 120%/năm, đặc biệt tăng mạnh trong mùa dịch khi kênh truyền thống có xu hướng giảm. Tại ĐHĐCĐ thường niên, ông Đỗ Anh Tú (Phó Chủ tịch HĐQT TPBank) khẳng định, TPBank sẽ tiếp tục ứng dụng những công nghệ hiện đại, đưa ra những sáng kiến mới để nâng cao sức cạnh tranh.

Năm 2021, MB thu hút 6,3 triệu khách hàng mới sử dụng App MBBank, tỷ trọng giao dịch kênh số đạt 92,3% với hơn 391 triệu giao dịch. Lượng khách hàng mới trong năm 2021 của MB tương đương với lượng khách hàng lũy kế mà nhà băng này phát triển được trong 26 năm.Nhà băng này cũng đang triển khai hệ thống ngân hàng tự động thông minh SmartBank trên toàn hệ thống, dự kiến sẽ là cú hích lớn để mở rộng tệp khách hàng nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Còn tại VIB, được biết, mạng lưới khách hàng nhà băng này đã được mở rộng hơn 200% trong 5 năm qua nhờ chiến lược tập trung bán lẻ, song song với số hóa hoạt động ngân hàng. Bà Trần Thu Hương cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu lượng khách hàng sẽ tăng trưởng gấp 3 lần đến năm 2026, khách hàng trẻ chiếm 85% danh mục. Trong tháng 5, VIB dự kiến sẽ đưa ra thị trường ứng dụng ngân hàng số MyVIB 2.0, mang đến trải nghiệm xuất sắc hơn cho khách hàng và giúp nhà băng này duy trì vị thế hàng đầu về ngân hàng số tại Việt Nam.

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật