USD và vàng tăng, euro giảm khi Mỹ và phương Tây chuẩn bị vòng trừng phạt mới
Ông Biden đến Bỉ vào ngày thứ Tư (23/4) trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, và sẽ gặp các nhà lãnh đạo NATO và châu Âu tại cuộc họp thượng đỉnh khẩn cấp diễn ra ở trụ sở của liên minh quân sự phương Tây. Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết gói trừng phạt mới của Mỹ sẽ bao gồm các biện pháp nhắm vào các thành viên Quốc hội Nga.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông Biden sẽ có các cuộc họp với các lãnh đạo của NATO và Liên minh châu Âu (EU) ngày 24/3 tại Brussels. Ông cũng sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO, gặp gỡ các lãnh đạo G7, và phát biểu trước các lãnh đạo EU tại cuộc họp của Hội đồng châu Âu. Tại đó, ông Biden và những người đồng cấp châu Âu sẽ tuyên bố các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Giá các mặt hàng như dầu và lúa mì đã tăng mạnh do căng thẳng ở Ukraine leo thang, gây thêm áp lực đối với lạm phát vốn đã cao do tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Lạm phát gia tăng đã khiến nhiều ngân hàng trung ương, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, phải thực hiện các biện pháp để kiềm chế giá cả, chẳng hạn như bằng cách tăng lãi suất.
"Dòng vốn đang chảy mạnh, và nếu là tôi thì tôi sẽ không muốn ở Châu Âu lúc này, bởi ở đó gần Ukraine về mặt địa lý, đồng thời cũng là nơi chịu tác động mạnh bởi những lệnh trừng phạt. Có rất nhiều tiền đang rời khỏi châu Âu để chuyển sang Mỹ", Huw Roberts, trưởng bộ phận phân tích của Quant Insight cho biết.
Theo ông Roberts: "Nếu chúng ta chứng kiến thêm một vòng trừng phạt nữa, những hậu quả mà phương Tây gánh chịu sẽ còn nặng nề hơn".
Chỉ số Dollar index – so sánh USD với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt – lúc kết thúc ngày 23/3 theo giờ Việt Nam tăng 0,291% lên 98,885, trong đó USD tăng 0,46% so với USD, lên 1,0976 USD/EUR.
Giá dầu thô ở cùng thời điểm đã tăng hơn 5% do sự gián đoạn dầu thô xuất khẩu từ Nga và Kazakhstan.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Jerome Powell, đã thông báo khả năng sẽ tăng lãi suất nhiều hơn mức 25 điểm phần trăm tại cuộc họp sắp tới. Lập trường tích cực này đã được các nhà hoạch định chính sách Mỹ nhắc đi nhắc lại nhiều lần – yếu tố vốn đã có lợi cho đồng bạc xanh và giúp đẩy tăng lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lên hơn 2,4%.
Công ty dịch vụ tài chính Jefferies hôm 23/3 đã cập nhật dự báo về động thái của Fed dựa trên bình luận của ông Powell, theo đó lãi suất của Mỹ dự kiến sẽ được tăng thêm 50 điểm cơ bản trong cả hai cuộc họp sắp tới, tháng 5 và 6, và tiếp theo là các đợt tăng 25 điểm cho đến cuối năm 2022.
Đồng yên Nhật suy yếu, giảm 0,13% xuống 120,92 JPY/USD. Đồng yen gần đây liên tục sụt giảm, có lúc xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm, là 121,4 JPY, do đường đi của ngân hàng trung ương Nhật Bản trái ngược với của Fed.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda hôm thứ Ba (22/3) cho biết BoJ phải duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng vì chi phí tăng cao đẩy gần đây có thể gây tổn hại cho nền kinh tế nước này.
Các nhà phân tích của TD Securities cho biết: "Cặp tỷ giá USD-JPY không có chỗ nào để tăng," bởi sự khác biệt giữa lãi suất của Mỹ và Nhật Bản và mức độ dễ bị tổn thương của đồng yên trước những cú sốc làm rung chuyển thị trường hàng hóa sau khi Nga thực hiện chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Trong khi đó, bảng Anh giảm 0,5% xuống 1,3197 USD vào lúc kết thúc ngày 23/3 theo giờ Việt Nam, sau khi đó chạm mức cao nhất trong vòng ba tuần, là 1,3298 USD, chỉ vài giờ trước đó.
Lạm phát của Anh tháng 2/2022 đã tăng nhanh hơn dự kiến , chạm mức cao nhất trong 30 năm, khi tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã quyết định cắt giảm thuế cho người lao động và giảm thuế đối với nhiên liệu sau dữ liệu lạm phát, nhằm giúp giảm bớt gánh nặng chi phí sinh hoạt cho người dân trong bối cảnh giá cả tăng nhanh và tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất một tuần so với đồng USD cũng do sự phân hóa về chính sách tiền tệ giữa hai nền kinh tế, làm suy yếu lợi thế lợi nhuận của Trung Quốc và khiến một số nhà đầu tư lo ngại nguy cơ dòng vốn chay ra khỏi nước này.
Trên thị trường giao ngay Trung Quốc, đồng nhân dân tệ giảm 24 pip vào lúc kết thúc ngày 23/3, xuống 6,3684 CNY, sau khi đã giảm hơn 70 pip ở phiên liền trước.
Trên thị trường tiền điện tử, Bitcoin dao động trong biên độ hẹp trong ngày 23/3, ở quanh mức 42.250 USD.
Giá bitcoin ngày 23/3.
Giá vàng tăng bất chấp USD mạnh lên, do các dữ liệu lạm phát mới từ các nền kinh tế tiếp tục cho thấy sự bất thường, và cuộc khủng hoảng ở Ukraine gia tăng, thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến vàng để trú ẩn an toàn.
Giá vàng giao ngay lúc kết thúc ngày 23/3 theo giờ Việt Nam tăng 0,6% lên 1.933,45 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4 cũng tăng 0,7% lên 1.933,70 USD.
Lạm phát cao có lợi cho kim loại quý và nó "sẽ không sớm biến mất", ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của Kitco Metals cho biết, nhưng thêm rằng lợi suất trái phiếu tăng đang hạn chế mức tăng của vàng và có thể khiến kim loại này giao dịch "đi ngang và dao động".
Lượng vàng nắm giữ bởi quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, tuần này đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2021. Nhà phân tích độc lập Ross Norman cho biết: "Đó là một chỉ báo tốt cho sự khởi đầu của đợt giá vàng tăng, khi nhu cầu vàng ở quỹ ETF vẫn rất mạnh".
Tham khảo: Refinitiv, Coindesk
Vũ Ngọc Diệp
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị
TIN CŨ HƠN
- USD vững giá, vàng tăng mạnh
- Giá vàng trong nước tiếp tục lao dốc, giảm thêm 1 triệu đồng/lượng
- USD tăng trở lại, Euro, Bitcoin và vàng cùng đi xuống
- Vàng lao dốc không phanh, giảm mạnh 6 triệu đồng/lượng
- Cổ phiếu Grab mất gần 40% giá trị chỉ trong một phiên vì khoản lỗ kỷ lục
- Tăng mạnh trở lại, giá vàng đang 'ăn theo' lạm phát?
- Giá vàng thế giới mất 100 USD/ounce chỉ trong chưa đầy 24 giờ, các chuyên gia nói gì?
- Giá vàng trong nước giảm mạnh 2 triệu đồng/lượng
- Thị trường ngày 11/2: Giá dầu diễn biến trái chiều, vàng cao nhất 2 tuần
- Nhà bán lẻ tăng tốc đón xuân