Thị trường hàng hóa ngày 10/8: Dầu vẫn giảm, cao su tăng phiên thứ 4 liên tiếp lên cao nhất 3 tuần

Kết thúc phiên giao dịch ngày 9/8, giá dầu, thép và đậu tương giảm trong khi nhôm cao nhất 6 tuần và cao su cao nhất 3 tuần

Dầu tiếp tục giảm giá

Giá dầu kết thúc phiên vừa qua giảm do tranh chấp thương mại Trung Quốc – Mỹ leo thang, làm dấy lên nghi ngờ về triển vọng nhu cầu dầu.

Lúc đóng cửa phiên, giá dầu thô Brent kỳ hạn giảm 21 US cent xuống còn 72,07 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI giảm 13 US cent xuống còn 66,81 USD/thùng.

Các thương gia dầu mỏ cũng tỏ ra lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc. Nhập khẩu dầu thô của nước này đã tăng nhẹ trong tháng 7 sau khi giảm 2 tháng liên tiếp song vẫn đạt mức thấp nhất từ đầu năm tới nay do tiêu thụ giảm tại các nhà máy lọc dầu nhỏ.Trong khi đó, Iraq cắt giảm giá bán chính thức đối với các lô hàng dầu thô Basra Light giao tháng 9 cho các khách hàng châu Á.

Vàng giảm giá

Sau 2 phiên tăng liên tiếp, giá vàng duy trì vững do đồng CNY tăng so với USD, với vàng giao ngay ổn định ở mức 1.213,05 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12 tại Mỹ giảm 1,1% tương đương 0,1% xuống còn 1.219,9 USD/ounce.

Nhà phân tích Michael Widmer thuộc Bank of America-Merrill Lynch dự kiến giá vàng sẽ tăng trong nửa cuối năm do USD yếu, và chính phủ Trung Quốc đang có các chính sách ổn định đồng nội tệ.

Nhôm cao nhất 6 tuần

Giá nhôm tăng mạnh phiên thứ 2 liên tiếp, lên cao nhất 6 tuần do lo ngại thiếu hụt nguồn cung sau cuộc đình công tại nhà máy luyện nhôm Alcoa của Australia, cảnh báo đóng cửa tại Rusal và dự trữ nhôm tại LME giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007 còn 832.775 tấn. Ngoài ra, thị trường chứng khoán Trung Quốc và đồng CNY tăng cũng là yếu tố nâng đỡ giá nhôm.

Giá nhôm kỳ hạn trên sàn London kết thúc phiên giảm 1,3% xuống còn 2.078 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 2.147,5 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 29/6/2018.

Thép giảm, sắt tăng

Giá thép cây trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên giảm 0,3% xuống còn 4.227 CNY (619 USD)/tấn và thép cuộn cán nóng giảm 0,3% xuống còn 4.220 CNY/tấn, sau khi đạt mức cao kỷ lục 4.287 CNY/tấn trong phiên liền trước. Trong khi đó, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng 0,5% lên 514 CNY/tấn sau khi giảm hơn 1% trong phiên giao dịch.

Nhà phân tích Helen Lau thuộc Argonaut Securities dự kiến giá thép và quặng sắt sẽ vẫn duy trì ở mức cao và nguồn cung thép sẽ thiếu hụt nhiều hơn sắt, đặc biệt trong mùa đông, do Trung Quốc cắt giảm sản xuất thép nhiều trong năm 2018. Sáu thành phố lớn của nước này là Thiên Tân, Thạch Gia Trang, Đường Sơn, Hàm Đan, Hình Đài và An Dương sẽ phải cắt giảm 50% công suất sản xuất trong mùa đông, và Hà Bắc – Bắc Kinh sẽ phải đóng cửa không dưới 30% công suất sản xuất.

Cao su tăng phiên thứ 4 liên tiếp

Giá cao su tại Tokyo tăng phiên thứ 4 liên tiếp, lên mức cao nhất 3 tuần bất chấp giá dầu suy yếu. Thị trường được hỗ trợ bởi giá cao su tại Thượng Hải tăng và đồng JPY yếu so với đồng USD. Cao su giao tháng 1/2019 trên sàn Tokyo kết thúc phiên tăng 0,5 JPY lên 174,5 JPY (1,57 USD)/kg; cao su giao cùng kỳ hạn tại Thượng Hải tăng 70 CNY lên 12.580 CNY (1.845 USD)/tấn.

Một thương nhân cho biết, thị trường dầu gần đây tăng (không tính tới 2 phiên giảm gần nhất) đã thúc đẩy giá cao su tổng hợp lên cao khiến người dùng chuyển qua cao su tự nhiên nhiều hơn và qua đó thúc đẩy giá. Họ dự báo giá cao su kỳ hạn sẽ đạt 180-185 JPY/kg trong thời gian ngắn tới.

Đường tăng giá do sản lượng giảm tại Brazil

Giá đường tăng do sản lượng tại Brazil giảm so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó sản lượng ethanol tăng trong nửa cuối tháng 7/2018, tuy nhiên, giá đường vẫn chưa vượt qua ngưỡng kháng cự quan trọng 11 US cent.

Đường thô kỳ hạn tháng 10 tăng 0,3 US cent tương đương 0,3% lên 10,84 US cent/lb, sau 2 phiên giảm liên tiếp. Đường trắng cùng kỳ hạn tăng 2,3 USD tương đương 0,7% lên 321,7 USD/tấn. Sản lượng đường khu vực trung nam Brazil trong nửa cuối tháng 7/2018 đạt 2,615 triệu tấn đường, tăng so với 2,389 triệu tấn 2 tuần trước đó nhưng giảm so với cùng kỳ năm ngoái, Tập đoàn công nghiệp mía đường Unica cho biết.

Đậu tương, ngô, lúa mì giảm

Giá đậu tương giảm sau 2 phiên tăng liên tiếp, do thời tiết thuận lợi tại Mỹ thúc đẩy sản lượng vụ thu hoạch của nước này.

Đậu tương kỳ hạn tháng 11/2018 trên sàn Chicago giảm 6-1/2 US cent xuống còn 9,04 USD/bushel, ngô kỳ hạn tháng 12 giảm 2-1/4 US cent xuống còn 3,82-3/4 USD/bushel, và lúa mì đỏ mềm vụ đông kỳ hạn tháng 9 giảm 5-1/2 US cent xuống còn 5,64-1/2 USD/bushel.

Gạo duy trì ổn định tại Ấn Độ, tăng ở Việt Nam và Thái Lan

Giá gạo Ấn Độ duy trì vững trong tuần này, do lo ngại sản lượng giảm trong khi đó nhu cầu tại nước xuất khẩu gạo hàng đầu yếu.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ ở mức khoảng 392-396 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước đó. Xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong quý II/2018 tăng 4,4% so với cùng quý năm ngoái lên 3,15 triệu tấn, do nhu cầu từ các nước châu Phi mạnh.

Mưa lớn và lũ lụt tại các khu vực trồng lúa gạo trọng điểm của Việt Nam và Thái Lan ảnh hưởng đến sản lượng vụ thu hoạch và tác động đến giá gạo. Tại Thái Lan, gạo 5% tấm tăng nhẹ lên 390-395 USD/tấn FOB, Bangkok, so với 385-393 USD/tấn cách đây 1 tuần. Trong khi đó tại Việt Nam, gạo 5% tấm ở mức 395-400 USD/tấn, tăng so với 385-395 USD/tấn tuần trước đó.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 10/8

Thị trường hàng hóa ngày 10/8: Dầu vẫn giảm, cao su tăng phiên thứ 4 liên tiếp lên cao nhất 3 tuần - Ảnh 1.

Theo: Trí thức trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật