Tiền gửi vào TCTD đã vượt 10 triệu tỷ, ngân hàng nào hút vốn nhất?
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng (TCTD) đã vượt 10 triệu tỷ đồng vào cuối năm 2020, tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm qua.
Tuy nhiên, sang tháng 1, tháng 2 năm 2021, tiền gửi sụt giảm nhẹ và tuột mốc 10 triệu tỷ, chủ yếu do yếu tố mùa vụ khi các công ty rút tiền để trả lương thưởng cuối năm, người dân rút tiền phục vụ nhu cầu chi tiêu dịp Tết Nguyên đán. Cuối tháng 2/2021, tổng tiền gửi tại các TCTD đạt gần 9,98 triệu tỷ đồng, giảm 0,4% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại các TCTD đạt hơn 4,7 triệu tỷ đồng, giảm 3,32% so với đầu năm; tiền gửi của dân cư đạt hơn 5,26 triệu tỷ, tăng 2,37%.
Tuy nhiên, tiền gửi vào các TCTD đã bắt đầu tăng trở lại trong tháng 3. Tổng cục thống kê cho biết huy động vốn của các TCTD tăng khoảng 0,54% tính từ đầu năm đến 19/3/2021. Theo đó, ước tính tiền gửi vào hệ thống ngân hàng đã trở lại trên mốc 10 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 3/2021.
Trong khi đó, thống kê từ BCTC quý 1/2021 của 28 ngân hàng cho thấy, tổng tiền gửi khách hàng của những nhà băng này đã tăng 1,3% trong 3 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tăng trưởng huy động tiền gửi của các ngân hàng có sự phân hóa mạnh, rất nhiều ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn ghi nhận huy động tiền gửi sụt giảm; trong khi nhiều ngân hàng khác lại tăng mạnh trên 5%.
Cụ thể, có tới 10/28 ngân hàng ghi nhận tiền gửi thị trường 1 sụt giảm trong 3 tháng đầu năm, trong đó có cả những ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, ACB, SHB, VPBank.
Huy động tiền gửi của BIDV đã giảm nhẹ 0,06% xuống mức hơn 1,22 triệu tỷ đồng. Vietcombank giảm 0,64% xuống mức 1,02 triệu tỷ. ACB giảm 0,28% xuống còn hơn 352.000 tỷ đồng. SHB và VPBank giảm lần lượt 0,96% và 0,43% xuống mức 300,6 nghìn tỷ và 232,4 nghìn tỷ.
Trong khi đó, nhiều ngân hàng tăng mạnh trên 5% trong 3 tháng đầu năm. MB là ngân hàng hút tiền gửi nhất trong quý 1 năm nay, tiền gửi khách hàng tại nhà băng này đã tăng thêm gần 17.000 tỷ tương đương tăng 5,46% lên 327.926 tỷ đồng.
Ngoài ra, HDBank cũng hút mạnh tiền gửi, tăng 5,94% tương đương tăng hơn 10.300 tỷ lên gần 185 nghìn tỷ đồng. NamABank và OCB tăng lần lượt 5,44% lên hơn 103,5 nghìn tỷ; tăng 5,97% lên hơn 92,3 nghìn tỷ.
Xét về mức tăng theo % thì Kienlongbank là ngân hàng có tiền gửi tăng mạnh nhất, tăng tới 13,6% lên hơn 47,7 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù tiền gửi sụt giảm nhưng BIDV và Vietcombank vẫn đang là 2 ngân hàng có thị phần tiền gửi thị trường 1 lớn nhất trong các ngân hàng cổ phần. Ước tính BIDV và Vietcombank đang có thị phần lần lượt khoảng 12% và 10%. Tiếp theo là VietinBank, với hơn 1 triệu tỷ đồng tiền gửi khách hàng, có thị phần đạt gần 10%.
Ở nhóm ngân hàng tư nhân, SCB và Sacombank vẫn là 2 ngân hàng tư có tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống, chiếm khoảng 4,7% và 3,5% trong toàn hệ thống.
Sự phân hóa mạnh trong tăng trưởng tiền gửi giữa các ngân hàng trong quý 1/2021 một phần do khả năng tăng trưởng tín dụng cũng có sự chênh lệch đáng kể trong hệ thống. Hiện Ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng hạn mức tăng trưởng tín dụng theo từng quý với các mức khác nhau phụ thuộc vào hệ số an toàn vốn, chất lượng tài sản, cơ cấu cho vay các lĩnh vực của từng ngân hàng. Do đó, với những ngân hàng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp sẽ không có nhu cầu tăng mạnh huy động vốn.
Theo: Doanh nghiệp và Tiếp thị
TIN CŨ HƠN
- Vì sao lãi suất liên ngân hàng bất ngờ tăng vọt
- Lãi suất tiền gửi ngân hàng nào cao nhất tháng 5/2021?
- Một ngân hàng báo lãi quý 1/2021 giảm gần một nửa so với cùng kỳ
- VPBank lãi 4.000 tỷ đồng trong quý đầu năm
- Đồng VND đang đối diện áp lực giảm giá
- Từ điểm hữu hạn, ngân hàng Việt tính đường dài
- Lại nóng cuộc đua tăng vốn ngân hàng
- Ngân hàng đầu tiên báo kết quả kinh doanh quý 1/2021, lợi nhuận cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ
- Vì sao lãi suất cho vay vẫn cao?
- Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tham vọng