Thị trường ngày 13/6: Dầu lao dốc - thấp nhất trong 1,5 năm qua; vàng, đồng, quặng sắt, cao su đồng loạt giảm
Dầu giảm 4%
Giá dầu giảm khoảng 3 USD/thùng do giới phân tích nhấn mạnh nguồn cung toàn cầu đang tăng và lo ngại về tăng trưởng nhu cầu ngay trước khi công bố số liệu lạm phát quan trọng và cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong tuần này.
Chốt phiên 12/6, dầu thô Brent giảm 2,95 USD hay 3,9% xuống 71,84 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Dầu WTI giảm 3,05 USD hay 4,4% xuống 67,12 USD/thùng.
Goldman Sachs cắt giảm dự báo giá dầu của họ do nguồn cung từ Nga và Iran nhiều hơn dự kiến. Dự báo giá dầu thô trong tháng 12 của ngân hàng này hiện ở mức 86 USD/thùng với dầu Brent, giảm từ 95 USD và 81 USD/thùng với dầu WTI, giảm từ 89 USD.
Việc Fed tăng lãi suất làm USD mạnh lên, khiến các hàng hóa định giá bằng đồng tiền này trở nên đắt đỏ cho người nắm giữ các ngoại tệ khác và gây áp lực lên giá.
Cũng gây áp lực lên tâm lý của nhà đầu tư, nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nhà nhập khầu dầu thô và các sản phẩm hàng đầu thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi mạnh.
Tuần trước, cả dầu Brent và WTI có tuần giảm thứ hai liên tiếp khi số liệu kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc đã xóa đi mức tăng giá sau khi Saudi Arabia cam kết cắt giảm sản lượng trong tháng 7.
Vàng giảm do USD mạnh lên
Giá vàng giảm do USD và lợi suất trái phiếu mạnh, trong khi các nhà giao dịch chuẩn bị cho một tuần bận rộn với các báo cáo lạm phát quan trọng của Mỹ và các cuộc họp chính sách của ngân hàng trung ương lớn.
Vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.953,77 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,4% xuống 1.969,7 USD/ounce.
Chỉ số USD tăng 0,2% khiến vàng đắt hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng cũng khiến vàng kém hấp dẫn.
Các thị trường định giá 76% khả năng Fed giữ lãi suất không đổi và 71% khả năng tăng trong tháng 7.
Đồng giảm
Giá đồng giảm do thị trường lo lắng về nhu cầu tại Trung Quốc trong khi chờ cuộc họp tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ về lãi suất, mặc dù USD yếu hơn đã hỗ trợ một phần.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 0,98% xuống 8.300 USD/tấn. Giá kim loại này đã đạt cao nhất một tháng trong ngày 9/6, bởi lạc quan về khả năng Trung Quốc có thêm kích thích kinh tế.
Các nhà kinh doanh cho biết phần lớn sự gia tăng của giá đồng kể từ khi xuống mức thấp nhất 6 tháng vào ngày 24/5 là do nhà giao dịch và các quỹ cắt giảm vị thế bán khống đặt cược giá giảm hơn.
Cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed bắt đầu từ 13/6, khi số liệu lạm phát trong tháng 5 của Mỹ cũng được công bố. Trong tuần này Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản tổ chức họp.
Thị trường cũng tìm chiều hướng từ số liệu của Trung Quốc về tổng tài chính xã hội, các khoản vay, đầu tư mới bằng đồng nhân dân tệ, sản xuất công nghiệp, đầu tư đô thị và giá nhà.
Quặng sắt thoái lui
Giá quặng sắt giảm trong bối cảnh chốt lời, với quặng sắt tại Singapore giảm sau 8 phiên tăng liên tiếp và giá tại Đại Liên giảm từ mức cao nhất 10 tuần.
Các nhà giao dịch thận trọng trước một loạt số liệu tháng 5 của Trung Quốc được công bố trong tuần này, ví như sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, số liệu cho vay của ngân hàng và giá nhà cũng như quyết định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) về lãi suất cho vay trung hạn.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 7 tại Singapore giảm 4,8% xuống 107,2 USD/tấn.
Quặng sắt giao tháng 9 tại sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 1,8% xuống 785,5 CNY (109,96 USD)/tấn.
Hy vọng về một gói kích thích lớn hơn, đáng kể hơn để hỗ trợ nền kinh tế của Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu khiến giá quặng sắt tăng bắt đầu từ cuối tháng 5.
Tuy nhiên, quặng sắt có thể vẫn được hỗ trợ khi sự chú ý chuyển sang quyết định lãi suất cho vay trung hạn của PBOC. Các nhà phân tích Goldman Sachs cho biết lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc dự kiến sẽ phải vật lộn với sự yếu kém kéo dài trong nhiều năm và các vấn đề của nó sẽ tiếp tục cản trở tăng trưởng kinh tế của nước này.
Thép cây tại Thượng Hải giảm 1,1%, thép cuộn cán nóng giảm 0,8%, dây thép cuộn giảm 1,3% và thép không gỉ tăng 0,9%.
Cao su Nhật Bản ở mức thấp nhất gần 2 tuần
Giá cao su Nhật Bản ở mức thấp nhất trong gần hai tuần, theo xu hướng thị trường Thượng Hải trước khi có số liệu mới trong tuần này.
Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 2,2 JPY hay 1% xuống 209,8 JPY (1,5 USD)/kg, tiếp tục giảm phiên thứ 3 liên tiếp và thấp nhất kể từ ngày 2/6.
Tại Thượng Hải cao su giao tháng 9 giảm 175 CNY xuống 11.895 CNY (1.665,15 USD)/tấn.
Lạm phát bán buôn trong tháng 5 của Nhật Bản chậm lại tháng thứ 5 liên tiếp do giá nhiên liệu và hàng hóa giảm.
Giá dầu giảm khuyến khích các nhà sản xuất chuyển sang cao su tổng hợp có nguồn gốc từ dầu mỏ khiến giá cao su tự nhiên giảm.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,09 US cent hay 0,4% lên 25,47 US cent/lb
Các đại lý cho biết thị trường này được hỗ trợ bởi lo ngại thời tiết, hiện tượng El Nino có thể dẫn tới thời tiết khô hạn hơn bình thường tại các nhà sản xuất lớn ở Châu Á như Ấn Độ và Thái Lan, điều đó có thể hạn chế sản lượng.
Ấn Độ không xem xét cho phép xuất khẩu đường ít nhất cho đến nửa đầu của vụ tới, vì chính phủ lo ngại thời tiết El Nino có thể làm giảm lượng mưa và ảnh hưởng tới sản lượng.
Các đại lý cũng lưu ý rằng Trung Quốc có thể đang mua đường thô đã hỗ trợ giá.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 3,7 USD hay 0,5% lên 684,6 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 đóng cửa giảm 21 USD hay 0,8% xuống 2.681 USD/tấn.
Các nhà đầu cơ đang mở rộng vị thế mua ròng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm.
Sản lượng tại Indonesia thấp hơn dự đoán trong khi hiện tượng thời tiết El Nino đe dọa hạn chế sản lượng tại Việt Nam.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 5,15 US cent hay 2,8% xuống 1,8150 USD/lb.
Ngô, lúa mì tăng, đậu tương diễn biến trái chiều
Giá ngô trên sàn giao dịch Chicago tăng sau khi lượng mưa đáng thất vọng vào cuối tuần tại vành đai trồng ngô của Mỹ làm dấy lên lo ngại về tình trạng khô hạn khiến hạn chế sản lượng. Lúa mì tăng theo ngô và căng thẳng gia tăng tại khu vực xuất khẩu ngũ cốc ở Biển Đen.
Lúa mì CBOT kỳ hạn tháng 7 tăng 3-1/2 US cent lên 6,33-3/4 USD/bushel.
Ngô CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 13 US cent lên 6,17-1/4 USD/bushel sau khi lên 6,23-3/4 USD, mức cao nhất kể từ ngày 21/4.
Đậu tương đóng cửa diễn biến trái chiều, với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 giảm do nhu cầu xuất khẩu yếu và chốt lời sau khi lên mức cao nhất 4 tuần, trong khi hợp đồng đậu tương vụ mới tăng do lo lắng thời tiết khô hạn tại khu vực Midwest.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 13-3/4 US cent xuống 13,72-3/4 USD/bushel, thoái lui sau khi tăng lên 13,92-3/4 USD, cao nhất kể từ ngày 16/5.
Đậu tương vụ mới kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 4-3/4 US cent lên 12,09 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 13/6
Nhịp sống thị trường
TIN CŨ HƠN
- Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 13/6
- Lãi suất huy động cao nhất ngày 12/6 tại ngân hàng nào?
- Lịch sự kiện và tin vắn chứng khoán ngày 12/6
- Thị trường bất động sản TPHCM có dấu hiệu phục hồi
- Thị trường ngày 9/6: Giá dầu giảm, vàng, đồng, thép, đường và cà phê đồng loạt tăng
- Nghịch lý nhà ở xã hội: Nơi khao khát, chỗ hững hờ
- Nhiều ngân hàng tư nhân lớn tiếp tục hạ lãi suất huy động, xu hướng giảm sẽ chưa dừng lại?
- Thị trường ngày 8/6: Giá dầu bật tăng trở lại, vàng, đồng, thép cây và đường đồng loạt giảm
- Lãi suất hạ nhiệt, thị trường bất động sản đón sóng đầu tư quý 3
- Thị trường ngày 7/6: Giá dầu quay đầu giảm, quặng sắt cao nhất 7 tuần