3 ngân hàng Việt có sự kiện lớn trong tuần tới
Theo kế hoạch, vào ngày 24/3 tới đây, hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sẽ chính thức niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE - HSX). Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 16.800 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%.
Việc cổ phiếu SSB niêm yết ở thời điểm hiện tại được đánh giá là khá thuận lợi, khi VNIndex vừa thiết lập kỷ lục trên 1.200 điểm hôm 18/3 vừa qua, đồng thời cổ phiếu ngân hàng liên tục đi lên và phá đỉnh những ngày gần đây. Mức giá cho ngày đầu giao dịch 16.800 đồng là khá hấp dẫn.
Hơn nữa, ngành ngân hàng cũng đang có nhiều triển vọng tích cực trong năm 2021 khi nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ. Cuối tuần qua, Moody's đã nâng triển vọng tín nhiệm đối với 15 ngân hàng Việt, trong đó có SeABank.
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của SeABank đạt gần 1.729 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2019 và hoàn thành 115% kế hoạch đặt ra, đồng thời cũng là con số cao kỷ lục. Tổng tài sản đạt 180.207 tỷ đồng, tăng 14,5% so với đầu năm. Tổng dư nợ thị trường 1 đạt 108.869 tỷ đồng, tăng 10,5%; Tổng huy động vốn trên thị trường 1 đạt 113.276 tỷ đồng tăng 18%.
Sự kiện tiếp theo là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) tổ chức đại hội cổ đông vào 24/3 tại Tp. Hồ Chí Minh, nơi ngân hàng này đóng trụ sở chính. Cùng ngày, Ngân hàng TMCP Hàng Hải cũng tổ chức đại hội cổ đông ở Hà Nội.
Trong 4 năm qua, VIB có tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trên 50%, chất lượng tài sản tốt. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ của ngân hàng đạt 84% tổng dư nợ tín dụng, tỷ lệ dư nợ bán lẻ trên 95%. Nợ xấu vào cuối năm 2020 giảm xuống dưới 1,5%. Các sản phẩm bán lẻ chủ lực của VIB là cho vay mua ô tô, mua nhà ở, bảo hiểm bancassurance, thẻ tín dụng và tiền gửi. Ngân hàng này có hai mảng kinh doanh cho vay ô tô và bảo hiểm nhân thọ lớn mạnh, chiếm thị phần số 1 trong toàn ngành. Hiện cổ phiếu VIB ở mức cao kỷ lục trên 45.000 đồng, tăng gấp rưỡi kể từ đầu năm. VIB cũng có truyền thống trả cổ tức rất cao cho cổ đông và chế độ đãi ngộ cho cán bộ nhân viên thuộc top đầu ngành.
Ngân hàng MSB cũng thu hút sự chú ý khi lên kế hoạch chia cổ tức tới 30% cho năm 2020, thực hiện chia trong năm nay. Lợi nhuận tăng ít nhất 30%, tăng ít nhất 8% tổng tài sản lên 190 nghìn tỷ đồng; Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 25% lên hơn 106 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 15% đạt hơn 114 nghìn tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2021 (trả vào năm 2022) thấp nhất là 15%.
Mới đây, MSB đã ký hợp tác bảo hiểm độc quyền với Prudential Việt Nam. Thương vụ này không chỉ mang lại mức phí trả trước khủng cho MSB mà còn được kỳ vọng tạo nguồn thu đáng kể cho MSB các năm tiếp theo. Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng MSB có thể nhận được mức phí trả trước (Upfront fee) có thể lên đến 3.500 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của MSB tăng liên tục trong hơn 2 tuần qua, hiện ở mức 22.000 đồng/cổ phiếu.
Theo: Nhịp sống kinh tế
TIN CŨ HƠN
- Ngân hàng ồ ạt tuyển dụng, quy mô hàng nghìn nhân sự
- So sánh lãi suất huy động của 10 ngân hàng nhiều tiền gửi nhất hiện nay
- Hơn chục ngân hàng thay đổi biểu lãi suất, gửi tiết kiệm ngân hàng nào lúc này để có lãi cao nhất?
- Những ngân hàng nào sẽ có lợi thế trong năm 2021?
- Tăng trưởng tín dụng quý I/2021: Có thể lạc quan ?
- Ngân hàng lợi nhuận như mơ, thưởng Tết thế nào?
- Ngân hàng lãi đậm kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư trong năm 2020
- TP.HCM kiến nghị khẩn với Ngân hàng Nhà nước
- Ngân hàng trù tính thế nào với năm 2021?
- Động lực nào cho tăng trưởng tín dụng năm 2021?