Ở thời điểm đó, doanh thu của mỗi lái xe trung bình hàng tháng lên tới 20-30 triệu đồng là chuyện hết sức bình thường. Anh Hải, một lái xe cho hay, trung bình mỗi ngày chạy khoảng 10 tiếng liên tục thì sau khi đã chiết khấu 20% cho doanh nghiệp và được doanh nghiệp hỗ trợ lại, mỗi tháng sẽ kiếm được khoảng 40 triệu doanh thu. Với số tiền này, sau khi trừ tiền xăng và tiền lặt vặt khác thì sẽ còn 30 triệu. Trong khi các hãng taxi có mức lương trung bình chưa tới 15 triệu/tháng.
Các lái xe taxi đua nhau bỏ việc để chuyển sang Grab, Uber. Ông Bùi Danh Liên - Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội từng cho biết, qua khảo sát cho thấy khá nhiều doanh nghiệp taxi hiện đang thiếu lái xe vì lái xe bỏ sang chạy Grab, Uber bởi thu nhập cao hơn.
Chỉ tính riêng năm 2017, Vinasun giảm gần 8.000 nhân viên, Mai Linh giảm 6.000 nhân viên và hàng nghìn lái xe thuộc các doanh nghiệp taxi truyền thống khác cũng đã “dứt áo ra đi” vì mức thu nhập của taxi công nghệ cao hơn. Hiện Hà Nội có trên 15.000 taxi công nghệ được cấp phép thí điểm, trong đó có 11.400 xe Grab và 2.400 xe Uber.
Những tháng này, “hoa hồng” đối với các lái xe không nghệ không còn khi các chính sách liên tục thay đổi. Grab bắt đầu thắt chặt ngân sách và thay đổi công thức trả thưởng và hỗ trợ. Cuối năm 2015, hãng thông báo cắt hoàn toàn hỗ trợ từ hãng đã khiến hầu hết tài xế Grab bất ngờ, rủ nhau đình công,... Trước phản ứng mạnh mẽ này, ngay trong ngày, Grab buộc phải phục hồi lại chính sách hỗ trợ, tuy nhiên, có những thay đổi nhằm đảm bảo lợi ích từ hai phía.
Trước đó, tháng 8/2017, nhiều tài xế GrabBike cũng tập trung đình công vì hãng tăng mức chiết khấu thêm 5%, từ 15% lên 20%. Gần đây nhất là vụ việc tài xế GrabCar phản ứng với mức chiết khấu lên đến 28% mà Grab đang áp dụng với xe tham gia sau 1/10/2018 và 23,6% tham gia trước 1/10/2017.
Trong khi đó, ngoài phần chiết khấu 25%, tài xế Uber còn phải đóng thêm 4,5% thuế thu nhập cá nhân. Cách đây không lâu, lái xe Uber từng phản ứng khi mức giá cước sân bay Nội Bài giảm xuống chỉ còn 150 nghìn đồng. Sau một thời gian, Uber đã phải tăng giá theo tình hình quãng đường và thời điểm đặt xe để hỗ trợ lái xe.
Cục Thuế Hà Nội cũng đã yêu cầu các chi cục Thuế kiểm tra việc xuất hoá đơn và tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp là đối tác của Grab tại Việt Nam. Đồng thời, Cục Thuế Hà Nội cũng chỉ đạo các đơn vị rà soát, đôn đốc việc khấu trừ, kê khai, nộp thuế thay cho lái xe khi thanh toán thu nhập cho các cá nhân tham gia kinh doanh vận tải theo quy định.
Theo quy định các đối tác của Grab phải khai nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp với phần doanh thu được chia từ hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng hợp tác kinh doanh theo tỷ lệ thuế VAT 3%, thuế thu nhập cá nhân 1,5%.
Đầu năm 2018, nhiều tuyến phố Hà Nội bắt đầu cắm biển cấm xe hợp đồng dưới 9 chỗ bên cạnh biển cấm taxi theo giờ. Điều đó có nghĩa, Uber và Grab không còn tự do đi vào đường cấm như Taxi trước đó.
Hiệp taxi TP HCM và Hà Nội nhiều lần đề xuất cấm đường xe chạy hợp đồng điện tử như Uber, Grab... để đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh với taxi truyền thống. Đặc biệt, khi cơ quan chức năng đang tính toán thêm nhiều quy định ràng buộc hơn để đưa hoạt động của xe hợp đồng điện tử như Uber, Grab về gần với xe taxi, đảm bảo bình đẳng giữa 2 loại hình.
Ngày 15/1 vừa qua, hàng trăm lái xe Uber và Grab đã tập trung tại trụ sở của hai hãng để phản đối việc tăng chiết khấu và chính sách hỗ trợ tài xế trong việc cấm đường trên 13 tuyến phố vào giờ cao điểm. Sau khi không đạt được các thỏa thuận ban đầu, nhiều tài xế tham gia phản đối cho biết đã tắt ứng dụng vào giờ cao điểm đồng thời không nhận chuyến xe.
Để phản ứng lại với các Uber và Grab, không ít lái xe từ chối khách thẳng thừng khi đặt chặng ngắn, thậm chí còn đánh giá khách 1 sao. Trên nhiều diễn đàn, các lái xe kêu gọi tắt ứng dụng để phản đối quyết liệt.