Thị trường ngày 03/4: Giá LNG, thép, cao su, quặng sắt châu Á đồng loạt tăng

Phiên giao dịch cuối tuần các thị trường ở Châu Mỹ, Châu Âu và một số nơi khác đóng cửa thứ sáu Tuần Thánh, tại thị trường châu Á, hầu hết các mặt hàng tăng giá, riêng quặng sắt hồi phục nhưng tính chung cả tuần vẫn mất hơn 10%.

Giá LNG giao ngay ở Châu Á tăng

Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay ở Châu Á tăng trong tuần này khi Châu Âu và Trung Quốc tìm kiếm nguồn cung trước mùa hè.

Giá LNG trung bình giao tháng 5 tại Đông Bắc Châu Á ước tính ở mức 6,95 USD/mmBtu, tăng 15 US cent so với một tuần trước.

Một thương gia tại London cho biết các khách hàng ở Châu Âu đang tìm cách tích trữ và Trung Quốc đang đảm bảo nguồn cung cho mùa hè, điều này có thể tăng nhu cầu trong những tháng tới.

Lượng hàng giao trong nửa đầu tháng 6 khoảng 7 USD/mmBtu, sau khi một tàu bị nghẽn tại kênh đào Suez khiến việc giao hàng bị trì hoãn và đẩy giá lên cao.

Đồng Thượng Hải tăng

Giá đồng Thượng Hải tăng trong phiên cuối tuần do lo ngại về nguồn cung đồng đã tinh chế bị hạn chế sau khi số liệu cho thấy hoạt động luyện đồng toàn cầu giảm do thiếu nguyên liệu.

Hợp đồng giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 2,4% lên 67.090 CNY (10.227,91 USD)/tấn, tính chung cả tuần tăng 0,9%.

Tháng 3 việc luyện đồng trên toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm, đặc biệt ở Trung Quốc, nhà sản xuất đồng tinh luyện hàng đầu thế giới.

Nguồn cung quặng đồng khan hiếm một phần lấn át dấu hiệu nhu cầu đồng tinh chế yếu hơn so với dự kiến tại Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, do nước này bước vào mùa nhu cầu mạnh trong quý 2.

Tồn kho đồng trên sàn Thượng Hải tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2020 tại 197.628 tấn.

Công ty khai thác kim loại Sumitomo, nhà luyện đồng lớn thứ hai của Nhật Bản dự kiến sản lượng đồng đã tinh luyện của họ trong năm tài chính 2021/22 giảm 5% xuống 421.000 tấn vì bảo dưỡng tại nhà máy luyện Toyo.

Quặng sắt Trung Quốc giảm 10%

Quặng sắt Trung Quốc tăng trong phiên cuối tuần nhưng giảm hơn 10% trong tuần qua trong khi giá thép thanh và thép cuộn cán nóng đóng cửa lên mức cao kỷ lục do nguồn cung hạn chế.

Bộ Công nghiệp và cơ quan kế hoạch nhà nước Trung Quốc đã công bố các cuộc thanh tra theo kế hoạch để kiểm tra việc thực hiện cắt giảm công suất thép trong vài năm qua và nhắc lại ý định hạn chế sản lượng thép thô hơn nữa trong năm 2021 để giảm lượng khí thải.

Công suất sử dụng tại 163 lò cao ở Trung Quốc giảm xuống 76,92% trong tuần này, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2019, theo số liệu từ công ty tư vấn Mysteel.

 Hợp đồng quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 1,8% lên 979 CNY (149,18 USD)/tấn, nhưng giảm 10,1% trong tuần qua.

Trong khi đó, giá thép tiếp tục tăng do tiêu thụ phục hồi. Nhu cầu thép thanh và thép cuộn cán nóng tăng lần lượt 7% và 2% so với tuần trước.

Thép thanh giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa tăng 3,7% lên 5.157 CNY/tấn, tăng 9 tuần liên tiếp.

Thép cuộn cán nóng tăng 2,5% lên mức kỷ lục 5.556 CNY/tấn. Hợp đồng này tăng tuần thứ 4 liên tiếp và kết thúc tuần này tăng 6,9%.

Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe ở Trung Quốc tăng 2 USD lên 168 USD/tấn.

Thép không gỉ tại Thượng Hải giao tháng 6 giảm 0,2% xuống 14.275 CNY/tấn.

Cao su Nhật Bản tăng

Giá cao su Nhật Bản tăng sau khi một số số liệu cho thấy hoạt động sản xuất phục hồi tại Châu Á và Châu Âu, thúc đẩy hy vọng một sự phục hồi kinh tế mạnh từ đại dịch Covid-19.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 6,1 JPY hay 2,5% lên 251,5 JPY/kg.

Các nhà máy khắp Châu Âu và Châu Á tăng sản xuất trong tháng 3 do nhu cầu phục hồi vững chắc hỗ trợ các nhà sản xuất vượt qua những thất bại do đại dịch, củng cố sự lạc quan của thị trường rằng việc triển khai vaccine và tăng trưởng mạnh mẽ ở Mỹ, Trung Quốc sẽ giúp nền kinh tế toàn cầu trở lại tăng trưởng.

Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 2,6% đóng cửa tại 14.405 CNY/tấn.

Sản lượng dầu của Nga tăng trong tháng 3

Sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga tăng lên 10,25 triệu thùng/ngày trong tháng 3 so với 10,1 triệu thùng/ngày trong tháng 2, theo tính toán của Reuters dựa trên báo cáo của Interfax.

Sản lượng dầu của Nga phục hồi sau khi giảm trong tháng 2, khi các nguồn tin trong ngành cho biết những thách thức trong việc khôi phục sản lượng từ các mỏ đã khai thác càng trở nên trầm trọng hơn do thời tiết mùa đông khắc nghiệt.

Tổng sản lượng dầu và khí ngưng tụ ở mức 43,34 triệu tấn trong tháng 3, so với 38,56 triệu tấn trong tháng 2.

Dựa vào thỏa thuận của OPEC+ trong tháng trước, Nga được cho phép tăng sản lượng dầu thô tiếp 130.000 thùng/ngày trong tháng 4.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Nga cũng sẽ tiếp tục tăng sản lượng 114.000 thùng/ngày trong tháng 5 tới tháng 7.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 03/04

Minh Quân

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật