Shark Tank mùa 4: Bán cua lãi 7 tỷ đồng/năm, 3 Shark “tranh nhau” chiêu mộ Vua Cua để cùng thực hiện giấc mơ “biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới
SHARK TANK MÙA 4 - đã phát sóng tập đầu tiên vào lúc 20h00 tối Chủ Nhật trên kênh VTV3 tạo ra một làn sóng hào hứng từ các khán giả trẻ yêu thích chương trình sau một năm vắng bóng. Với ba mô hình kinh doanh được giới thiệu trong tập đầu tiên, một chuỗi nhà hàng với khát vọng trở thanh đại diện cho ẩm thực Việt Nam, một Startup mang tham vọng xây dựng "đế chế thương mại điện tử dành cho nam giới", startup còn lại là một sản phẩm kính thời trang dành cho giới trẻ với tiêu chuẩn "vừa vặn, vừa đẹp và vừa ví". Trong đó, Vua Cua – startup đầu tiên lên sóng Shark Tank 4, được 3 Shark "tranh nhau" đầu tư.
Startup đầu tiên mở màn cho Shark Tank Việt Nam mùa 4 là Vua Cua với sự xuất hiện của Anh Thư – Founder và đại sứ thương hiệu ca sĩ Will – cựu thành viên 365, giữ vai trò cổ đông. Theo chia sẻ của đại diện Vua Cua, doanh nghiệp được thành lập từ tháng 3 năm 2016, hiện tại đang có 5 nhà hàng với các món cua chế biến cùng các loại sốt độc quyền. Ngay từ những ngày đầu thành lập, Vua Cua đã quyết định đi theo hướng tự phát triển hệ thống, không franchise (nhượng quyền). Hiện Vua Cua đang phát triển mô hình "Vua Cua Bike", với chi phí 110 triệu một xe, dự kiến mở 40 xe trong năm 2021. Theo tính toán của nhà sáng lập, điểm hòa vốn của Vua Cua Bike là từ 10 – 18 tháng.
Với việc phát triển mô hình mới này, Vua Cua đến Shark Tank để kêu gọi số tiền 3,5 tỷ cho 5% cổ phần. Will cho biết quan niệm chung của những người có thu nhập từ mức trung bình trở xuống là hải sản là món ăn cao cấp. Chính vì vậy, việc phát triển Vua Cua Bike chỉ có giá 110 triệu cho cả mặt bằng và xe sẽ giảm đi chi phí khi đưa món này đến với khách hàng.
Nhà sáng lập Anh Thư cũng chia sẻ thêm, năm 2020 doanh thu của Vua Cua tăng 20%, lợi nhuận năm 2019 là 4,7 tỷ và năm 2020 là 7 tỷ. Con số này khiến Shark Phú đặt ra câu hỏi về sự xuất hiện của Vua Cua tại Shark Tank vì số lợi nhuận của Vua Cua đã đủ để đầu tư cho Vua Cua Bike. Nhà sáng lập Anh Thư chia sẻ: "Việc đến với Shark Tank không chỉ vì gọi vốn mà với hệ sinh thái các mối quan hệ và nguồn lực sẵn có của các Shark, Vua Cua có thể đi nhanh hơn, mức độ chiến thắng sẽ cao hơn".
Anh Thư cho biết mỗi tháng sản lượng cua Cà Mau xuất khẩu sang Trung Quốc và cung cấp cho nội địa lên tới 40-50 tấn nên không lo về nguồn nguyên liệu.
Khi được Shark Bình hỏi về Unique Selling Point (lợi thế cạnh tranh), đại diện Vua Cua cho biết, đó là chất lượng cao với các loại sốt tự sản xuất độc quyền và giá cả hợp lý cho người có thu nhập trung bình vì khống chế được chi phí mặt bằng. Bên cạnh đó, Vua Cua tự tin mình có thể ổn định được chất lượng và hương vị dù có mở 100 nhà hàng vì doanh nghiệp đã phát triển được một quy trình có hệ thống rõ ràng.
Để minh chứng cho câu trả lời của mình, Anh Thư cũng đã kể lại câu chuyện bị kẹt 9 tháng ở Mỹ do dịch Covid 19. Trong thời gian đó, doanh nghiệp vẫn vận hành tốt với doanh số đạt được là 56 tỷ đồng trên kế hoạch 74 tỷ của năm 2020.
Anh Thư cho biết, muốn Việt Nam giới thiệu đặc sản với thế giới sẽ nhớ đến món cua sốt trứng muối do Anh Thư sáng tác, do đó cô sẽ không đi Mỹ. Anh Thư cũng chia sẻ điểm hoà vốn cho 1 xe cua là 18 tháng.
Shark Hưng cho biết, các nhà hàng Shark đầu tư sẽ hoàn vốn trong vòng 3 năm. Nếu đầu tư vào Vua Cua thì thời gian hoàn vốn có thể sẽ khoảng 10 năm. Chính vì vậy, Shark Hưng gợi ý Vua Cua có thể tính theo DCF (discounted cash flow - dòng tiền chiết khấu) và hoàn vốn trong 3 năm. Do đó, Shark đề nghị mức đầu tư 3,5 tỷ cho 5% và 7% giá trị thương hiệu của Shark Hưng đi cùng Vua Cua, tổng cộng là 12% cổ phần.
Chia sẻ thêm về câu chuyện chuyển đổi số. Anh Thư cho biết, hiện tại Vua Cua đã có một website bán hàng online, không phụ thuộc vào bất kỳ đơn vị giao đồ ăn nào trên thị trường. "Con đường kinh doanh của em đã đi đúng hướng, giảm chi phí, bình dân hóa thực phẩm có thể nói là cao cấp, kéo nó về trung cấp" – Shark Bình nhìn nhận. Vì vậy, Shark Bình đề nghị đầu tư 3,5 tỷ cho 10% cổ phần. Ngoài ra, Shark Bình có thể hỗ trợ các vấn đề về quản trị và chuyển đổi số.
Vì khác lĩnh vực đầu tư nên Shark Phú và Shark Việt rút khỏi deal này.
Vẫn còn Shark Liên chưa đưa ra quyết định nên Will đã thuyết phục "Bà ngoại": "Mặt bằng chung người Việt tiếp cận hải sản rất thấp…Khi làm cái này (Vua Cua Bike), em muốn tiếp cận các khách hàng có thu nhập thấp và để hải sản dễ đến tay người tiêu dùng". Will cũng bày tỏ mong muốn trong tương lai, khi nhắc đến Việt Nam, người ta sẽ nhắc đến Vua Cua như một đại diện thương hiệu cho quốc gia.
Shark Liên rất đồng cảm với quan điểm của Will và Vua Cua hướng đến việc mang đặc sản đến cho người có thu nhập thấp là giá trị mà Shark Liên quan tâm. Shark cũng chia sẻ thêm câu chuyện từng giúp đỡ các bạn trẻ mở 10 nhà hàng ở Đức trong thời điểm Shark bị kẹt lại đất nước này vì Covid. Do đó, Shark Liên đề nghị đầu tư 3,5 tỷ cho 10% cổ phần. Shark Liên cũng không quên dặn dò: "Nhớ một điều: muốn đi đường dài, hai bạn chọn ai để thực hiện được khát khao và ước mơ của mình".
Shark Hưng và Shark Bình tiếp tục thuyết phục Vua Cua bằng các cam kết sẽ hỗ trợ startup bù đắp các thiếu sót cũng như hỗ trợ startup mở rộng mạng lưới kinh doanh. Shark Hưng đảm bảo sẽ mentor và đồng hành với startup trong nhiều việc như hỗ trợ tìm và chọn địa điểm, con số không dừng lại ở 40 địa điểm mà có thể lên đến vài trăm dựa vào hệ sinh thái bất động sản của mình; còn Shark Bình thì khẳng định: "chuyển đổi số hay là chết". Các Shark cũng cùng một định hướng, đó là đầu tư vào ẩm thực để "thực hiện hóa khát khao biến Việt Nam thành "bếp ăn" của thế giới".
Sau một thời gian suy nghĩ cũng như hội ý với mentor, đại diện của Vua Cua đã bất ngờ quyết định chốt deal đầu tư 3,5 tỷ cho 10% cổ phần của Shark Liên. Lý giải về điều này, Anh Thư cho biết tuy ấn tượng với Shark Hưng và thấy mong muốn đầu tư cho Vua Cua của Shark nhưng do số lượng cổ phần hiện tại có thể chia sẻ với các nhà đầu tư mới là không nhiều. Bên cạnh đó, Anh Thư thích Shark Liên vì Shark rất quan tâm đến cộng đồng LGBT, cũng như Shark Liên có cùng quan điểm với Vua Cua về các vấn đề xã hội khác.
Theo: Doanh nghiệp và Tiếp thị
TIN CŨ HƠN
- Fundiin – Startup mua trả sau miễn phí gọi vốn thành công từ Zone Startups Ventures và 1982 Ventures
- Những thương vụ gọi vốn triệu USD của các startup Việt trong 3 tháng đầu năm
- Vườn ươm khởi nghiệp vẫn thiếu vốn
- Cựu cán bộ và sinh viên ĐH Bách Khoa góp vốn lập quỹ đầu tư startup: Mục tiêu quy mô 10 triệu USD
- Startup Việt "ứng lương tức thì" cho người lao động vừa gọi vốn thành công từ ThinkZone Ventures và BK Fund
- Thêm một startup gọi vốn thành công dù Covid -19 còn khó khăn
- Con đường ngắn nhất trở thành quản lý siêu thị của Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam
- Vốn đầu tư vỏn vẹn 40 triệu đồng, startup giao hàng Supership đặt mục tiêu doanh thu 120 tỷ năm 2021, tăng trưởng bằng lần 6 năm liên tiếp
- Trồng rau giữa sa mạc, start-up gọi vốn thành công 60 triệu USD
- ThinkZone Ventures hợp tác với quỹ đầu tư khởi nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội rót vốn cho startup công nghệ quy mô lên tới 1 triệu USD