Thị trường hàng hóa ngày 16/8/2018: Vàng thấp nhất 18 tháng, dầu lao dốc mất 3%

Các thị trường hàng hóa khác như là quặng sắt, đồng, dầu cọ, lúa mì, đậu tương đều bị sụt giá mạnh.
Thị trường hàng hóa ngày 16/8/2018: Vàng thấp nhất 18 tháng, dầu lao dốc mất 3%
 
Tiếp tục chịu sức ép từ căng thẳng thương mại Mỹ- Trung, cuộc khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng lan rộng, USD mạnh, khiến giá hầu hết các mặt hàng giảm xuống trong ngày 15/8: Giá vàng chạm mức thấp nhất 18 tháng; các kim loại quý khác giảm sâu; dầu giảm 3%; quặng sắt thấp nhất 1,5 tuần; đồng thấp nhất hơn 1 năm; dầu cọ thô thấp nhất gần 2 tuần; lúa mì,đậu tương, măng cụt giảm mạnh. Thép trong khi đó vẫn vững quanh mức cao 6 năm.

Dầu giảm 3% do dự trữ tăng bất thường

Dầu thô kỳ hạn giảm 3% sau khi các số liệu của chính phủ cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng mạnh, cộng với lo ngại gia tăng về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung ngày một căng thẳng.Dầu thô kỳ hạn giao sau của Mỹ chốt phiên đạt 65,01 USD / thùng, giảm 2,03 USD, tương đương 3%. Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau giảm 1,70 USD, tương đương 2,35%, ở mức 70,76 USD / thùng.

Dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng 6,8 triệu thùng mặc dù khối lượng tinh lọc dầu dầu thô đã tăng kỷ lục, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng. Dự trữ dầu thô tại Cushing, Oklahoma tăng 1,6 triệu thùng. Trong khi, sản lượng tinh lọc dầu thô đã tăng mạnh đạt kỷ lục gần 18 triệu thùng/ngày.

Các nhà nhập khẩu Trung Quốc hiện không dám mua dầu thô của Mỹ vì lo ngại Bắc Kinh có thể thêm dầu thô vào danh sách thuế quan của mình.

Vàng thấp nhất 18 tháng, các kim loại quý khác giảm sâu

Vàng giảm xuống mức thấp nhất hơn 18 tháng khi USD tăng lên mức cao nhất trong hơn một năm vì lo ngại cuộc khủng hoảng tài chính Thổ Nhĩ Kỳ lan rộng ra toàn cầu. Ngoài ra, hoạt động bán vàng từ các thị trường mới nổi để tăng cường đồng nội tệ cũng gây áp lực lên vàng. USD tăng và lo ngại tiếp tục thừa cung cũng đẩy bạch kim và paladi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2008 và tháng 7/2017.

Vàng giao ngay giảm 1,3% còn 1.178,33 USD/ounce, sau khi chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 1/2017 là 1.174,35 USD. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giao tháng 12 đã giảm 15,70 USD, tương đương 1,3%, còn 1.185 USD/ounce. Bạch kim giao ngay giảm xuống mức thấp nhất kể từ 10/2008 là 752,25 USD/ounce. Paladi giảm 5,2% xuống 850,10 USD/ounce, trước đó chạm ngưỡng 834,50 USD, thấp nhất kể từ tháng 7/2017. Bạc giảm 3,3% còn 14,46 USD/ounce sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016 là 14,32 USD/ounce.

Quặng sắt thấp nhất 1,5 tuần trong khi thép vững quanh mức cao 6 năm

Giá quặng sắt Trung Quốc giảm phiên thứ năm liên tiếp, chạm mức thấp nhất 1,5 tuần do lo ngại nhu cầu tiêu thụ nguyên liệu thô giảm khi sản lượng thép trong nước cắt giảm trong khi nguồn cung tăng. Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 7/2018 đạt 89,96 triệu tấn, tăng 8% so với tháng 6.

Giá quặng sắt giao tháng 1/2019 tại Đại Liên chốt phiên giảm 1,6% xuống 502,50 NDT/tấn sau khi chạm mức 498 NDT/tấn, thấp nhất kể từ ngày 6/8. Trong khi đó, giá thép vững do chính sách cắt giảm sản xuất thép. Giá thép cây tại Thượng Hải chốt phiên tăng 0,1% đạt 4.345 CNY(630 USD)/tấn, gần chạm mức cao nhất 6 năm là 4.370 CNY/tấn, đạt được trong phiên liền trước.

Đồng thấp nhất hơn 1 năm

Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm khi USD mạnh thêm và liên đoàn lao động mỏ Escondida của Chile cho biết họ sẽ hủy bỏ kế hoạch đình công sau khi nhà máy khai thác BHP đưa ra một giải pháp mới. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng lo ngại về kinh tế của nước tiêu thụ đồng hàng đầu thế giới Trung Quốc. Giá đồng kỳ hạn ba tháng tại LME giảm 1,9% xuống còn 5.928 USD/tấn, thấp nhất kể từ tháng 7/2017. Trong khi, đồng giao tháng 10 tại Thượng Hải chốt phiên giảm 2,3% xuống 48.550 NDT (7.036,84 USD) /tấn, trước đó chạm mức 48.240 NDT, thấp nhất kể từ 20/7.

Dầu cọ thô thấp nhất gần 2 tuần

Giá dầu cọ kỳ hạn giao sau Malaysia giảm xuống mức thấp nhất gần hai tuần vào cuối phiên giao dịch do nhu cầu xuất khẩu yếu và giá dầu đậu tương Mỹ giảm. Đồng rupee Ấn Độ yếu đã ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ hàng xuất khẩu của Malaysia do Ấn Độ là nước nhập khẩu dầu ăn lớn nhất thế giới.

Giá dầu cọ kỳ hạn giao tháng 10 tại Malaysia chốt phiên giảm 0,8% xuống còn 2.195 ringgit (535,10 USD)/tấn. Giá thấp nhất trong ngày là 2.192 ringgit/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 3/8/2018.

Lúa mì, đậu tương giảm mạnh

Giá lúa mì và đậu tương kỳ hạn giao sau của Mỹ giảm do hoạt động bán rầm rộ, USD vững dấy lên lo ngại về triển vọng xuất khẩu của nước này. Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết vụ thu hoạch đậu tương Mỹ sẽ lớn hơn dự kiến và nguồn cung lúa mì toàn cầu dồi dào hơn, cũng là yếu tố ép giá giảm.

Giá lúa mì tại Chicago giao tháng 9 giảm 9-1/2 cent xuống 5,32-1/4/bushel, xấp xỉ mức thấp nhất 2,5 tuần trước đó là 5,28-1/4. Trong khi, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 chốt phiên giảm 10-3/4 cent còn 8,69 USD/ bushel.

Giá măng cụt giảm mạnh do vụ mùa bội thu

Giá măng cụt tại Trung Quốc giảm mạnh từ mức hơn 20 CNY (2,92 USD)/0,5 kg hồi đầu tháng 6 xuống còn khoảng 10 CNY(1,46 USD)/0,5 kg hiện nay do đang mùa thu hoạch. Giá dự báo sẽ giảm hơn nữa do nguồn cung tăng. Hầu hết măng cụt trên thị trường Trung Quốc được nhập khẩu từ Thái Lan và một lượng nhỏ hơn được nhập khẩu từ Indonesia. Giá măng cụt Thái Lan thấp, hương vị rất ngon nên bán khá chạy.

Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc sáng nay 16/8

Thị trường hàng hóa ngày 16/8/2018: Vàng thấp nhất 18 tháng, dầu lao dốc mất 3% - Ảnh 1.

Theo: Trí thức trẻ


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật