Thị trường vàng: Quản thế nào để giá không tăng sốc?

Giá vàng SJC thường cao hơn giá vàng thế giới và vàng nhẫn 13-14 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm gần 20 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước nên sửa đổi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng theo hướng tăng nguồn cung vàng nhẫn, lập tức giá vàng SJC hạ nhiệt theo.

Chênh lệch cao vào túi ai?

Ngày 5/1, sau 10 ngày giá vàng SJC lên đỉnh 80 triệu đồng/lượng, khi Thủ tướng có công điện về giải pháp thị trường vàng, lập tức giá vàng hạ nhưng vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết mua vào 73 triệu đồng/lượng, bán ra 75 triệu đồng/lượng. Khoảng cách mua vào, bán ra được các doanh nghiệp thu hẹp về mức 2 triệu đồng/lượng so với mức 3 triệu đồng/lượng cách đây 2 ngày. Thậm chí, cách đây 1 tuần, chênh lệch mua vào, bán ra được các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc nới rộng khoảng cách lên tới 6 triệu đồng/lượng. Chưa kể, khoảng cách giữa giá vàng miếng SJC luôn cao hơn rất nhiều so với giá vàng nhẫn các thương hiệu khác từ 13-14 triệu đồng/lượng và cao hơn vàng thế giới 15 triệu đồng/lượng (chưa kể thuế, phí).

Trong cơn tăng giá sốc của SJC, không có con số thống kê cụ thể các doanh nghiệp kinh doanh vàng mua vào, bán ra bao nhiêu, thế nhưng dường như càng mua vào giá thấp, bán giá cao, doanh nghiệp càng hưởng lợi lớn.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng hiện nay không chỉ cao hơn rất nhiều so với thế giới 15 triệu đồng/lượng mà khoảng cách chênh lệch giữa mua và bán cũng lớn. Có thời điểm lên tới hơn 6 triệu đồng/lượng, điều này gây rủi ro thua lỗ cho các nhà đầu tư. Bởi, khi họ vừa mua xong đã lỗ do chênh lệch mua bán.

Giả sử, doanh nghiệp vàng niêm yết giá mua vào 73 triệu đồng/lượng, giá bán ra 75 triệu đồng/lượng (chênh lệch mua vào bán ra là 2 triệu đồng). Nếu nhà đầu tư mua vàng ở mức giá 73 triệu đồng/lượng, thì phải đợi giá vàng lên trên 75 triệu đồng/lượng mới có thể hòa vốn. Với mức chênh lệch này, chỉ những người mua ở thời điểm giá vàng xuống mức 71 - 72 triệu đồng/lượng bán ra mới có lời. Còn lại vẫn đang lỗ khoảng 2 triệu đồng/lượng nếu người mua bán ra ở thời điểm này. Ngược lại doanh nghiệp kinh doanh vàng bỏ túi hơn 2 triệu đồng nhờ chênh lệch giá mua bán trong khi người dân chịu cảnh “mua cao bán thấp”. Trong trường hợp giá vàng thế giới “rung lắc”, doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ nhanh chóng hạ giá mua vào đến mức thấp nhất, khi đó nhà đầu tư sẽ lỗ nặng.

Ông Hiếu cho biết, trước khi giá vàng biến động trong tháng 12/2023, chênh lệch mua vào, bán ra chỉ dưới 1 triệu đồng/lượng. Theo đó, giá vàng SJC mua vào và bán ra chỉ chênh lệch nhau vào khoảng dưới 500.000 đồng/lượng là hợp lý.

Chờ can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước

Tại cuộc họp báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, từ phó thống đốc đến vụ trưởng vụ quản lý ngoại hối đều khẳng định, không để giá vàng miếng chênh lệch lớn so với giá vàng thế giới và sẽ xem xét sửa Nghị định 24 nhằm kiểm soát giá vàng. Vai trò của công ty kinh doanh vàng SJC trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình cũng sẽ được đánh giá lại. Và ngay trong tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường.

Giá vàng miếng SJC chênh lệch mua vào - bán ra vẫn quá rộng Ảnh: Như Ý

Theo lãnh đạo một công ty kinh doanh vàng, nút thắt hiện nay đang nằm ở việc: liệu Ngân hàng Nhà nước có cấp phép cho Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn dập thêm vàng miếng SJC hay không. Từ năm 2014, Công ty SJC không được cấp phép dập thêm vàng miếng mà chỉ được dập lại một lượng rất ít vàng miếng đã sản xuất nhiều năm trước bị móp méo.

Điều đó có nghĩa suốt 10 năm qua, nguồn cung vàng miếng SJC ra thị trường không tăng thêm mà còn “hao hụt” đi do các công ty kinh doanh vàng chuyển hóa sang vàng trang sức, mỹ nghệ, sau đó đem đi xuất khẩu. Trước năm 2020, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và giá vàng thế giới quy đổi không quá cao như hiện nay. Thậm chí có thời điểm giá vàng miếng SJC còn xuống thấp hơn giá vàng thế giới.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho rằng: “Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước nên sửa theo hướng đưa ngành vàng nữ trang kinh doanh không cần điều kiện. Vàng miếng cũng xin được tự do kinh doanh, không có độc quyền, cho các doanh nghiệp được kinh doanh như một mặt hàng thông thường; còn việc nhập nguyên liệu vẫn do Ngân hàng Nhà nước kiểm soát. Ngân hàng Nhà nước có thể chuyển giao quản lý về mặt nhà nước của ngành vàng vật chất cho Bộ Công Thương. Hiện tại, ở các nước, mua bán vàng nữ trang, vàng miếng đều thuộc quản lý của bộ thương mại, chứ không phải ngân hàng trung ương. Còn Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý dự trữ thôi, chứ không quản lý vàng vật chất”, ông Khánh cho hay.

Ông Khánh đánh giá, khi giá vàng trong nước cao hơn thế giới từ khoảng 2% trở lên sẽ phát sinh hiện tượng nhập lậu vàng. Trong khi đó, chênh lệch giá giữa 2 thị trường những năm gần đây cao hơn mức trên rất nhiều. Mức chênh lệch lớn, có lúc đến 20 triệu đồng/lượng là phi lý, sẽ khiến nhập lậu vàng, trốn thuế tăng, gây thất thu ngân sách, chưa kể sẽ tác động đến thị trường ngoại tệ “chợ đen”.

Theo Ngọc Mai

Tiền phong


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật