Người tiêu dùng khốn đốn lạc vào "ma trận" thật, giả rau hữu cơ

Từ khi biết đến rau hữu cơ, chị Ánh Trúc (Q.Cầu Giấy, Hà Nội) đã bỏ thói quen mua rau ở chợ.
Mỗi tháng gia đình gồm 4 người của chị bỏ ra gần 2 triệu đồng để mua rau giá cao gấp 3 lần rau bình thường. Với chị cũng như các bà nội trợ khác, mua rau hữu cơ là mua lấy sự an tâm.
 
Người tiêu dùng khốn đốn lạc vào "ma trận" thật, giả rau hữu cơ
 

Chính vì nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng (NTD) nên không ít các cửa hàng bày bán rau hữu cơ ngày càng nhiều hơn, trong đó, số lượng bán qua mạng cũng không ít kèm theo lời chào cuốn hút: “Sản phẩm 100%” hay “Thực phẩm siêu sạch” để thu hút NTD.

Trong vai một người muốn mua rau hữu cơ, PV điện thoại đến đại lý bán rau hữu cơ online thì ngay lập tức được mời chào: “Bên chị hoàn toàn rau hữu cơ, giấy chứng nhận đầy đủ nên em cứ yên tâm về chất lượng”.

Tuy nhiên, sau khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem giấy chứng nhận thì chị ta biện minh: “Đây là rau người dân tự canh tác hữu cơ nên chưa có giấy tờ chứng nhận”(?).

Theo ghi nhận của PV, cùng quảng cáo là rau hữu cơ nhưng giá bán giữa các trang mạng lại có sự chênh lệch đáng kể. Và những nhà cung cấp này mặc nhiên khẳng định sản phẩm họ làm ra là rau hữu cơ.

Đơn cử, với rau cải xoăn, có trang đăng bán 20.000 đồng 250 gam, tương đương 80.000 đồng/kg. Trang khác 20.000 đồng cho 0,4 kg tương đương 50.000 đồng/kg. Nhưng cũng có trang bán loại rau này giá 32.000 đồng/kg. Các mặt hàng rau củ khác cũng có sự chênh lệch giá như vậy.

Khi chúng tôi đặt câu hỏi với nhà cung cấp về sự chênh lệch giá trên, người này thú nhận: “Đa số rau hữu cơ chính thống giá cũng phải từ gần trăm đến gần 200.000 đồng/kg. Loại vài chục nghìn đồng/kg là người ta tự phong, họ lấy rau tại các nhà vườn rồi nói là rau hữu cơ. Loại rau này không thể nào lại rẻ như vậy”.

Như vậy có thể thấy rằng, cùng một loại rau gắn mác hữu cơ được bán trên mạng nhưng giá lại có sự chênh lệch từ 2-3 lần, và chính những người cung cấp loại rau này cũng không thể đưa ra một câu trả lời chính xác cho NTD về chứng chỉ chứng nhận là thực phẩm hữu cơ 100%.

Còn người tiêu dùng thì chỉ “chăm chăm” nhìn vào mác gắn trên sản phẩm mà quên đi nguồn gốc thật của nó, hoặc có chăng có sự nghi ngờ nhưng cũng bỏ lơ vì họ không có cơ sở để phân biệt rau hữu cơ thật, giả.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thoa – Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM cho biết, hiện nay số cơ sở được cấp chứng nhận rau hữu cơ tại nước ta chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 Chi phí để chứng nhận một sản phẩm rau hữu cơ rất tốn kém vì ở nước ta chưa có doanh nghiệp kinh doanh nào có thể chứng nhận thực phẩm hữu cơ.

"Để biết sản phẩm có thật sự đạt chứng nhận hữu cơ, người mua có thể vào trang web đã cấp giấy chứng nhận hữu cơ, nhập mã số của đơn vị được cấp sẽ thấy thông tin cụ thể" - bà Thoa khuyến cáo.

 

Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật