Tiền vào mạnh: Ngân hàng giảm lãi suất

Trước xu hướng tiền gửi tăng mạnh trở lại trong khi tín dụng tăng trưởng chậm, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng, nhất là khi lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và trái phiếu đang đi xuống.

Các ngân hàng giảm lãi suất

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng từ 5,5%/năm về 5%/năm từ ngày 19/11/2019, nhiều ngân hàng (NH) đã buộc phải giảm lãi suất theo quy định nhưng đồng thời cũng tăng lãi suất ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên để giữ chân khách hàng và thu hút dòng tiền gửi ngắn hạn.

Cuối năm 2019, trước áp lực thanh khoản cục bộ cũng như nhu cầu chuẩn bị vốn phát triển kinh doanh, một số NH đã tăng lãi suất để thu hút vốn, như Techcombank, Hàng Hải hay Bắc Á, với mức tăng trải đều ở nhiều kỳ hạn. Dù vậy, thời điểm đó đã có những dự báo cho rằng sau Tết Nguyên đán, lãi suất huy động có thể giảm trở lại khi dòng tiền sẽ quay trở lại hệ thống NH.

Thực tế không cần đợi quá lâu như thế, mặt bằng lãi suất huy động tại nhiều nhà băng đã được điều chỉnh giảm ngay từ những ngày cận Tết. Cụ thể, theo khung lãi suất tiền gửi của SHB có hiệu lực từ ngày 30/1/2020, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng giảm 0,4%, xuống còn 4,6%/năm, kỳ hạn 2 tháng giảm 0,3%, xuống còn 4,7%/năm, kỳ hạn 3 tháng và 4 tháng giảm tương ứng 0,2% và 0,1%, xuống còn 4,8 và 4,9%/năm. Theo đó, lãi suất của SHB chỉ còn mỗi kỳ hạn 5 tháng là ở mức kịch trần 5%/năm.

Từ ngày 30/1/2020, Eximbank giảm 0,1% lãi suất tiền gửi không kỳ hạn, giảm 0,3% tiền gửi kỳ hạn ngắn 1-3 tuần xuống còn 0,5%/năm, đặc biệt các kỳ hạn dài cũng giảm khá mạnh. Cụ thể, tiền gửi kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2%, xuống 7,4%; kỳ hạn 15 tháng giảm 0,2%, xuống 7,8%; kỳ hạn 18 tháng giảm 0,1%, xuống 7,9%; kỳ hạn 36 tháng giảm đến 0,4%, xuống còn 8%. Một NH có quy mô nhỏ hơn là Bản Việt sau khi giảm lãi suất ở hàng loạt các kỳ hạn vào tháng 11, gần đây tiếp tục giảm 0,1% lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 10 và 11 tháng. 

Tiếp đó, trong tuần đầu tiên của tháng 2 sau kỳ nghỉ Tết, Techcombank đã giảm lãi suất kỳ hạn từ 1-5 tháng xuống mức là 4,25-4,75%/năm, kỳ hạn 6 tháng giảm về mức 6,2-6,7%/năm. Trong khi đó, ACB cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng và 12 tháng lần lượt xuống mức 6,3-6,6%, 6,4-6,7% và 6,8-7,1%/năm, giảm 0,2 điểm phần trăm so với biểu lãi suất mà nhà băng này áp dụng trong tháng 1. Các ngân hàng thương mại khác như SHB, Sacombank giảm 0,1 - 0,2%/năm đối với kỳ hạn 3 tháng.

Vì sao?

Mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường 1 tại nhiều NH giảm sau Tết dường như là xu hướng tất yếu, khi thanh khoản hệ thống dồi dào hơn trước do dòng tiền gửi rút ra trước Tết đã quay trở lại, khiến nguồn cung vốn tăng mạnh. Nhiều NH trước đây đã cơ cấu nguồn vốn theo hướng tích cực khi tăng lãi suất tiền gửi trung, dài hạn để hút vốn, do đó việc chủ động giảm lãi suất khi vốn nhàn rỗi tăng là có thể hiểu được. 

Thống kê cho thấy, sau khi hút ròng 25.000 tỷ đồng trong tuần trước Tết Nguyên đán, trong tuần đầu tiên của tháng 2/2020, NHNN tiếp tục hút ròng với giá trị lên đến 36.000 tỷ đồng, củng cố quan điểm thanh khoản hệ thống đang dư thừa. Tuy giảm lãi suất huy động tiền đồng chưa diễn ra đồng loạt nhưng diễn biến trên thị trường liên NH đang phát đi những tín hiệu lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới.

Theo số liệu từ NHNN, lãi suất tiền gửi qua đêm tiếp tục giảm mạnh, hiện chỉ còn 2% ở kỳ hạn, tức giảm 1,15% so với phiên giao dịch trước khi nghỉ Tết Nguyên đán. Tương tự, kỳ hạn 1 tuần giảm 0,99% còn 2,3%, kỳ hạn 2 tuần giảm 1,21%, còn 2,32% và kỳ hạn 1 tháng giảm 0,77% xuống 2,76%. Việc lãi suất trên thị trường 2 đi xuống được kỳ vọng sẽ lan tỏa qua thị trường 1 trong thời gian tới.

Trên thị trường trái phiếu, từ đầu năm đến nay, lợi suất cũng liên tiếp đi xuống khi lượng mua trái phiếu tăng trước nhu cầu đầu tư an toàn. Cụ thể, hai phiên đấu thầu đầu năm rất thành công với 100% lượng gọi thầu được phát hành hết, dù lãi suất trúng thầu giảm mạnh từ 30-70 điểm cơ bản ở các kỳ hạn (1% tương ứng với 100 điểm cơ bản).

Theo nhận định từ giới phân tích tài chính, giảm lãi suất huy động sẽ là tiền đề để các ngân hàng giảm giá vốn đầu vào, có cơ hội giảm thấp hơn lãi suất cho vay DN để kích thích tăng trưởng kinh tế. Nếu NHNN bị hạn chế trong việc sử dụng các công cụ nới lỏng chính sách tiền tệ thì ít nhất phải giữ được mặt bằng lãi suất ở mức thấp như hiện tại, theo đó có thể định hướng các NH thương mại nhà nước giảm thêm lãi suất.

Ở chiều ngược lại, dòng vốn ra trong giai đoạn đầu năm khá khiêm tốn, nhất là khi ảnh hưởng từ dịch bệnh Corona, nên nhiều NH buộc phải giảm lãi suất đầu vào để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn. Hiện nay, nhiều NH thương mại đã giảm lãi suất cho vay ở một số kỳ hạn để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Corona theo chỉ đạo của NHNN.

Theo: doanhnhansaigon.vn

 


Tìm Đại lý phân phối, Nhà cung cấp nổi bật