Thị trường ngày 23/8: Giá dầu giảm, vàng, đồng, quặng sắt, cao su đồng loạt tăng

Kết thúc phiên giao dịch 22/8 giá dầu giảm do lo lắng nhu cầu của Trung Quốc trong khi vàng, đồng, quặng sắt, cao su đồng loạt tăng, cà phê diễn biến trái chiều.

Dầu giảm nhẹ

Giá dầu giảm nhẹ do các nhà đầu tư vẫn tập trung vào khả năng tình trạng bất ổn của kinh tế Trung Quốc sẽ khiến nhu cầu từ nước nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới giảm sút.

Chốt phiên 22/8, dầu thô Brent giảm 43 US cent hay 0,5% xuống 84,03 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 10 giảm 48 US cent xuống 79,64 USD/thùng.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới được coi như rất quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu dầu mỏ từ nay đến hết năm. Hoạt động kinh tế chậm chạp của nước này khiến thị trường thất vọng vì gói kích thích kinh tế đã cam kết không như dự kiến.

Tăng thêm mối lo ngại về nhu cầu, các quan chức ngân hàng trung ương Mỹ đã không loại trừ khả năng tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Mỹ dự kiến tiếp tục giảm dự trữ dầu. Một thăm dò sơ bộ của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô và xăng dự kiến giảm trong tuần trước.

Bộ trưởng dầu mỏ Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đã thảo luận về tầm quan trọng của việc khôi phục dòng chảy dầu mỏ sau khi hoàn tất việc bảo trì đường ống, điều này có thể thúc đẩy nguồn cung.

Thổ Nhĩ Kỳ đã dừng xuất khẩu 450.000 thùng/ngày khoảng 0,5% nguồn cung toàn cầu – thông qua đường ống nối miền bắc Iraq với Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 3 sau một phán quyết của trọng tài Phòng Thương mại Quốc tế.

Vàng vẫn quanh mức thấp nhất 5 tháng

Giá vàng gần mức thấp nhất 5 tháng do USD và lợi suất trái phiếu mạnh làm giảm sức hấp dẫn của vàng, trong khi trọng tâm chuyển sang hội nghị Jackson Hole vào cuối tuần này để có những manh mối về triển vọng lãi suất.

Vàng giao ngay gần như không đổi tại 1.896,6 USD/ounce, nhưng vẫn giữ gần mức thấp 5 tháng tại 1.883,7 USD đã chạm tới trong ngày 18/8. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,2% lên 1.926 USD/ounce.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm trong phiên nhưng vẫn gần mức cao nhất 15 năm.

Hạn chế đà tăng của vàng là USD tăng 0,2% khiến vàng đắt hơn cho người giữ các ngoại tệ khác.

Giá vàng đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3 trong tuần trước do số liệu kinh tế Mỹ mạnh thúc đẩy đặt cược lãi suất của Mỹ sẽ cao hơn trong thời gian dài hơn.

Đồng tiếp tục tăng do nhu cầu của Trung Quốc mạnh lên

Giá đồng tăng phiên thứ 4 liên tiếp bởi số liệu tiêu thụ tại Trung Quốc mạnh và có thêm nhiều biện pháp hỗ trợ tiền tệ của nước này.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1% lên 8.360 USD/tấn.

Tổ chức Nghiên cứu Đồng Quốc tế (ICSG) cho biết nhu cầu đồng tinh luyện của Trung Quốc tăng khoảng 9% trong nửa đầu năm nay, mặc dù thị trường toàn cầu chuyển sang dư thừa.

Nhu cầu bắt nguồn từ các lĩnh vực đồng chính như các nhà máy cáp, lưới điện và ngành xây dựng.

Các thị trường kim loại cũng được thúc đẩy bởi các biện pháp hỗ trợ của chính quyền Trung Quốc.

Đối với các kim loại khác, giá chì trên sàn giao dịch Thượng Hải tăng lên trên mức cao nhất 17 tháng. Hàng nghìn tấn chì được bán trên sàn Thượng Hải đối với các hợp đồng kỳ hạn được dự kiến khiến giá tăng vọt do lượng dự trữ không đủ để đáp ứng và thị trường giao ngay khan hiếm.

Chì giao sau 3 tháng trên sàn LME giảm 0,5% xuống 2.154 USD/tấn sau khi chạm mức cao nhất 2 tháng.

Quặng sắt tăng do hỗ trợ chính sách của Trung Quốc

Quặng sắt tiếp tục tăng, giá tại Singapore đạt mức cao nhất trong hơn 3 tuần bởi các biện pháp chính sách nhằm củng cố sự phục hồi kinh tế đang chững lại của Trung Quốc và dấu hiệu nhu cầu tại nước này đang tăng.

Hợp đồng thành phần sản xuất thép này giao tháng 9 tại Singapore tăng 3,4% lên 111,05 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 27/7.

Quặng sắt giao tháng 1/2024 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa tăng 4,5% lên 805,5 CNY (110,52 USD)/tấn, tiếp tục tăng phiên thứ 9 liên tiếp.

Trung Quốc đã cho phép 12 tỉnh và khu vực phát hành trái phiếu tài chính đặc biệt trị giá 1,5 nghìn tỷ CNY, điều này có thể cải thiện nguồn vốn cho các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng.

Việc cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Nhân Dân Trung Quốc cùng với nhu cầu thép đang phục hồi chậm cũng thúc đẩy những đợt tăng giá tạm thời.

Dự trữ quặng sắt đã nhập khẩu tại các cảng của Trung Quốc ở mức 116,5 triệu tấn tính tới ngày 11/8, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 8/2020, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.

Thép thanh tại Thượng Hải tăng 1,6%, thép cuộn cán nóng tăng 1%, dây thép cuộn tăng 1,2% và thép không gỉ tăng 1%.

Cao su Nhật Bản tăng ngày thứ 6

Giá cao su Nhật Bản tăng phiên thứ 6 liên tiếp, đợt tăng dài nhất kể từ tháng 9/2022, sau khi việc can thiệp tiền tệ của Trung Quốc thúc đẩy hy vọng có thêm kích thích kinh tế và đồng tiền Châu Á yếu.

Hợp đồng cao su giao tháng 1/2024 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 0,6 JPY hay 0,3% lên 200,7 JPY (1,38 USD)/kg.

Tại Thượng Hải giá cao su cùng kỳ hạn cũng tăng 70 CNY lên 13.050 CNY (1.791,28 USD)/tấn, tăng phiên thứ 4 liên tiếp.

Cà phê diễn biến trái chiều

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,75 US cent xuống 150,05 US cent/lb.

Các đại lý cho biết giá giảm trong tuần trước đã làm tốc độ bán ra chậm lại, đặc biệt từ nhà sản xuất hàng đầu Brazil.

Thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy triển vọng vụ thu hoạch tại Colombia và sẽ bắt đầu tăng tốc trong nửa cuối tháng 9.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 tăng 8 USD hay 0,34% lên 2374 USD/tấn.

Đường thô ổn định

Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa ổn định tại 23,4 US cent/lb, phục hồi từ mức thấp nhất hai tuần tại 23,34 US cent thiết lập trong đầu phiên.

Các đại lý cho biết mức hỗ trợ vững quanh 23 US cent trong khi các yếu tố cơ bản được coi như tăng giá với nguồn cung thiếu hụt toàn cầu được dự đoán rộng rãi trong niên vụ 2023/24.

Đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm nhẹ 0,4 USD xuống 681,4 USD/tấn.

Đậu tương, ngô giảm, lúa mì tăng

Giá đậu tương và ngô trên sàn giao dịch Chicago giảm bởi áp lực kết quả đầy hứa hẹn trong ngày đầu tiên của đợt đi thực tế vụ mùa ở Midwest hàng năm.

Đậu tương kỳ hạn tháng 11 giảm 15-3/4 US cent xuống 13,46 USD/bushel. Nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc trong năm 2023 có thể lớn hơn một chút so với dự đoán, nhưng khối lượng nhập khẩu không tăng nhiều trong những năm tới.

Ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 giảm 3 US cent xuống 4,79-1/2 USD/bushel.

Lúa mì tăng do nhu cầu toàn cầu mạnh.

Lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông tăng 2 US cent lên 6,27-1/2 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 23/8

Thị trường ngày 23/8: Giá dầu giảm, vàng, đồng, quặng sắt, cao su đồng loạt tăng - Ảnh 2.

Minh Quân

Nhịp sống thị trường


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật