Thị trường ngày 17/1: Giá dầu tăng, cacao đạt kỷ lục mới, kim loại và cao su giảm

Sau khi đồng loạt tăng trong phiên đầu tuần, giá hầu hết các hàng hóa quay đầu giảm trong phiên thứ Ba do USD mạnh lên làm cho những hàng hóa định giá bằng đồng tiền Mỹ trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng đồng tiền khác.

Dầu tăng nhẹ

Giá dầu ít thay đổi vào thứ Ba, chịu áp lực khi đồng đô la tăng lên mức cao nhất trong một tháng nhưng được hỗ trợ bởi những lo lắng về tác động từ sự gia tăng căng thẳng ở Trung Đông đối với nguồn cung năng lượng.

Giá dầu thô Brent kết thúc phiên tăng 14 cent, tương đương 0,2%, lên 78,29 USD/thùng.

Dầu thô trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ kết thúc ở mức 72,40 USD/thùng, giảm 28 cent, tương đương 0,4%, so với mức thanh toán hôm thứ Sáu (thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ vào thứ Hai).

Đồng đô la Mỹ đạt mức cao nhất trong một tháng khi các nhà đầu tư giảm bớt kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 3. Đồng bạc xanh mạnh hơn làm giảm nhu cầu về dầu tính bằng đô la của những người mua sử dụng các loại tiền tệ khác. Trong khi đó, giá được hỗ trợ từ những dấu hiệu gia tăng căng thẳng ở Trung Đông, khi quân đội Mỹ thực hiện một cuộc tấn công mới ở Yemen nhằm vào 4 tên lửa đạn đạo chống hạm của Houthi.

Vàng giảm hơn 1%

Giá vàng giảm hơn 1% vào thứ Ba, do bị áp lực bởi đồng đô la mạnh lên và lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cao hơn sau khi Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Christopher Waller có phát ngôn về việc không sớm cắt giảm lãi suất trong năm nay, nhưng việc các nhà đầu tư tích cực mua tài sản ‘trú ẩn an toàn’ đã hạn chế đà giảm của giá vàng.

Kết thúc phiên, giá vàng giao ngay giảm 1,3% xuống 2.027,26 USD/ounce, sau khi tăng trong ba phiên trước đó; vàng kỳ hạn tháng 2 giảm hơn 1% xuống 2030,2 USD.

Ông Waller cho biết Mỹ đang “ở trong khoảng cách ấn tượng” với mục tiêu lạm phát 2% của Fed, nhưng ngân hàng trung ương không nên vội vàng cắt giảm lãi suất cho đến khi chắc chắn lạm phát sẽ được duy trì trong xu hướng giảm.

Đồng giảm

Giá đồng giảm vào thứ Ba do chịu áp lực bởi đồng đô la tăng giá, nhưng mức giảm đã được hạn chế bởi hy vọng mới về việc Trung Quốc sẽ đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn nữa. Trung Quốc là nước tiêu dùng kim loại hàng đầu thế giới.

Kết thúc phiên, đồng kỳ hạn ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) giảm 0,3% xuống 8.359 USD/tấn.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin các nhà hoạch định chính sách nước này đang xem xét kích thích nhiều hơn dưới hình thức phát hành nợ mới trị giá 139 tỷ USD.

Sandeep Daga, giám đốc của Metal, cho biết: “Các nhà đầu tư cần phải thừa nhận rằng năm 2024 có thể là năm đầu tiên kể từ năm 2020 chứng kiến sự suy thoái đồng bộ ở hầu hết các nền kinh tế lớn. Tỷ lệ các quỹ đặt cược giảm giá đối với kim loại sẽ tăng lên”.

Quặng sắt giảm phiên thứ 8

Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc ghi phiên thứ tám giảm liên tiếp do quyết định không tăng lãi suất của Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lo lắng.

Hợp đồng quặng sắt giao tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc kết thúc phiên giảm 0,6% xuống 938,50 nhân dân tệ (130,65 USD)/tấn. Nó đạt 924,50 trước đó trong phiên, mức yếu nhất kể từ ngày 20 tháng 12.

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) vào thứ Hai đã giữ nguyên lãi suất chính sách trung hạn, bất chấp kỳ vọng của thị trường về việc cắt giảm.

Atilla Widnell, giám đốc điều hành tại Navigate Commodities ở Singapore, cho biết: “Các dữ liệu Trung Quốc công bố tiếp tục gây thất vọng, trong khi thị trường tài chính đang đòi hỏi nhiều kích thích hơn nữa một cách phi lý – gần đây nhất là thất vọng vì PBOC quyết định giữ nguyên lãi suất cơ sở cho vay trung hạn 1YR”.

Tuy nhiên, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 2 trên Sàn giao dịch Singapore phiên vừa qua tăng 0,3% lên 127,80 USD/tấn.

Đậu tương tăng, ngô và lúa mì giảm

Giá đậu tương Mỹ tăng trong phiên thứ Ba do yếu tố kỹ thuật trong không khí giao dịch không ổn định và một loạt tin tức các tác động trái chiều.

Trái lại, giá ngô và lúa mì tiếp tục chuỗi phiên giảm giá, trong đó hợp đồng lúa mì giao dịch nhiều nhất giảm xuống mức giá thấp nhất kể từ ngày 29 tháng 11.

Kết thúc phiên thứ Ba trên sàn Chicago, giá đậu tương tăng 3 US cent lên 12,27-1/4 USD/bushel, ngô giảm 3,5 US cent xuống 4,43-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm 14 cent xuống 5,82 USD/bushel.

Ca cao đạt mức cao kỷ lục

Giá ca cao lập kỷ lục mới, dài mức tăng ấn tượng từ năm ngoái do nguồn cung ngày càng thắt chặt và đồng tiền Anh yếu.

Thị trường ca cao vụ mùa này được dự báo sẽ thiếu hụt nguồn cung vụ thứ ba liên tiếp và các tín hiệu kỹ thuật về ngày càng lạc quan.

Hợp đồng cacao kỳ hạn tháng 3 giao dịch tại London giá tăng 90 bảng, tương đương 2,5%, lên 3.717 bảng Anh (4.695 USD)/tấn vào lúc đóng cửa, sau khi có lúc chạm mức cao kỷ lục 3.723 bảng trong bối cảnh bảng Anh giảm giá so với USD.

Trong khi đó, ca cao kỳ hạn tháng 3 giao dịch ở New York cũng tăng 2,5% lên 4.429 USD/tấn.

Cà phê tăng

Giá cà phê Robusta kỳ hạn tháng 3 tăng 6,1% lên 3.170 USD/tấn vào lúc đóng cửa, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất trong ít nhất 16 năm, là 3.177 USD do nông dân Việt Nam trì hoãn việc giao cà phê đã bán từ trước, trong các vụ tấn công ở Biển Đỏ làm chậm việc giao hàng đến châu Âu.

Cà phê arabica tháng 3 kết thúc phiên tăng 2,9% lên 1,8525 USD/lb.

Cao su giảm

Hợp đồng cao su kỳ hạn Nhật Bản giảm giá vào lúc đóng cửa giao dịch phiên thứ Ba, chấm dứt đợt tăng kéo dài 3 ngày liên tiếp trước đó và giảm khỏi mức cao nhất 7 tuần đạt được lúc đầu phiên do nhà đầu tư chốt lời trước khi số liệu kinh tế quan trọng của Trung Quốc được công bố.

Hợp đồng cao su giao tháng 6 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) kết thúc phiên cửa giảm 0,7 yên, tương đương 0,26%, xuống 265,4 yên (1,82 USD)/kg. Trước đó, hợp đồng này có lúc tăng lên tới 268,6 yên, cao nhất kể từ ngày 29 tháng 11 năm 2023.

Hợp đồng cao su giao tháng 5 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 40 nhân dân tệ, kết thúc ở mức 13.875 nhân dân tệ (1.931,75 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 17/1:

 

Minh Quân

Nhịp sống thị trường


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật