Dự án Treant Projector Việt Nam startup 'đốt' 14 tỷ trong 3 năm, dành giải nhất Vietnam Startup Wheel 2019 vẫn ra về tay trắng

Dự án với ý tưởng T-Farm kêu gọi 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Ý tưởng T-Farm này cũng vừa giúp founder Phạm Anh Tuấn đoạt giải nhất bảng doanh nghiệp tại Vietnam Startup Wheel 2019.

Gọi vốn để giáo dục thị trường

Đến với Shark Tank mùa 3 tập, Phạm Anh Tuấn nhà sáng lập dự án Treant Projector Việt Nam với ý tưởng T-Farm kêu gọi 2 tỷ đồng cho 10% cổ phần. Theo giới thiệu của anh, Treant Projector là công ty tiên phong trong lĩnh vực thu nhỏ vertical farming (tạm dịch nông nghiệp theo chiều dọc) với mục tiêu đưa nông nghiệp vào từng căn hộ, không gian trong nhà, giúp người dùng trồng được cây cỏ hay các thực vật họ mong muốn.

Dự án này hiện sở hữu 2 bằng sáng chế tạm thời tại Mỹ. Phạm Anh Tuấn cũng cho biết ý tưởng của mình tạo ra được các giải pháp góp phần vào chống lại sự biến đổi khi hậu. Ngoài ra ý tưởng này còn giải quyết được những vấn đề liên quan đến việc đô thị hóa ngày càng gia tăng, thu hẹp quỹ đất nông nghiệp hay ô nhiễm không khí, thực phẩm. Công nghệ T-Farm áp dụng là khí canh với việc sử dụng hoàn toàn nước và dung dịch. Theo giới thiệu của founder này, công nghệ này khá mới tại Việt Nam khi dùng nước dinh dưỡng nhưng phun bọt khí vào rễ cây giúp tiết kiệm nước, một phần tăng oxy cho rễ.

Dù ý tưởng khá thú vị nhưng ngay lập tức Shark Liên đánh giá máy chiếm diện tích nhưng chưa có thẩm mỹ về cảnh quan nên dự án không khả thi nên rất khó tại thị trường Việt Nam.

"Quan điểm của em là thị trường hiện tại rất khó và em đang trong giai đoạn giáo dục khách hàng. Để họ chấp nhận thứ nhất là có 1 khu vườn trong nhà, thứ hai về tâm lý họ đang xem đây là máy trồng rau bình thường. Nhưng nhìn sâu hơn 1 chút sẽ thấy có bao nhiêu mảnh vườn có toàn bộ rau châu Âu hay toàn bộ dược liệu chị mong muốn", Phạm Anh Tuấn trả lời thắc mắc của shark Liên.

Với quan điểm như vậy, Shark Hưng cho rằng thay vì việc đi giáo dục khách hàng để người ta hiểu và theo được startup thì nhà sáng lập nên tự giáo dục mình về cách phục vụ khách hàng, đáp ứng nhu cầu khách hàng một cách dễ chịu hơn.

"Cái anh thấy khó nhất là giáo dục khách hàng. Để khách hàng giáo dục mình thì tốt hơn chứ mình mà giáo dục khách hàng thì khó lắm. Kể cả các Shark đầu tư cho em cũng không phải là ông chủ, chỉ là người đầu tư thôi, bản thân em phải xác định như thế. Mình không phải ông chủ, ông chủ là người trả tiền mua sản phẩm của mình", shark Việt cũng góp ý.

Chia sẻ thêm về chi tiết sản phẩm, Phạm Anh Tuấn cho biết hiện máy cơ bản nhất có giá 25 triệu đồng và chiếm diện tích 0,5-0,6m2 trong một căn hộ. Khi khách hàng mua về chỉ cần kết nối 2 đầu nước cấp và xả. Khi họ muốn trồng rau gì cũng chỉ cần vào app chọn loại rau như rau muống, rau thơm, phần còn lại máy sẽ tự động làm mọi thứ. Hiện T-Farm chỉ cung cấp giống rau khách yêu cầu.

Shark Hưng gọi là thiên tài có thể biến chì thành vàng, Shark Việt đánh giá bản lĩnh khủng khiếp, startup đốt 14 tỷ trong 3 năm, dành giải nhất Vietnam Startup Wheel 2019 vẫn ra về tay trắng - Ảnh 1.
 
Điều khiến shark Linh băn khoăn là liệu dung dịch sử dụng có sạch, hữu cơ không thì startup này giải đáp chưa thuyết phục được nhà đầu tư.

Phạm Anh Tuấn: Trong sản phẩm của bọn em gọi là dinh dưỡng vô cơ. Nó có sạch hay không là do chị và em hình dung mà thôi. Cái quan trọng mình bán đến nhà người dùng, họ hái bất kỳ sản phẩm nào đem đi xét nghiệm không có tàn dư nào ảnh hưởng sức khỏe cả.

Shark Linh: Em nói như vậy chị không có yên tâm vì có nhiều thứ mình có thể ăn vào không ảnh hưởng lúc này nhưng không tốt về lâu dài. Có nghĩa là những thứ rau này không thể nói là rau sạch hay rau hữu cơ.

Phạm Anh Tuấn: Cảm ơn chị, đó chính là do chị.

Shark Linh: Nhưng em đã hứa là rau sạch thì chị mang về làm gì?

Phạm Anh Tuấn: Thực sự em xin lỗi, chị đừng tự ái. Kiến thức nông nghiệp cần đào sâu hơn tý nữa bởi vì nếu để chứng minh các rau bán ngoài siêu thị là sạch thì rau này cũng vậy. Thứ 2, em cố chứng minh cho chị đây là một vertical farm. Toàn bộ quy trình sản sinh ra rau hiện toàn bộ vertical farm trên thế giới đang làm đúng như vậy không có khác gì. Em chắc chắn, đảm bảo nó tương đương nhau.

Được shark Dũng đặt câu hỏi về khách hàng thực tế, nhà sáng lập Treant Projector cho biết hiện mới chỉ có 1 đơn ký hợp đồng sản xuất 100 máy cho một đơn vị thiết kế nội thất.

Được shark Hưng nhận xét thiên tài

Sau khi Phạm Anh Tuấn giải thích về mô hình, shark Hưng đặt câu hỏi anh đã từng đến Israel chưa cũng như mô hình này học hỏi từ đâu. Cá mập Cengroup khá bất ngờ biết nhà sáng lập này chưa đến Israel và mô hình này hoàn toàn tự nghiên cứu ra.

Phạm Anh Tuấn cho biết Tết năm 2017 anh từng gặp tai nạn về đốt sống cổ. Sau 4 tháng tỉnh dậy, anh tự nhiên có đam mê với rau sạch, cây cỏ cũng như cảm nhận được hầu hết tất cả các năng lượng của các cây và quyết định làm một máy trồng rau. Tiếp tục nghiên cứu phát triển anh thấy toàn bộ những mình đang cố gắng làm chính là công nghệ giả lập khí hậu và thổ nhưỡng.

Shark Hưng đặt câu hỏi về việc những rau đặc trưng như húng Láng hay quế Vị cần những yếu tố vi lượng, đất, thổ nhưỡng của vùng đấy mới tạo ra được hương vị đặc tính sinh hóa của cây.

Nhà sáng lập này cho biết máy gồm 4 ngăn trong đó sẽ giả lập tất cả các yếu tố: Ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, áp suất khí quyển, tần số âm thanh để giả lập được tương đương vùng đất Láng. Từ đó sẽ ra được một cây có chất và lượng như nhau. Thứ 2 về công nghệ ánh sáng Led của máy được các đối tác lớn trên thế giới nghiên cứu trong 1 năm rưỡi để tìm ra được ánh sáng gần với mặt trời nhất.

Để có được những nghiên cứu này, dự án đã tiêu hết 14 tỷ trong vòng 2 năm rưỡi trong đó có 13 tỷ của một nhà đầu tư thiên thần và 1 tỷ của cá nhân Phạm Anh Tuấn. Hiện Treant Projector đứng trước áp lực của nhà đầu tư thiên thần phải ra được sản phẩm và bán ra thị trường bởi họ đã hết kiên nhẫn.

Shark Hưng gọi là thiên tài có thể biến chì thành vàng, Shark Việt đánh giá bản lĩnh khủng khiếp, startup đốt 14 tỷ trong 3 năm, dành giải nhất Vietnam Startup Wheel 2019 vẫn ra về tay trắng - Ảnh 2.
 

Shark Hưng đánh giá: Nếu em sinh ra ở Israel thì anh nghĩ em là một nhân tài. Em giải quyết được rất nhiều thách thức công nghệ. Israel rất khan hiếm nước. Anh hỏi rất nhiều trang trại, người ta chỉ đầu tư 1-1,5 triệu USD cho 1 ha nhưng nhẩm tính dự án của em cần 25 triệu đồng cho 0,5m2 tính ra là 500 tỷ đồng cho 1 ha. Nếu máy này nhân lên hệ thống cho diện tích 20m2 sẽ hợp lý hơn cho 0,5m2.

Em là một thiên tài, anh tin em có thể biến chì thành vàng có điều giá thành vàng em biến ra sẽ đắt gấp 10 lần vàng tự nhiên. Em làm được rất xuất sắc nhưng anh thấy hiệu quả kinh tế không cao. Còn nếu làm cái này để trang trí thì chả đẹp bằng mấy cây bonsai của anh. Đi hàng tuần cũng chả chết, vẫn sống rất thọ.

Phạm Anh Tuấn: Nhìn toàn bộ dự án kia rải ra 1ha sẽ rất rẻ tiền không đáng bao nhiêu. Cái tốn tiền là anh đang nhân toàn bộ bộ não của bên em với 500 lần cho xử lý.

Shark Hưng: Bộ não như thế mà chỉ để trồng rau. Em phải hiểu rằng trong kinh doanh có một đối thủ vô cùng nguy hiểm. Đó là sản phẩm thay thế người ta có thể không làm cái này giỏi hơn em nhưng người ta có giải pháp thay thế.

Là người đầu tiên chốt deal, shark Liên cho biết ý tưởng cũng như sáng chế của Phạm Anh Tuấn rất hay và kỳ công nhưng thực tế rất khó để bỏ ra 25 triệu đồng để có được rau sạch để ăn kể cả rau sống. Vì vậy shark Liên quyết định không đầu tư.

Tiếp tục góp ý chân thành cho startup, shark Hưng cho rằng những sáng chế này rất tuyệt vời nhưng tính hữu dụng đang có vấn đề và rất khó tìm ra được thị trường để phát triển ra quy mô lớn nếu như đi theo hướng trồng rau.

Shark Hưng gợi ý trồng thứ gì đó thật giá trị như Đông trùng hạ thảo Tây Tạng, giá mấy tỷ/kg chất lượng 90% may ra mới có cửa cho những người có nhu cầu nông nghiệp. Cá mập này còn khuyên Phạm Anh Tuấn tìm đến những nơi có thông tin tốt hơn ví dụ chủ tịch FPT Trương Gia Bình hiện là chủ tịch câu lạc nông nghiệp công nghệ cao. Câu lạc bộ này tập hợp các doanh nhân Việt Nam yêu thích nông nghiệp, họ đang nghiên cứu mô hình này. Bản thân shark Hưng đã đi khảo sát mô hình này ở Israel, biết được ứng dụng của nó và Phạm Anh Tuấn đi được rất xa so với những cái đang dùng nhưng xét tính thực tiễn về mặt kinh doanh, đầu tư chưa ổn. Shark Hưng quyết định không đầu tư và hẹn gặp lại vào Shark tank mùa 4.

Với Shark Dũng cho biết mình không có chuyên môn cũng như mô hình cần thời gian để bán sản phẩm thực tế nhận phản hồi từ khách hàng nên quyết định không đầu tư.

Nhận xét giống shark Liên, shark Linh cho rằng không có nhiều người đủ điều kiện đầu tư 25 triệu để trồng ít rau như vậy. Ngoài ra dự án còn quá sớm trên thị trường, shark Linh cho rằng chi phí marketing, giáo dục thị trường cần tới cả triệu USD, 2 tỷ đồng gọi vốn quá ít vì vậy cá mập này cũng không đầu tư.

Điều khiến shark Việt băn khoăn là phân bón dùng trong sản phẩm này là vô cơ, hữu cơ hay hóa chất. Ngoài ra việc giả lập môi trường shark Việt cho rằng có thể trồng ra rau, sản phẩm nhưng chiết xuất trong phòng thí nghiệm sẽ khác.

Về vấn đề phân bón, Phạm Anh Tuấn cho biết anh từng nói chuyện với nhiều nhiều giáo sư, tiến sỹ và được biết rất khó tìm được một loại phân hữu cơ dành cho hệ thủy canh và khí canh. Trên thế giới hiện chỉ có 1 loại ở Mỹ và 1 loại ở Tây Ban Nha. Founder này cũng thẳng thắn cho biết hiện thị trường phân bón tại Việt Nam rối ren, lẫn lộn cũng như đồng ý nếu shark Việt gọi đây là hóa chất.

"Cho nên anh thấy cái này đang có vấn đề ở đấy, phân hữu cơ, vô cơ. Kèm theo đó là bản lĩnh của em quá khủng khiếp. Em giáo dục khách hàng nên anh không đầu tư được", shark Việt chốt deal.

Khá nuối tiếc khi không được shark Hưng đầu tư, Treant Projector hy vọng sẽ có cơ hội hợp tác cùng nhà đầu tư này trong tương lai. Một số thông tin truyền thông cũng cho biết thêm ý tưởng T-Farm này cũng vừa giúp founder Phạm Anh Tuấn đoạt giải nhất bảng doanh nghiệp tại Vietnam Startup Wheel 2019.

Thảo Nguyên

Theo: Trí Thức Trẻ

TIN CŨ HƠN


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật