Thị trường BĐS cuối năm: Cơ hội cho nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm “săn hàng” giá tốt
Chia sẻ về thị trường thứ cấp, ông Võ Hồng Thắng cho rằng, trước tình thế "khó chồng khó" như hiện nay, thị trường thứ cấp có thể chứng kiến những sự điều chỉnh nhất định (nhất là về giá bán) là điều hoàn toàn có thể xảy ra, đặc biệt ở những dự án gặp vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý; Dự án treo, chậm trễ tiến độ triển khai. Hoặc những người mua cần bán gấp thu hồi dòng tiền phục vụ nhu cầu tài chính cũng như giảm áp lực lãi vay.
"Tuy nhiên đây cũng có thể là cơ hội cho những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm có thể sàng lọc lựa chọn cho mình những bất động sản tốt với mức chiết khấu hấp dẫn, kỳ vọng vào động thái giải ngân cho vay bất động sản trở lại cũng như những tín hiệu tích cực của thị trường vào đầu năm sau", ông Thắng nhấn mạnh.
Còn đối với thị trường sơ cấp, ông Thắng khẳng định, việc giảm giá rất khó bởi chi phí đầu vào (nguyên vật liệu, nhân công, chi phí đất, lãi vay,…) hiện nay rất cao, rất khó để doanh nghiệp giảm giá ở thời điểm hiện tại bởi liên quan đến giá vốn và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Vị chuyên gia này cũng cho hay, tình hình chung của thị trường BĐS từ nay đến cuối năm tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới ở hầu hết các phân khúc. Trong 7 tháng năm 2022, thị trường ghi nhận sự chững lại đáng kể về nguồn cung lẫn sức cầu tại Tp.HCM lẫn các tỉnh giáp ranh. Cụ thể, ở phân khúc đất nền Tp.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận nguồn cung mở bán mới chỉ đạt khoảng 857 nền đến từ 6 dự án, tập trung chủ yếu tại Bình Dương (chiếm 63%). Tuy nguồn cung tăng gấp rưỡi so với tháng trước, lượng tiêu thụ toàn thị trường chỉ khiêm tốn đạt chưa đến một nửa giỏ hàng mở bán trong tháng (48%).
Trong khi phân khúc căn hộ ghi nhận nguồn cung mới đạt khoảng 2,159 căn đến từ 13 dự án, giảm 25% so với tháng trước. Mặc dù vậy, lượng tiêu thụ chỉ đạt ở mức xấp xỉ 54%, đây cũng là mức thấp nhất ghi nhận được kể từ khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ vào cuối năm trước.
Ảnh minh hoạ
Nguyên nhân chính là thị trường đang bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi những thông tin kém tích cực đè nặng lên tâm lý người mua/nhà đầu tư khi đưa ra quyết định xuống tiền mua BĐS thời điểm hiện tại. Một số nguyên nhân có thể kể đến như: Những bất ổn địa chính trị trên thế giới làm đứt gãy chuỗi cũng ứng nguyên vật liệu, ảnh hưởng sản xuất, lao động.
Tiếp đến là tình hình lạm phát tăng cao ở hầu hết các nước trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Bên cạnh đó, lãi suất tăng khiến người mua cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi sử dụng đòn bẩy để đầu tư BĐS.
Bên cạnh đó, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao gây sức ép lên chi phí phát triển dự án, sản phẩm đưa ra thị trường phần lớn định vị phân khúc cao cấp với mặt bằng giá sơ cấp mở bán ở mức cao so với khả năng tài chính của đại đa số người mua với nhu cầu ở thực.
Ngoài ra, tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 350 ngàn tỷ Đồng (trong đó gần 114 ngàn tỷ đồng dùng đầu tư hạ tầng) tương đối chậm, tính đến cuối tháng 7/2022 chỉ mới giải ngân khoảng 48 ngàn tỷ đồng.
Một nguyên nhân quan trọng theo ông Thắng là, động thái tăng cường kiểm soát tín dụng vào BĐS từ giữa tháng 4/2022 đã tác động trực tiếp đến sức cầu của thị trường trong thời gian vừa qua. Hiện tại ngân hàng đang hết room, người mua BĐS/nhà đầu tư hiện nay gần như rất khó để tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng BĐS như những thời gian trước.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam cùng nhận định, tình hình kinh tế vĩ mô và những biến động lớn trên thế giới đương nhiên có ảnh hưởng nhất định đến tâm lý của các nhà đầu tư. Trên quy mô toàn cầu, nhiều nền kinh tế đang gặp khó khăn do giá nhiên liệu tăng và chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Tính đến quý 2/ 2022, lạm phát toàn cầu là 7,8%, là mức cao nhất kể từ năm 2008.
Lạm phát, lãi suất tăng, giá cả tăng… làm hạn chế các điều kiện tài chính cho bất động sản và giảm hiệu ứng đòn bẩy tiềm năng. Trong bối cảnh đó, nhìn chung các nhà đầu tư trở nên thận trọng hơn với các hình thức chi tiêu và các khoản đầu tư lớn.
Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đang có đà hồi phục tốt. Và từ những dữ liệu này kết hợp với quan sát thị trường, chuyên gia Colleirs Việt Nam cho rằng, không ít nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng BĐS là "hầm trú ẩn" giúp họ bảo toàn tài sản. Nhu cầu "nắm chắc" tài sản chừng như đang được nhà đầu tư đề cao trong giai đoạn này.
"Với những nhà đầu tư có thực lực, "trường" vốn và tầm nhìn dài dạn, đây sẽ là thời cơ tích luỹ BĐS của họ và chờ đợi thời điểm thuận lợi để thu về lợi nhuận trong tương lai", chuyên gia Colliers Việt Nam nhấn mạnh.
Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Nhà ở xã hội và những kỳ vọng của người trong cuộc
- Giá chung cư tăng vọt sau 'sốt đất', người có nhu cầu chuyển hướng đi thuê
- Bất động sản Hà Nam “đón sóng” đầu tư
- Vì sao Hà Nội tắc nguồn cung căn hộ chung cư?
- Bất thường giá chung cư Hà Nội phi mã
- Nhà đầu tư đất than trời vì không ai mua
- Thấy gì sau câu chuyện các "đại gia" BĐS đồng loạt tuyên bố làm nhà ở xã hội?
- Chung cư cũ đang ghi nhận hiện tượng tăng giá mạnh
- Hà Nội rầm rộ đấu giá đất trở lại, vùng ven xuất hiện kỷ lục giá mới
- Giá bất động sản vẫn tăng khi thị trường khựng lại, chuyên gia “bắt mạch” thị trường cuối năm