Thị trường ngày 8/6: Giá dầu giảm, vàng mất 3%, cao su đạt đỉnh 3 tháng

Trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (7/6), giá dầu, vàng, đồng và cà phê giảm. Trái lại, quắng sắt và cao su tiếp tục tăng nhanh.

Dầu giảm do kỳ vọng giảm lãi suất của Mỹ, quyết định của OPEC+

Giá dầu giảm vào thứ Sáu khi các nhà đầu tư cân nhắc những lời trấn an của OPEC + và dữ liệu việc làm mới nhất của Mỹ làm giảm kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Dầu thô Brent kỳ giảm 25 US cent xuống 79,62 USD/thùng, trong khi dầu thô Trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ giảm 2 US cent xuống 75,53 USD.

Dữ liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của Mỹ trong tháng 5 đã tăng nhanh hơn nhiều so với dự kiến, khiến Fed phải trì hoãn việc bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm nhất cho đến tháng 9.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu hôm thứ Năm đã tiến hành cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019, bất chấp triển vọng lạm phát ngày càng không chắc chắn.

Chi phí vay cao có thể làm chậm hoạt động kinh tế và làm giảm nhu cầu về dầu.

Đồng USD tăng 0,8% lên mức cao nhất trong hơn một tuần ngay sau khi báo cáo việc làm được công bố.

Tính chung cả tuần, giá dầu thô giảm tuần thứ ba liên tiếp do lo ngại về nhu cầu, với dầu Brent giảm 2,5% và dầu WTI giảm 1,9%.

Vàng giảm 3%

Giá vàng giảm vào thứ Sáu sau khi báo cáo việc làm tốt hơn mong đợi của Mỹ làm giảm kỳ vọng về việc Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay và Trung Quốc đã ngừng mua vàng thỏi vào tháng 5.

Vàng giao ngay kết thúc phiên giảm khoảng 3% xuống còn 2.304,54 USD/ounce; vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 giảm 2,8% xuống 2.325 USD.

Giá vàng đã giảm gần 1% trong tuần này, đánh dấu tuần giảm thứ ba liên tiếp.

Báo cáo của Bộ Lao động cho thấy Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) đã tăng 272.000 việc làm trong tháng 5, so với kỳ vọng tăng 185.000.

Dữ liệu này cũng thúc đẩy đồng đô la tăng giá, khiến vàng thỏi trở nên đắt hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Các nhà giao dịch đã giảm kỳ vọng về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất, hiện cho rằng lãi suất sẽ giảm 37 điểm cơ bản (bps) vào cuối tháng 12, so với mức 48 điểm cơ bản dự đoán trước khi có dữ liệu NFP, với lần cắt giảm đầu tiên nhiều khả năng sẽ diễn ra vào tháng 11 thay vì tháng 9.

Đồng chạm mức thấp nhất 5 tuần

Giá đồng tại London chạm mức thấp nhất trong 5 tuần vào thứ Sáu, dưới áp lực từ đồng đô la tăng, dữ liệu việc làm của Mỹ mạnh hơn dự kiến và số liệu thương mại hỗn hợp từ Trung Quốc.

Đồng giao sau ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) giảm 3,7% xuống 9.773,50 USD/tấn, sau khi giảm xuống dưới mức trung bình động 50 ngày - 9.860 USD để chạm mức thấp nhất kể từ ngày 2 tháng 5, 9.755 USD/tấn.

USD tăng làm cho hàng hóa được định giá bằng đồng đô la trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác và nói chung làm xấu đi triển vọng của các kim loại phụ thuộc vào tăng trưởng.

Tồn trữ đồng trong các kho do Sở giao dịch tương lai Thượng Hải theo dõi đang ở mức cao nhất hơn 4 năm sau khi tăng mạnh kể từ đầu năm 2024.

Quặng sắt tăng tiếp

Giá quặng sắt vào thứ Sáu tăng phiên thứ hai liên tiếp do giảm bớt lo ngại về triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc.

Hợp đồng quặng sắt tháng 9 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên (DCE) của Trung Quốc tăng 0,72% lên 839,5 nhân dân tệ (115,90 USD)/tấn, sau khi tăng gần 1% vào thứ Năm.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 7 trên Sàn giao dịch Singapore tăng 0,51% lên 109,35 USD/tấn.

Thị trường kỳ vọng sản lượng kim loại nóng hàng ngày sẽ cao hơn mức hiện tại trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc đàm phán về việc cắt giảm sản lượng tới 20 triệu tấn thép thô trong năm nay.

Một số nhà giao dịch đã đóng vị thế bán khống đối với các sản phẩm thép trong bối cảnh thị trường đang thảo luận về việc cắt giảm thép, góp phần thúc đẩy thị trường kim loại màu phục hồi.

Cao su đạt đỉnh 3 tháng

Giá cao su kỳ hạn tại Nhật Bản đạt mức cao nhất gần 3 tháng vào thứ Sáu, theo sau sự phục hồi tại thị trường Thượng Hải trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung thắt chặt và sự lạc quan rằng việc cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Hợp đồng cao su giao tháng 11 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) tăng 15,5 yên, tương đương 4,5%, lên 357,2 yên (2,3 USD)/kg, sau khi đạt 357,8 yên, cao nhất kể từ ngày 19 tháng 3. Giá tăng 4,8 % trong tuần, là tuần tưang thứ năm liên tiếp.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải (SHFE) tăng 810 nhân dân tệ, kết thúc ở mức 16.020 nhân dân tệ (2.212 USD)/tấn, mức đóng cửa cao nhất kể từ tháng 2 năm 2021.

Cà phê giảm

Giá cà phê Robusta kỳ hạn trên sàn ICE giảm vào thứ Sáu sau khi đạt kỷ lục cao trong phiên trước đó do lo ngại kéo dài về nguồn cung thắt chặt.

Cà phê Robusta giao tháng 9 giảm 3,9% xuống 4.128 USD/tấn, sau khi tăng lên mức cao kỷ lục 4.394 USD vào thứ Năm.

Nguồn cung cà phê Robusta vẫn khan hiếm, chủ yếu do lo ngại về vụ mùa ở nước sản xuất hàng đầu Việt Nam, mặc dù lượng tồn trữ được ICE chứng nhận đang tăng, có thể cho thấy sản lượng bên ngoài Việt Nam đang tăng.

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 3,6% xuống 2,249 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất trong 7 tuần là 2,3870 USD vào thứ Năm.

Lúa mì giảm

Giá lúa mì kỳ hạn tương lai tại Sàn giao dịch Chicago (CBOT) hôm thứ Sáu giảm ngày thứ 8 liên tiếp, đóng cửa ở mức thấp nhất trong một tháng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ ngừng nhập khẩu lúa mì.

Giá lúa mì giảm 7,5% trong tuần này, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 7 năm 2023. Các nhà phân tích cũng kỳ vọng vụ lúa mì mùa đông của Mỹ tăng mạnh sẽ thúc đẩy nguồn cung ngũ cốc và giảm bớt lo ngại về thiệt hại mùa màng ở Nga.

Giá ngô và đậu tương kỳ hạn cũng giảm sau khi báo cáo việc làm mạnh mẽ của Mỹ thúc đẩy đồng đô la tăng, khiến hàng xuất khẩu của Mỹ kém cạnh tranh hơn.

Minh Quân

Nhịp sống thị trường


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật