Nổi lên nhanh chóng với loạt dự án lớn, tình hình tài chính của nhóm MIKGroup đang ra sao?
CTCP Tập đoàn MIKGroup Việt Nam vừa quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Trường Sơn đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cùng vai trò Người đại diện theo pháp luật, thay thế cho ông Trần Như Trung sau tròn một năm đảm nhiệm.
Ông Sơn sinh năm 1969, cũng đang là Phó Chủ tịch Tập đoàn MIKGroup. Ông này từng là Chủ tịch VPBank AMC.
Theo tìm hiểu, MIKGroup mới đây đã thực hiện tăng vốn điều lệ đăng ký từ 5.500 tỷ đồng lên gần 6.400 tỷ đồng, con số này gấp hơn 213 lần so với vốn thành lập năm 2014.
Tốc độ tăng vốn nhanh chóng đi cùng sự lớn mạnh về quy mô của công ty bất động sản này, MIKGroup được giới đầu tư liệt vào hàng "ngôi sao mới nổi" trên thị trường.
Theo dữ liệu của chúng tôi, tính đến hết năm 2019, tổng tài sản của MIKGroup (công ty mẹ) đạt gần 12.300 tỷ đồng, tăng 30% so với trước đó một năm. Trong đó cơ cấu hơn một nửa là khoản phải thu về cho vay ngắn hạn (4.579 tỷ đồng) và phải thu ngắn hạn khác (2.236 tỷ đồng). Một cấu phần quan trọng khác là khoản đầu tư vào công ty con (4.518 tỷ đồng).
Khối tài sản này được hình thành từ một nửa là vốn chủ sở hữu, và một nửa nợ phải trả. Toàn bộ nợ phải trả của MIKGroup là ngắn hạn, bao gồm khoản người mua trả triền trước ngắn hạn (2.391 tỷ đồng) và vay nợ cho thuê tài chính ngắn hạn (3.088 tỷ đồng), gấp 2,8 lần so với đầu năm. Các số liệu chỉ ra rằng, việc sử dụng đòn bẩy của MIKGroup đang gia tăng, nhưng công ty này vẫn chưa dùng đến nợ dài hạn.
MIKGroup (số liệu công ty mẹ)
Điều đáng chú ý là, lượng vốn góp chủ sở hữu (hay vốn cổ phần) của MIKGroup đã vượt qua phần lớn các doanh nghiệp kể trên, chỉ xếp sau Novaland.
Cơ cấu sản phẩm của hệ sinh thái MIKGroup tương đối đa dạng, từ khu căn hộ cao cấp, villa – nhà phố, cho đến bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn…
MIKGroup cũng đã và đang phát triển nhiều tổ hợp biệt thự tọa lạc tại khu vực quận 9, TP HCM, hay quận Long Biên, Hà Nội.
Báo cáo công ty mẹ
Giống như hầu hết các nhà phát triển bất động sản lớn khác, mỗi dự án của MIKGroup được thực hiện bởi một công ty thành viên khác nhau. Công ty mẹ chỉ đóng vai trò đầu mối thu xếp tài chính, phát triển thương hiệu…
Các đơn vị phát triển dự án chính của hệ sinh thái MIKGroup có thể kể đến như CTCP HBI với dự án Imperia Garden, Valencia Garden, Imperia Smart City; CTCP Đầu tư Mai Linh với dự án The Matrix One hay CTCP Terra Gold với dự án Imperia Sky Garden…
Trong số này chỉ có Terra Gold là bàn giao sản phẩm trong năm 2019 nên ghi nhận doanh thu, lợi nhuận đáng kể. Cụ thể, doanh nghiệp này đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng và 338 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2019.
Với giá trị hàng tồn kho còn hơn 1.400 tỷ đồng cuối kỳ, nhiều khả năng Terra Gold sẽ có thể tiếp tục đem về doanh thu lớn trong tương lai.
Đối với HBI, sau khi đạt hơn 5.200 tỷ doanh thu vào năm 2017, doanh nghiệp này bước vào chu kỳ phát triển dự án mới. Doanh thu trong năm 2018 - 2019 khá khiêm tốn, lần lượt 709 tỷ và 155 tỷ đồng.
Cuối năm ngoái, HBI nhận chuyển nhượng 4 lô đất tại dự án Vinhomes Smart City và đã triển khai xây dựng dự án Imperia Smart City tại đây.
Một dự án đáng chú ý khác là The Matrix One cũng được MIKGroup thâu tóm giữa năm 2018 gián tiếp qua ba pháp nhân. Tiền thân dự án này được giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) để triển khai tổ hợp khách sạn dầu khí (PVN Tower) cao 102 tầng, vốn đầu tư 1 tỷ USD.
Tuy vậy, PVN sau đó nhả lại dự án này cho Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) để tập trung kinh doanh cốt lõi. Nhưng năng lực kém cỏi của PVC không đủ để phát triển dự án dẫn đến phải chuyển nhượng cho một chủ đầu tư mới – CTCP Đầu tư Mai Linh (2015), lấy tên Golden Palace A.
Sau đó vài năm, chủ sở hữu của Mai Linh cũng quyết định thoái vốn, dự án thuộc về tay MIKGroup như hiện tại.
Ngoài ra, còn nhiều công ty phát triển dự án không có mối quan hệ sở hữu trực tiếp với MIKGroup, mà liên hệ qua các cá nhân đứng tên.
Bản thân MIKGroup và hệ sinh thái bao quanh đang cho thấy sự mở rộng nhanh chóng. Một thế lực bất động sản mới đã được hình thành và cũng đang dần hé lộ những sự thật thú vị.
TIN CŨ HƠN
- Tiền đang chờ đổ vào bất động sản!
- Cơ hội nào cho các ông lớn BĐS khi nhảy vào ngành F&B?
- Bất động sản Hạ Long lội ngược dòng ngoạn mục trong đại dịch
- “Tiết kiệm nhà ở”: Chương trình hấp dẫn cho người mua nhà
- Thị trường bất động sản có rơi vào trạng thái "ngủ đông"?
- Được phép xây dựng tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt tại Hà Nội và Tp.HCM
- Làm mới căn hộ cho thuê để thu hút khách hàng ngay từ "cái nhìn đầu tiên"
- Vì sao lượng tìm kiếm mua căn hộ chung cư mini tại Hà Nội đột ngột hơn 200%?
- Bất động sản vùng ven bùng nổ - cơ hội cho nhà đầu tư?
- Những 'siêu dự án' được Hà Nội trao quyết định đầu tư