Dư nợ tín dụng bất động sản tính đến tháng 5 tăng hơn 12% so với đầu năm - là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước.
Thông tin này được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ tại hội nghị phát triển thị trường bất động sản chiều 14/7.
Đến cuối tháng 5, dư nợ tín dụng với lĩnh vực bất động sản là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cuối năm ngoái. Thống đốc cho biết đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung với nền kinh tế.
Tín dụng lĩnh vực bất động sản tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 66%), còn lại là phục vụ kinh doanh bất động sản hơn 786.000 tỷ đồng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng trình bày về tín dụng bất động sản tại hội nghị ngày 17/4. Ảnh: VGP
Nhấn mạnh thị trường bất động sản có vai trò quan trọng và có mối liên hệ với nhiều ngành sản xuất nhưng Thống đốc cũng chia sẻ, việc cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản là lĩnh vực rủi ro cần được kiểm soát.
Nhu cầu tín dụng bất động sản thường có thời hạn trung và dài hạn (hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian từ 10-25 năm), trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn).Nếu các tổ chức tín dụng không cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân. Bởi vậy, với vai trò là cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành đầy đủ hành lang pháp lý với việc ngân hàng cho vay, mua trái phiếu, bảo lãnh, trong đó có lĩnh vực bất động sản, bà Hồng chia sẻ.
Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là nguồn vốn ngân hàng phải tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Từ đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước định hướng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 14% (năm 2021 tín dụng tăng 13,6%, năm 2020 là 12%). Tuy nhiên, tới hết nửa đầu năm, tín dụng đã tăng tới 9,35% - cao hơn cả mức tăng của cùng kỳ những năm trước dịch Covid-19.
"Lạm phát đang chịu sức ép gia tăng nhưng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%", Thống đốc thông tin.