Ngành TMĐT năm 2018: Thị trường thanh lọc mạnh mẽ, bộ tứ trụ hạng còn Lazada vs Shopee vs Tiki vs Sendo. Thời đốt tiền, đốt nữa, đốt mãi có phải đã sắp qua?
Sức hút từ thị trường tiềm năng 10 tỷ USD, lớn thứ 2 Đông Nam Á
Theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam năm 2018, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam đến hết năm 2017 đạt 6,2 tỉ USD. Doanh thu này tăng 24% so với năm trước đó và chiếm 3,6% tổng mức bán lẻ hàng hóa cùng doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Cụ thể, Việt Nam ước tính đã có 33,6 triệu người tham gia mua hàng qua mạng. Tính trung bình mỗi người Việt chi ra 186 USD để mua sắm online, tương đương khoảng 4,3 triệu đồng.
Tại Việt Nam, quần áo, giày dép và mỹ phẩm vẫn là nhóm hàng dẫn đầu được mua qua mạng với 59%. Đứng kế tiếp có hai nhóm hàng có cùng tỷ lệ là đồ công nghệ và điện tử cùng thiết bị đồ dùng gia đình đều có tỷ lệ 47%.
Tài liệu này cũng chỉ ra hiện vẫn có đến 82% số người tiêu dùng Việt Nam chỉ thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng hóa. Trong một nghiên cứu công bố tháng 12 mới đây của đơn vị đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam, con số này tích cực hơn khi ở mức 76%. Công ty này cũng dự đoán tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt sẽ giảm xuống 66% song song với việc gia tăng từ thẻ thanh toán ghi nợ hoặc thẻ tín dụng (từ 29% lên 36%).
Một nhận định khác của Nielsen Việt Nam, với sự tăng trưởng lên tới 22%/năm, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt mức 10 tỷ USD đến cuối năm 2020.
Nielsen Việt Nam cũng cho biết 60% người mua sắm trực tuyến từ nữ và 40% mua sắm online từ nam. Độ tuổi mua sắm online từ 25-29 tuổi chiếm 55%. Đa số người mua online đều là người độc thân, 55% đối tượng khách hàng là nhân viên văn phòng sử dụng dịch vụ mua sắm online.
So sánh trong khu vực, theo một nghiên cứu giữa năm 2016 của Google/Temasek, nền kinh tế trực tuyến ASEAN từ 50 tỷ USD vào năm 2017 được dự báo sẽ có bước đại nhảy vọt, tăng lên 200 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó Việt Nam là ngôi sao đang lên trong chuỗi kinh tế trực tuyến đầy sôi động này nhờ vào 4 yếu tố vượt trội.
Tăng trưởng tiêu dùng cá nhân hằng năm dẫn đầu khu vực
Nghiên cứu của IMA Asia cho thấy tăng trưởng tiêu dùng cá nhân hằng năm của Việt Nam trong giai đoạn 2018 - 2022 được dự báo đạt 7% mỗi năm, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Mức tăng trưởng này cao hơn Philippines (6%), Indonesia (5, 6%), Malaysia (5%), Thái Lan (dưới 4%) và Singapore dưới 3%. Các nền kinh tế Đông Nam Á có mức tăng trưởng tiêu dùng cá nhân được dự báo sẽ tăng 5% mỗi năm cho đến năm 2020, vượt mức tăng trưởng toàn cầu chỉ 3, 5%.
Số hộ gia đình có thu nhập trung bình tăng trưởng cao
Theo Bookings Institute, trong vòng nửa thập niên, từ cột mốc 2015 đến 2020, số hộ gia đình có thu nhập trung bình tại Việt Nam được dự báo tăng trưởng gấp đôi. Tốc độ tăng trưởng này của Việt Nam được xếp vào nhóm 6 thị trường năng động nhất khu vực cùng với Indonesia, Thai Lan, Malaysia, Philippines và Singapore.
Việt Nam có thị trường thương mại điện tử tiềm năng nhất
Trong nhóm 5 nước tiềm năng tại Đông Nam Á, tuy xếp sau Thái Lan, Philippines, Malaysia và nhỉnh hơn Singapore nhưng Việt Nam được dự báo sẽ có thị trường thương mại điện tử tăng tốc mạnh mẽ vào năm 2025 do dân số vượt trội các nước láng giềng, tầng lớp trung lưu tăng mạnh hơn và tăng trưởng tiêu dùng hàng năm cũng cao nhất.
Tp.HCM đang là điểm đến của các tập đoàn công nghệ
Theo dữ liệu của CB Insights Tp.HCM, đô thị năng động nhất Việt Nam đang có tổng diện tích văn phòng được các công ty, tập đoàn công nghệ thuê chiếm tỷ lệ cao nhất ASEAN trong vòng 12 tháng qua, đạt 16%, cao nhất khối.
Việc xâm nhập thị trường của các công ty công nghệ cũng như cơn lốc đầu tư từ những gã khổng lồ công nghệ hàng đầu khu vực sẽ là nhân tố quan trọng thúc đẩy Việt Nam trở thành ngôi sao đang lên của nền kinh tế trực tuyến 200 tỷ USD vào năm 2025.
Chạy đua rót vốn
Với tốc độ tăng trưởng được dự báo tăng 22%/năm và có thể đạt tới 10 tỷ USD vào năm 2020, không khó hiểu khi hàng loạt ông lớn nhảy vào thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Tỷ phú Jack Ma từng ví thương mại điện tử tại Việt Nam như một mỏ vàng.
Nhiều chuyên gia dự đoán, thương mại điện tử Việt Nam sẽ bị thống lĩnh bởi 2 hoặc 3 công ty chiếm đến 80% thị phần và những công ty nhỏ hơn chỉ còn cách đi vào thị trường ngách. Tuy nhiên hiện chiến trường thương mại điện tử vẫn chưa ngã ngũ, kéo theo đó là cuộc đua rót vốn nhằm gia tăng sức mạnh.
Tháng 1/2018
Ngày 16/1, theo thông tin được công bố với báo chí, Tập đoàn JD tiếp tục đầu tư vào nền tảng thương mại điện tử Việt Nam Tiki.com, tuy nhiên con số cụ thể không được tiết lộ. Trước đó, tháng 11 năm 2017, JD cũng đã đầu tư 44 triệu USD vào Tiki.
JD đã ký thỏa thuận đồng ý trở thành nhà đồng đầu tư cho Tiki trong vòng gọi vốn tài chính Series C. Hoàn tất thương vụ, JD sẽ trở thành một trong những chủ sở hữu cổ phần lớn nhất tại Tiki.Tiki nhận khoản đầu tư 17 triệu USD từ VNG đổi lấy 38% cổ phần hồi tháng 5/2016, nâng giá trị của nền tảng thương mại điện tử này đạt 45 triệu USD.
Tháng 3/2018
Tập đoàn Alibaba quyết định đổ thêm 2 tỷ USD vào Lazada để tăng tốc độ phát triển tại Đông Nam Á. Theo Bloomberg, với việc mức đầu tư đã gấp đôi so với một năm trước, Alibaba cũng bổ nhiệm một lãnh đạo cao cấp hàng đầu của mình vào vị trí điều hành hãng thương mại điện tử Đông Nam Á. Theo Bloomberg, Alibaba đang chạy đà cho một cuộc chiến dữ dội tại Đông Nam Á. Ở khu vực này, Amazon đã hiện diện ở Singapore và Shopee của Sea đang mở rộng thị phần.
Tháng 4/2018
Cát Đông - đơn vị chủ quản trang thương mại điện tử Cungmua thông báo tăng vốn điều lệ và chuyển nhượng 26,9% cổ phần cho Tập đoàn Scroll (Nhật Bản). Đối tác nước ngoài sẽ nắm hai ghế trong Hội đồng quản trị công ty, đồng thời đưa thêm chuyên gia sang làm việc tại đây như nhân viên chính thức để đẩy mạnh hoạt động tư vấn và bán lẻ trực tuyến.
Năm 2015, đơn vị chủ quản Cungmua nhận khoản đầu tư nước ngoài đầu tiên từ ACA Investment (quỹ đầu tư thuộc Tập đoàn Sumitomo, đang nắm 20% cổ phần bán lẻ sản phẩm mẹ và bé Bibomart, Sonkim Land…). Đổi lại, quỹ đầu tư này nhận 37% cổ phần và giữ nguyên đến nay.
Tháng 8/2018
Ngày 16/08, SBI Holdings - tập đoàn tài chính Nhật Bản và một số công ty khác có trụ sở tại châu Á đầu tư tổng cộng 51 triệu USD vào Sendo Technology - nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam.
Theo đại diện Sendo, thương vụ này có sự góp mặt của 8 nhà đầu tư, trong đó có bốn nhà đầu tư mới gồm SBI Nhật Bản, SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures, bên cạnh các nhà đầu tư hiện hữu của Sendo là Tập đoàn FPT, eContext Asia, BeeNext và Beenos. Tuy nhiên, giá trị đầu tư chi tiết của từng đơn vị không được tiết lộ.
Sendo, ra mắt năm 2012, là một nền tảng trực tuyến dành cho cá nhân và những doanh nghiệp nhỏ bán hàng hóa, tương tự như Mercari của Nhật Bản.
Tháng 9/2018
Theo báo cáo tài chính, VNG đã tiếp tục rót thêm gần 122 tỷ đồng để mua cổ phần của Tiki trong đợt chào bán riêng lẻ trong nửa đầu năm 2018. Như vậy số tiền mà công ty này đầu tư vào Tiki đã vượt quá 500 tỷ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư lớn nhất của VNG vào một công ty liên kết được thể hiện trên báo cáo tài chính.
Theo DealstreetAsia, nhiều khả năng trong năm 2019, Tiki sẽ thực hiện vòng gọi vốn Series D với kế hoạch huy động từ 50 - 100 triệu USD và JD.com sẽ là một trong những nhà đầu tư tiềm năng tiếp tục tham gia vào vòng này.
Shopee
Để chuẩn bị cho cuộc chiến dài hơi tại thị trường Việt Nam, Shopee được công ty mẹ là Tập đoàn SEA của Singapore bơm vốn rất mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, SEA đã tăng thêm hơn 1.200 tỷ đồng ( khoảng 50 triệu USD) vốn điều lệ cho Shopee Việt Nam.
Cuộc đua dần lộ rõ những tay chơi lớn
"Sắp tới, 'cuộc đua tam mã' vẫn là yếu tố trụ của thị trường, cùng với một vài công ty đang bám sau như Sendo, Lotte, Co.op, Adayroi, nhưng Lazada, Tiki và Shopee có cơ hội lớn để bứt phá bởi dòng tiền vào 3 công ty này ngày càng nhiều. Sự cạnh tranh thúc đẩy thị trường lớn nhanh hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn", ông Nguyễn Mạnh Dũng - trưởng đại diện Quỹ Đầu tư CyberAgent từng nhận định tổng quan thị trường thương mại điện tử.
Theo đó các "tay chơi" đã tách thành nhóm với Lazada, Tiki và Shopee đang ở top đầu của đường đua với mỗi công ty dần định hình theo cách riêng. Tuy nhiên đây cũng là những đơn vị có số lỗ về mặt tài chính lớn nhất.
Theo số liệu của CafeF, tính đến cuối năm 2017, Tiki đã có lỗ lũy kế khoảng 600 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với với gần 400 tỷ đồng mà VNG rót vào doanh nghiệp này đầu năm 2016 đã được tiêu hết.
Lazada đang thể hiện là "tay chơi" chịu chi nhất trên thị trường, thể hiện qua việc lỗ liên tiếp 1.000 tỷ đồng/năm trong 2 năm 2015-2016. Tính đến cuối năm 2016, lỗ lũy kế của Lazada đã lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Với việc các đối thủ đang cạnh tranh quyết liệt, không loại trừ khả năng mức lỗ năm 2017 của Lazada đã vượt lên trên con số 1.000 tỷ đồng - khi đó lỗ lũy kế đến cuối năm 2017 có thể lên khoảng 3.100 tỷ đồng.
Gia nhập thị trường thương mại điện tử Việt Nam chưa đầy 2 năm, Shopee đang chi rất mạnh để thu hẹp khoảng cách. Chính thức ra mắt vào tháng 8/2016, Shopee lỗ 164 tỷ đồng ngay trong năm 2016. Sang năm 2017, mức lỗ tăng lên hơn 600 tỷ đồng – tức gấp đôi so với mức lỗ của Tiki.
Trang thương mại điện tử Sendo của Tập đoàn FPT huy động được hơn 400 tỷ đồng trong 2 năm 2015-2016. Tuy vậy, kế hoạch chi tiêu của Sendo có phần "dè dặt" so với các đại gia khác với mức lỗ chỉ 60 tỷ đồng trong năm 2015 và 136 tỷ đồng trong năm 2016.
Cuộc đua khốc liệt trên thị trường cũng khiến nhiều doanh nghiệp hụt hơi. Theo số liệu từ Báo cáo Bản đồ Thương mại điện tử Việt Nam trong quý II/2018 của Iprice Insight, website adayroi.com chỉ có trung bình chưa đầy 5 triệu lượt truy cập mỗi tháng, cách xa con số của các đối thủ như Lazada - gần 33 triệu, Shopee - hơn 26 triệu, Tiki - gần 20 triệu và Sendo - hơn 16 triệu.
Cũng theo báo cáo này, xếp hạng ứng dụng của Adayroi chỉ đứng thứ 6 và thứ 9 trên lần lượt 2 hệ điều hành iOS và Android trong khi các ứng dụng Shopee, Lazada, Sendo và Tiki lần lượt chia nhau các vị trí từ thứ 1 đến thứ 4 trên cả 2 hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay.
Hay trong khi các sàn TMĐT khác tích cực dùng những người ảnh hưởng, tạo các quảng cáo viral. Ví dụ như Shopee kết hợp nền nhạc Baby Shark và thủ môn Bùi Tiến Dũng, Bảo Anh hay U23 Việt Nam cùng hoa hậu Tiểu Vy ngay lập tức gây sốt. Hoặc Tiki chọn Chi Pu, Hà Đức Chinh và mới đây là Nhã Phương- Trường Giang trong hoạt động quảng cáo.
Sendo cũng rất tích cực trong việc ra mắt các TVC với hình ảnh "chị đại" Sen Đỏ - Mỹ Tâm. Riêng Adayroi vẫn chỉ tập trung cho hoạt động bán hàng và khuyến mãi, thay vì các chiến dịch truyền thông rầm rộ.
Những ngày cuối năm 2018 cũng ghi nhận thêm việc ra đi của sàn TMĐT thuộc Thế giới di động. Vuivui.com là nền tảng thương mại điện tử được Thế giới Di Động phát triển từ năm 2016 và chính thức bán hàng từ năm 2017.
Ở thời điểm ra mắt, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị MWG từng kỳ vọng trang thương mại điện tử Vui vui sẽ tăng trưởng mạnh và giành vị trí số 1 trong vòng 4-5 năm tham gia thị trường và vượt doanh thu chuỗi cửa hàng Thế giới Di Động. Tuy nhiên trang này đã chính thức đóng cửa từ cuối tháng 11.
Năm 2019 thị trường sẽ ra sao?
Nhận định về thị trường thương mại điện tử trong ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam đánh giá "còn rất nhiều thứ phải cải thiện".
"Thương mại điện tử năm 2018 thành công, nhưng thật ra về bản chất tổng nó còn là một giọt nước thôi. Tỷ trọng thương mại điện tử trong ngành bán lẻ ở Việt Nam vẫn chỉ 2- 3%", ông Tuấn Anh đánh giá về thị trường thương mại điện tử Việt Nam và cho rằng còn nhiều tiềm năng phát triển.
Với chính bản thân Shopee với thành công năm 2018 nhưng vị CEO này cho rằng "so với bức tranh tổng mình nghĩ chưa là gì" và "cuộc chơi mới chỉ bắt đầu".
Về bức tranh tổng thể năm 2019, ông Tuấn Anh cho rằng sự thay đổi so với năm 2018 nằm ở mức độ phổ biến, tức là sẽ có nhiều người biết TMĐT hơn. "Trong năm 2018 nhiều người đã biết rồi, năm 2019 nhiều người sẽ biết nữa. Tuy nhiên có những người biết về TMĐT từ những quảng cáo của Shopee đang làm nhưng làm sao để họ thử là một thách thức mới".
Nhận định về hoạt động đầu tư vào các doanh nghiệp thương mại điện tử, ông Tuấn Anh cho rằng điều này sẽ phụ thuộc vào việc đánh giá thị trường của các nhà đầu tư, cũng như tổng thể về kinh tế. Tuy nhiên, vị này cho rằng dòng tiền đầu tư không chỉ chảy vào TMĐT mà còn nhiều ngành khác. Những yếu tố như dân số trẻ, dân số ngày càng giàu hơn, ổn định về chính trị kinh tế, mức độ tiếp cận công nghệ nhanh, muốn thử cái mới, trình độ giáo dục cao, làm ăn chăm chỉ… sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư quyết định rót vốn vào Việt Nam.
Theo: Trí Thức Trẻ
TIN CŨ HƠN
- “Zoom In” toàn cảnh thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2018
- 7 sự kiện nổi bật của thương mại điện tử Việt Nam năm 2018
- Tiếng là “ông lớn” Lazada, Shopee, doanh số chảy về Thế Giới Di Động
- Mở đợt cao điểm kiểm soát thị trường thương mại điện tử cuối năm
- Nielsen: Thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 10 tỷ USD
- Phía sau thị trường thương mại điện tử được đánh giá tăng trưởng nhanh nhất khu vực
- Quảng cáo trực tuyến: Kẻ hưởng lợi, người bực bội
- Data Station #4: Bức tranh toàn cảnh về thương mại điện tử ngành FMCG tại thị trường Châu Á
- Hãy xem cách các đối thủ chúc mừng sinh nhật "bạn hàng xóm" Shopee ra sao?
- Mua thực phẩm tươi sống qua kênh bán hàng online đang “nóng”