Thị trường M&A BĐS vẫn nhộn nhịp giữa mùa giãn cách vì dịch
Trong một khảo sát mới đây, một số đơn vị nghiên cứu cho rằng 2021 là năm thị trường M&A tại Việt Nam sẽ phục hồi. Có 42% tin rằng tổng giá trị ước đạt khoảng 3-4 tỷ USD, 26% dự đoán khả quan hơn vào khoảng 4-5 tỷ USD và 24% thận trọng hơn với con số 3 tỷ USD còn lại 8% tin tưởng có thể đạt 5 tỷ USD.
Riêng với lĩnh vực BĐS, M&A sẽ diễn ra nhộn nhịp ở các dự án nhà ở, nở rộ việc mua bán sáp nhập quỹ đất ở các TP lớn như TP.HCM và Hà Nội, cũng như các tỉnh lân cận có sự phát triển mạnh về đô thị xung quanh hai đô thị đặc biệt này.
Thực tế thì trong thời gian qua không ít đại gia địa ốc cũng tích cực "gom" quỹ đất thông qua M&A, doanh nghiệp ít thì vài trăm tỷ đồng còn những "ông lớn" thì đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho hoạt động này mỗi năm.
Chẳng hạn như Nam Long mỗi năm chi đều đặn khoảng 2.000 tỷ đồng để M&A các dự án, gia tăng quỹ đất, mới đây đơn vị này đã thâu tóm dự án Waterfront Đồng Nai từ Keppel Land và đổi tên thành Izumi City; Hay An Gia cũng đã mua 3ha đất tại Bình Dương để phát triển dự án quy mô khoảng 3.000 sản phẩm, và đang trong quá trình hoàn tất đàm phán tiếp tục mua thêm 30 - 50 ha quỹ đất thấp tầng; Phát Đạt cũng vừa mua xong 4,5ha tại Bình Dương,…
Ông lớn Novaland cũng không ngừng chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho hoạt động M&A quỹ đất trong năm qua. Tính đến cuối năm 2020 đơn vị này đã nắm trong tay quỹ đất khổng lồ lên tới khoảng 5.000ha. Tiết lộ tại một sự kiện M&A năm ngoái, đại diện Novaland từng cho biết vừa chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm một số quỹ đất Đồng Nai, đồng thời trong năm 2020 Tập đoàn cũng thu về từ việc chuyển nhượng dự án/ chuyển nhượng cổ phần các công ty sở hữu dự án hàng chục ngàn tỷ đồng.
Vị trí quỹ đất cũng khiến thị trường chú ý. Hiện theo BCTN 2020 thì Novaland có khoảng gần 700ha quỹ đất tại TP.HCM, trong đó những quỹ đất quy mô hơn 100 ha tập trung ở phía Đông Thành phố, và có đủ điều kiện để làm một khu đô thị bài bản hơn cả Lakeview City.
Khu Đông Tp.HCM đang có tốc độ phát triển đô thị rất cao
Không chỉ BĐS nhà ở, du lịch mà BĐS công nghiệp gần đây cũng "dậy sóng" với các thương vụ M&A lớn. Theo Savills, các dự án lớn nhất trong tháng 5/2021 đến từ nhóm doanh nghiệp Hồng Kông và Singapore đầu tư vào các tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang. Có thể kể tới thương vụ Boustead Projects mua lại 49% cổ phần trong CTCP Phát triển Công nghiệp KTG Bắc Ninh tại khu công nghiệp (KCN) Yên Phong với giá khoảng 6,9 triệu USD; Hay ESR Cayman Limited - nền tảng bất động sản hậu cần lớn nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương và CTCP Phát triển Công nghiệp BW (BW) cũng đã công bố hợp tác thành lập liên doanh mới với mục tiêu sở hữu và cùng phát triển 240.000 m2 tại KCN Mỹ Phước 4 gần TP.HCM; Công ty CP Công nghiệp KCN Việt Nam đã mua lại quỹ đất rộng 250 ha, với tổng vốn đầu tư 300 triệu USD.
Theo nhận định của giới chuyên gia, hiệu suất sinh lời cao, tiềm năng tăng trưởng của thị trường Việt Nam còn non trẻ và đang phát triển đã hấp dẫn các nhà đầu tư trong vào ngoài nước tham gia lĩnh vực BĐS. Dù nhiều thương vụ vẫn đang trong giai đoạn đàm phán và rà soát pháp lý, nhưng đây vẫn được xem là yếu tố tích cực cho thị trường BĐS Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc nghiên cứu thị trường, tư vấn phát triển và thẩm định giá của CBRE Việt Nam thì xu hướng M&A vẫn diễn ra mạnh trong lĩnh vực BĐS. Điều này thể hiện qua việc các nhà đầu tư trong và ngoài nước thường xuyên mua lại hoặc tham gia để trở thành cổ đông tại các dự án bất động sản. Sản phẩm được nhà đầu tư quan tâm cũng rất đa dạng, bao gồm cả quỹ đất thương mại, bất động sản du lịch nghỉ dưỡng...
Theo Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Người dân Thủ đô có xu hướng dịch chuyển về vùng ven
- Bất động sản cửa khẩu – “Gu” mới của giới đầu tư sành sỏi
- Đất nền đã khó "lướt sóng", nhưng vẫn là mảnh đất màu mỡ hái ra tiền
- Thị trường bất động sản cần thời gian điều chỉnh lại giá sau cơn sốt đất
- Bất động sản Việt vẫn thu hút mạnh đầu tư nước ngoài
- 5 lý do bất động sản hàng hiệu là kênh đầu tư trú ẩn an toàn
- Bất động sản ven đô đón sóng đầu tư mới
- Bắt mạch BĐS Khu Tây Nam: Tiềm năng lớn, khát căn hộ hạng sang
- Xu hướng thị trường bất động sản thứ cấp và “luồng gió” mới đến từ OneHousing
- Quy hoạch 4 quận nội đô Hà Nội: Tăng cao ốc có gây ùn tắc?